TPHCM xác định rõ vai trò hòa giải viên trong tranh chấp lao động

Xác định rõ vai trò của hòa giải viên trong tranh chấp lao động, đây là một trong nhiều nội dung mà các đại biểu đưa ra tại Hội thảo quốc tế 'Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua phương thức hòa giải và trọng tài tại Việt Nam' do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Đại học Luật TPHCM phối hợp tổ chức.

Thông tin đáng chú ý được đưa ra tại hội thảo này, đó là giai đoạn năm 2021 đến năm 2023, tức là khi áp dụng Bộ luật Lao động năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh nhận được 2.561 yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, bình quân 853 yêu cầu/năm. Kết quả hòa giải thành của giai đoạn này đạt 41,22%. Nguyên nhân tranh chấp chủ yếu là việc thực hiện hợp đồng lao động, nội dung tranh chấp về tiền lương và các khoản phụ cấp, chế độ trợ cấp...

Theo quy định, hòa giải viên lao động là chủ thể đầu tiên được pháp luật ghi nhận có thẩm quyền tiến hành hòa giải tất cả các tranh chấp lao động, bao gồm cả tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung thêm nhiệm vụ hỗ trợ phát triển quan hệ lao động cho hòa giải viên lao động.

Các chuyên gia pháp lý cũng đồng tình, hòa giải là cách thức giải quyết tranh chấp lao động có rất nhiều ưu điểm nếu thực hiện hiệu quả. Vì thế, việc nâng cao vai trò, vị thế thực sự của hòa giải viên lao động là điều cần thiết và nên thực thi, nhằm tạo lập niềm tin, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên khi xảy ra tranh chấp.

Hải Triều - Phạm Quyền

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/tphcm-xac-dinh-ro-vai-tro-hoa-giai-vien-trong-tranh-chap-lao-dong-236816.htm