TQ nỗ lực để không phải chọn phe giữa Nga và Ukraine

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đặt Trung Quốc vào thế khó xử bởi nước này có quan hệ tốt đẹp với cả hai bên.

Chuyện Nga đổ hơn 100.000 quân tới biên giới với Ukraine làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột tồi tệ ở châu Âu. Có thể nói mức độ căng thẳng giữa Nga và Ukraine tỉ lệ thuận với tình thế khó xử của Trung Quốc (TQ) để cân bằng quan hệ tốt đẹp với cả hai bên.

Sau phiên hội đàm hơn 5 tiếng đồng hồ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 7-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng Nga sẵn sàng tìm cách phù hợp cho các bên để chấm dứt khủng hoảng với Ukraine, đồng thời tuyên bố “không ai là người chiến thắng” nếu chiến tranh nổ ra, theo hãng tin Reuters.

Không chỉ Nga, Ukraine cũng rất quan trọng với Trung Quốc

Quan hệ Trung - Nga cực kỳ gần gũi khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện và được cho là đang ở giai đoạn nồng ấm nhất trong suốt bảy thập niên qua. Tuần trước, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bầu không khí thân mật tại Bắc Kinh. Ông Putin ca ngợi rằng mối quan hệ hai nước đang có sự gắn bó chưa từng có.

Sự gắn bó chưa từng có mà ông Putin nói tới có thể muốn nói về một loạt động thái gia tăng hợp tác giữa hai nước không chỉ về thương mại mà cả quân sự (tăng cường tập trận chung) và chính trị (cùng đối đầu với phương Tây). Theo số liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các dữ liệu của hải quan TQ, thương mại Nga - Trung chiếm tới 16% tổng khối lượng thương mại của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại kỳ thượng đỉnh BRICS (Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới) hồi tháng 11-2019. Ảnh: APAP

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại kỳ thượng đỉnh BRICS (Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới) hồi tháng 11-2019. Ảnh: APAP

Cùng lúc đó, TQ cũng có mối quan hệ tương đối bền chặt với Ukraine. Bắc Kinh và Kiev thiết lập quan hệ chính thức vào năm 1992 sau khi Liên Xô tan rã và trong nhiều thập niên hai bên đã tạo dựng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ. Năm 2013, Ukraine bắt đầu xuất khẩu ngô cho TQ. Năm 2019, Ukraine trở thành nhà cung cấp ngô nhiều nhất cho TQ, nắm tới 80% thị phần ngô ở nước này. Cùng năm đó, TQ cũng vượt Nga, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine.

Ukraine với vị trí nằm ở phía bắc Biển Đen là hành lang thương mại quan trọng giữa châu Âu, châu Á và Trung Đông, và là một tâm điểm quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và con đường của TQ.

Ukraine - vốn kế thừa năng lực sản xuất quốc phòng mạnh mẽ từ thời Liên Xô - cũng là nguồn cung cấp khí tài, công nghệ quân sự quan trọng cho TQ. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chỉ trong năm năm (2016-2020), TQ mua tới 36% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Ukraine, trung bình hằng năm mua tới 80-90 triệu USD. Đến nay, Ukraine đã bán cho TQ động cơ máy bay, động cơ diesel cho xe tăng và tên lửa không đối không cho tiêm kích J-11 - phiên bản sao chép từ chiến đấu cơ Su-27 và động cơ dùng cho tàu khu trục. Tàu sân bay đầu tiên của TQ (Liêu Ninh) cũng là mua từ Ukraine.

Về hợp tác ngoại giao, có hai đời chủ tịch TQ là ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào từng tới thăm Ukraine. Năm 2011, chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào đã giúp nâng cấp quan hệ hai nước lên mức đối tác chiến lược cùng một loạt thỏa thuận nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và năng lượng với tổng giá trị lên tới 3,5 tỉ USD.

