Trả công viên, bờ biển cho cộng đồng
Hàng loạt dự án đất đai ở Khánh Hòa, Bình Thuận đã bị xem xét, thu hồi do đầu tư kém hiệu quả, chây ì triển khai, gây khó khăn trong thu hút đầu tư và tạo dư luận xấu trong nhân dân
Ngày 11-6, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Khánh Hòa cho biết theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở KH-ĐT rà soát các thủ tục để tham mưu UBND tỉnh thu hồi dự án Công viên Phù Đổng ven biển Nha Trang để bàn giao cho UBND TP Nha Trang quản lý, đầu tư hoàn thiện Công viên Phù Đổng phục vụ cộng đồng.
Đất vàng bị bỏ phí
Theo Sở KH-ĐT, toàn bộ diện tích của Công viên Phù Đổng khoảng 24.000 m2, trước kia được giao cho Công ty TNHH MTV Du lịch Khánh Hòa sử dụng. Năm 2012, UBND tỉnh đã thu hồi để giao cho Công ty TNHH Invest Park Nha Trang thực hiện dự án Công viên Phù Đổng. Từ cuối năm 2017, chủ đầu tư xây dựng và cho kinh doanh như: nhà hàng Nga, dịch vụ ăn nhanh và giải khát, sân khấu biểu diễn ngoài trời, hồ bơi...
Tuy nhiên, hơn 21.772 m2 mà UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty TNHH Invest Park Nha Trang không thu tiền sử dụng đất để xây dựng các công trình trên mặt đất như: công viên cây xanh, đường sử dụng chung và nhà vệ sinh công cộng... thì chủ đầu tư gần như "bỏ mặc". Điều này khiến khu vực công viên rất nhếch nhác, rác thải khắp nơi, sân khấu biểu diễn ngoài trời bỏ hoang.
Lãnh đạo Sở KH-ĐT cho biết đến tháng 6-2021, cơ quan này đã làm việc với chủ đầu tư và yêu cầu phải bàn giao lại khu vực đất công viên. "Chúng tôi đã có báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa và đang đợi UBND tỉnh sắp xếp họp để thống nhất về phương án thu hồi. Nhà đầu tư bắt buộc phải trả lại số đất đai này" - lãnh đạo Sở KH-ĐT nói.
Trong khi đó, đối với dự án Công viên Vui chơi Giải trí Nha Trang Sao (Nha Trang Sao) tại khu vực đường biển Phạm Văn Đồng, khu vực Hòn Chồng - Hòn Đỏ, thuộc phường Vĩnh Thọ (TP Nha Trang) do Công ty CP Nha Trang Sao làm chủ đầu tư, UBND TP Nha Trang cũng đã hoàn thành việc cưỡng chế thu hồi đất.
Nha Trang Sao là dự án có vị trí hết sức đắc địa - nằm phía Đông đường biển Phạm Văn Đồng, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 9-3-2012. Dự án được phê duyệt có tổng diện tích 103.568 m2, trong đó có 44.152 m2 mặt đất và 59.416 m2 mặt nước, tổng vốn đầu tư khoảng 33 triệu USD. Dự án này bị bỏ hoang nhiều năm và đến đầu năm 2021 mới bị cưỡng chế thu hồi.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, sau khi cưỡng chế thu hồi sẽ nghiên cứu một phần diện tích dùng làm công viên kết hợp nơi nghỉ chân, "check in" cho khách du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa cho người dân.
Mạnh tay với các dự án chây ì
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong vừa ký quyết định thu hồi dự án Khu dân cư Nguyễn Thông, tại phường Phú Hài (TP Phan Thiết), do Công ty Cổ phần Liên đội nông lâm ngư Thanh niên xung phong Trường Sơn làm chủ đầu tư.
Dự án này được UBND tỉnh Bình Thuận cấp quyết định chủ trương đầu tư tháng 10-2017 với diện tích khoảng 37 ha, tổng vốn đầu tư 339 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động quý III/2020. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư dự án mới chỉ ban hành thông báo thu hồi đất, các khâu còn lại hầu như chưa triển khai. "Dấu hiệu duy nhất nhận dạng công trình này ngoài thực địa chỉ là bảng thông báo thống kê mồ mả được chủ đầu tư đặt tại con đường đi vào khu đất, ngoài ra họ chưa đả động đến hạng mục nào hết" - ông Bùi Văn Thắm, một hộ dân sống gần dự án, thông tin.
