Trà Cú: Giảm tác động do biến đổi khí hậu từ các công trình thủy lợi
Mặc dù ở những tháng đầu năm 2025, dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như khô hạn, nắng nóng và nước mặn xâm nhập... đã gây không ít khó khăn cho nông dân huyện Trà Cú trong sản xuất nông nghiệp ở vụ lúa đông - xuân, màu mùa khô, nhưng nhờ hoàn thiện và đưa vào vận hành các công trình cống ngăn mặn, trạm bơm và kênh bê-tông nổi đã giúp nông dân chủ động trong điều tiết nguồn nước, đảm bảo an toàn cho màu vụ.

Cống Long Hiệp - Ba So (xã Long Hiệp) phát huy hiệu quả trong trữ ngọt và điều tiết nước vào nội đồng ấp Chợ.
Vụ lúa đông - xuân năm 2024 - 2025 huyện Trà Cú xuống giống 13.279ha, đạt 102,15% so kế hoạch và đến đầu tháng 5/2025 đã thu hoạch đạt 100% diện tích; năng suất bình quân 6,5 tấn/ha và xuống giống gần 6.000ha màu các loại.
Để đảm bảo nguồn nước điều tiết vào nội đồng, huyện đã triển khai thực hiện nạo vét 54/101 công trình kênh thủy lợi nội đồng, dài 38,16km, kinh phí thực hiện hơn 4,8 tỷ đồng; trong đó, người dân tham gia hiến đất thực hiện các công trình với trên 87,7ha. Các xã tổ chức thực hiện trục vớt lục bình và khơi thông dòng chảy được 78.998m2 trên địa bàn các xã Phước Hưng, Tập Sơn, An Quảng Hữu, Long Hiệp, Tân Hiệp, Ngọc Biên, Thanh Sơn, ...
Ghi nhận tại cánh đồng ấp Chợ, xã Long Hiệp có hơn 400ha, nằm tiếp giáp với ấp Nô Men, xã Tân Hiệp và chịu tác động trực tiếp từ hệ thống cống Long Hiệp - Ba So. Đây là một trong 05 cống nằm trong hệ thống công trình trạm bơm 3 Tháng 2, như cống Long Hiệp - Ba So (xã Long Hiệp); cống Vàm Buôn 2 (xã Phước Hưng); Ba Trạch, cống N16, N17 (xã Tân Hiệp) trong việc điều tiết nguồn nước phục vụ cho các địa phương vùng tiếp giáp ven biển đã tác động tích cực trong trữ ngọt và điều tiết nguồn nước trên các diện tích sản xuất lúa ở xã Long Hiệp.
Ông Thạch Thia, ấp Chợ xã Long Hiệp huyện Trà Cú chia sẻ: năm nay sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thời tiết khô hạn và thiếu nước ở đầu vụ; nhưng nhờ có cống Long Hiệp - Ba So hoàn thành, đưa vào vận hành để tiếp nước và trữ lại cho các diện tích lúa ở cánh đồng trong ấp. Từ đó, nông dân chủ động nguồn nước để sản xuất và năng suất lúa đông - xuân năm 2024 - 2025 khá tốt, không bị thiếu nước lúc đông ken; riêng gia đình có khoảng 0,8ha lúa, năng suất đạt gần 07 tấn/ha, tăng 0,6 tấn/ha với vụ lúa đông - xuân 2023 - 2024.
Anh Lê Phúc Hiền, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Biên, huyện Trà Cú cho biết: vụ lúa đông- xuân năm nay của các thành viên cơ bản thắng lợi về năng suất, tình hình thiếu hụt nước bơm tát không bị ảnh hưởng nhiều. Đối với hợp tác xã thực hiện liên kết gắn với bao tiêu (giống lúa ST25) với diện tích khoảng 400ha, sản xuất trên địa bàn các xã Tân Hiệp, Long Hiệp và Ngọc Biên; bình quân năng suất lúa đạt từ bằng đến cao hơn so với vụ lúa đông - xuân 2023 - 2024, giá bao tiêu theo từng thời điểm (dao động 9.000 - 9.500 đồng/kg); người trồng lúa lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha (năng suất 07 tấn/ha).
Ngoài việc đảm bảo nguồn nước phục vụ phía trong nội đồng; đối với các địa phương vùng ven sông Trà Cú, kênh Tổng Long như xã Kim Sơn, Hàm Tân, Lưu Nghiệp Anh... các tuyến đê bao đã hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho người dân chủ động ngăn mặn và triều cường ở những tháng đầu năm 2025. Trong đó, công trình đê bao ven kênh Tổng Long, dài 06km, đã hoàn thành được hơn 2,4km; giúp bảo vệ cho gần 100ha đất sản xuất thủy sản và trồng mía.
Đồng chí Dư Sê Tha, cán bộ phụ trách Nông nghiệp và Môi trường xã Kim Sơn cho biết: công trình đê bao Tổng Long có ý nghĩa quan trọng trong phát triển sản xuất, nuôi thủy sản cho người dân thuộc xã Kim Sơn (cặp kênh Tổng Long). Do hàng năm, khu vực này thường chịu ảnh hưởng triều cường; hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đê bao này sẽ giúp khép kín, chủ động trong sản xuất. Địa phương cũng mong muốn tỉnh tiếp tục triển khai phần còn lại gần 04km, để khép kín diện tích còn lại qua các ấp Bãi Xào Giữa, Bãi Xào Dơi B…