Sẽ không có chuyện chọn phe

Đứng giữa hai đối tác cùng quan trọng như thế nên theo báo South China Morning Post, TQ đến thời điểm hiện tại vẫn đang nỗ lực duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai. Như lời một học giả TQ là ông Yang Cheng, Chủ tịch Học viện Quản trị toàn cầu và Nghiên cứu khu vực Thượng Hải thuộc ĐH Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (TQ), nói rằng cả Nga, Ukraine đều đem tới “những giá trị riêng” cho TQ và Bắc Kinh sẽ không ngả về bất kỳ phe nào.

Xuyên suốt hơn hai tháng khủng hoảng, Bắc Kinh liên tục kêu gọi Moscow và Kiev đối thoại trực tiếp. Tại Liên Hợp Quốc tuần trước, TQ là quốc gia duy nhất cùng với Nga bỏ phiếu chống để ngăn Hội đồng Bảo an triệu tập cuộc họp về vấn đề này, tránh đa phương hóa căng thẳng.

Có thể thấy TQ chủ trương, hy vọng và chờ đợi căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Ông Cheng cũng thừa nhận rằng TQ đang hy vọng căng thẳng Nga - Ukraine sẽ hạ nhiệt qua con đường ngoại giao. Chủ trương này cũng phù hợp với ý kiến phân tích, nhận định của các chuyên gia.

Chuyên gia Alex Capri thuộc Quỹ Hinrich (thúc đẩy thương mại toàn cầu bền vững và cùng có lợi) nhận định rằng TQ cần phải rất thận trọng khi xen vào cuộc khủng hoảng, vì không chỉ phải đối mặt Nga và Ukraine mà cả NATO và Mỹ. Ông cảnh báo rằng “các mối quan hệ kinh tế hiện nay giữa TQ và Nga, bao gồm cả nhu cầu năng lượng, không bảo đảm Bắc Kinh sẽ đủ tiềm lực để đối đầu thêm với phương Tây và hứng chịu các đòn trừng phạt từ bên này”.

Bên cạnh đó, giới chức phương Tây cũng thừa hiểu và đã lên tiếng cảnh báo trước là sẽ có rủi ro lớn với TQ nếu nước này xen vào tình hình Đông Âu. Hồi tháng 1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng tuyên bố với TQ rằng việc Ukraine bị tấn công sẽ tạo ra “các rủi ro an ninh và kinh tế toàn cầu” có thể làm tổn thương cho chính cả TQ.•

Phía Ukraine bắt đầu lăn tăn về Trung Quốc

Hiện giới lãnh đạo Ukraine không bình luận công khai về những quyết định của phía TQ liên quan căng thẳng hiện tại như ngăn Hội đồng Bảo an họp và “vẫn cố gắng duy trì quan hệ thân thiện với TQ”. Dù thế, theo chuyên gia Yurii Poita thuộc tổ chức Mạng lưới nghiên cứu địa chính trị mới (Ukraine), giới học thuật nước này vẫn đánh giá TQ phần nhiều đang nghiêng về phía Nga.

Trong khi đó, Phó Giám đốc tổ chức nghiên cứu Ukrainian Prism (Ukraine) Sergiy Gerasymchuk nhận định lúc này trong tâm thức của người dân Ukraine đang có sự biến chuyển. Nếu trước đây họ ít khi xem TQ là mối đe dọa an ninh thì giờ đây rất nhiều người có quan điểm tiêu cực về nước này sau khi TQ ủng hộ Nga ở Liên Hợp Quốc, dù rằng nhiều khả năng quyết định này là để bảo vệ lợi ích riêng của Bắc Kinh chứ không liên quan gì tới Ukraine.

“Giữ quan điểm trung lập về địa chính trị, tránh ủng hộ Nga tại các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và luôn là đối tác thương mại đáng tin cậy của Ukraine luôn là cách tiếp cận cân bằng và được đánh giá cao ở Ukraine” - theo ông Gerasymchuk.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/tq-no-luc-de-khong-phai-chon-phe-giua-nga-va-ukraine-1042471.html