Trước đó, cuối tháng 5-2021, UBND tỉnh Bình Thuận cũng thu hồi 2 dự án đã cấp phép cho Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Huy Hoàng là dự án Khu liên hợp hồ điều hòa, chỉnh trang đô thị, dịch vụ thương mại Hưng Long và dự án Khu tái định cư phường Phú Tài có tổng diện tích 130.000 m² với tổng vốn đầu tư 580 tỉ đồng. Trong đó, dự án Khu liên hợp hồ điều hòa, chỉnh trang đô thị, dịch vụ thương mại Hưng Long có diện tích 90.000 m² - khu đất vàng giáp biển thuộc trung tâm TP Phan Thiết. Dự án được phê duyệt từ năm 2017, dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2019.
Dù được địa phương tạo điều kiện để thực hiện nhưng Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Huy Hoàng chậm trễ trong việc triển khai phương án bồi thường, thu hồi đất. Mặt khác, dù chưa đầu tư về hạ tầng nhưng đơn vị này lại "nhanh chân" thực hiện sang nhượng, đặt chỗ... Ngoài 3 dự án tại TP Phan Thiết thì một dự án cũng bị tỉnh Bình Thuận thu hồi trong đợt này là Khu du lịch cộng đồng Biển Việt - Shores của Công ty Cổ phần Đầu tư TAT Tiến Thành (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam). Dự án ven biển này có diện tích đất sử dụng 22 ha, tổng vốn đầu tư 100 tỉ đồng.
Tiếp tục rà soát dự án chậm triển khai
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, 4 dự án vừa có quyết định thu hồi là những dự án đã được cấp phép qua thời gian dài nhưng các chủ đầu tư không tích cực triển khai xây dựng như cam kết, làm ảnh hưởng xấu đến công tác quy hoạch của tỉnh, gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư, tạo dư luận xấu trong nhân dân.
Ngoài 4 dự án trên, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có văn bản gửi Sở KH-ĐT tỉnh này tiếp tục rà soát những dự án đã được phê duyệt nhưng chậm triển khai để phân loại tính khả thi từng dự án.
GS-TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Xí phần để chuyển nhượng dự án
Tình trạng dự án chậm triển khai là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương. Với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện theo quy định của pháp luật. Có tình trạng nhà đầu tư yếu kém, năng lực tài chính không đủ nhưng đã tìm cách để được giao dự án, giao đất. Khi đã có đất trong tay, các chủ đầu tư không triển khai dự án mà "án binh bất động" để giữ đất, thậm chí tìm cách chuyển nhượng dự án. Trên thực tế, những bất cập, chồng chéo trong quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư dẫn đến khó xử lý triệt để tình trạng các dự án "treo".
Bên cạnh việc thu hồi dự án "treo" mà một số địa phương đã làm, biện pháp xử phạt ở mức cao với các chủ đầu tư cũng cần được xem xét. Có thể tính đến phương án đưa ra mức xử phạt tỉ lệ trên tổng mức đầu tư dự án, dựa trên thời gian chậm tiến độ. Với giải pháp "đánh thẳng vào túi tiền" này, các chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm hơn trong việc triển khai dự án, sớm khắc phục tình trạng giữ đất. Bên cạnh đó, cũng cần hoàn chỉnh cơ chế giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án cho các chủ đầu tư. Các tiêu chí về lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá đất cần phải công khai, minh bạch.
Ông HOÀNG TẤN LỘC, Giám đốc DNTN Thiên Lộc (TP HCM):
Người dân phải được hưởng thụ từ tài nguyên quốc gia
Đất đai là tài sản của quốc gia nên những nguồn tài nguyên này phải được khai thác tốt nhất, mang lại lợi ích nhiều nhất cho người dân.
Khi chấp thuận đầu tư thì chính quyền địa phương phải đánh giá được tính sinh lợi từ dự án để nhà nước có nguồn thu tốt, từ đó tái đầu tư trở lại cho địa phương mà gián tiếp là người dân được hưởng thụ từ dự án này. Ngược lại, giao đất cho nhà đầu tư chỉ chăm chăm lợi nhuận của doanh nghiệp, đóng góp ngân sách kém thì đất đai sẽ trở thành nguồn lợi của một vài cá nhân mà bỏ qua quyền lợi của cộng đồng. Tệ hơn, đất đai bị hoang phí bởi các nhà đầu tư yếu kém thì trách nhiệm còn liên đới đến cả các cơ quan giao đất, thẩm định dự án. Việc lãng phí đất đai, thậm chí là trục lợi từ tài nguyên này đã diễn ra ở nhiều nơi và nhiều năm qua, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân, kéo trễ các chương trình phát triển kinh tế của quốc gia và gây ra sự bất công trong xã hội.
Các cơ quan chức năng cần loại bỏ những dự án không khả thi, chấn chỉnh các dự án ít sinh lợi và kiên quyết thu hồi những dự án yếu kém, thậm chí xử lý cá nhân liên quan đến các dự án "xí phần" nhằm trục lợi.
M.Chiến - H.Nghi ghi
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/tra-cong-vien-bo-bien-cho-cong-dong-20210612204232289.htm