Trả giá đắt nếu lơ là với sốt xuất huyết

Chống sốt xuất huyết nếu chỉ trên giấy, hô hào mà không đi thực tế, kiểm tra xem còn lăng quăng hay không và không xử lý vi phạm triệt để thì khó khống chế được dịch

Mới đây, Bộ Y tế có công điện gửi các tỉnh, thành trên cả nước về việc tăng cường phòng chống sốt xuất huyết (SXH). Bộ dự báo số mắc SXH thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.

Số ca nhiễm tăng nhanh

Ngày 24-6, Sở Y tế TP HCM cho biết theo báo cáo nhanh từ 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị SXH, các ca bệnh đang gia tăng, trong đó có 626 trường hợp nội trú với 82 ca nặng, 50% số bệnh nhân nặng là do các bệnh viện tỉnh chuyển đến do quá khả năng điều trị.

Theo ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, số ca SXH trong tỉnh đang ở mức cao với 5.975 ca, tăng hơn 400% so với cùng kỳ. Dự đoán, các bệnh viện điều trị SXH ở An Giang có thể quá tải trong khoảng từ 2 - 4 tuần tới. "Ngành y tế đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để ngăn dịch bùng phát mạnh. Dấu hiệu đáng mừng là hiện nay số ca mắc SXH đang chững lại và giảm dần. Tuy vậy, chúng tôi xác định SXH vẫn đáng lo ngại nên cần quyết liệt phòng chống" - ông Hiền khẳng định.

TS-BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, đang thăm khám bệnh nhân sốt xuất huyết nặng phải thở máy

TS-BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, đang thăm khám bệnh nhân sốt xuất huyết nặng phải thở máy

Bình Dương cũng là tỉnh có số ca mắc SXH tăng cao thời gian qua. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 4.867 ca mắc SXH và có 8 trường hợp tử vong. TP Dĩ An, TP Thuận An, thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát là những địa phương có số ca mắc cao. "Đây là những địa bàn tập trung đông công nhân - lao động, có nhiều nhà trọ, hệ thống nước thải chằng chịt, ngoài ra ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao cũng là nguyên nhân khiến dịch SXH tăng nhanh" - ông Chín nói.

Theo ông Chín, mặc dù số ca mắc SXH tăng cao nhưng thuốc và dịch truyền chống sốc cũng như dịch truyền cao phân tử cơ bản đáp ứng chữa bệnh SXH. Khó khăn lớn nhất của ngành y tế Bình Dương hiện tại là thiếu nhân viên y tế cơ sở khi triển khai các hoạt động phòng chống dịch SXH do nhiều người nghỉ việc.

Lăng quăng còn,khó ngăn sốt xuất huyết

Sở Y tế TP HCM vừa kiểm tra, giám sát tại phường 7, quận 8 - địa bàn có nhiều ca mắc SXH nhất quận - cho thấy tình trạng các vật dụng chứa nước có lăng quăng vẫn hiện diện ngay tại nhà dân và trường học. Đáng chú ý, một số nơi dù được nhắc nhở nhiều lần nhưng tình hình vẫn không cải thiện.

Tại buổi làm việc với UBND quận 8, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho biết nguy cơ SXH ở quận 8 cũng như các quận khác trong thành phố chủ yếu từ vật chứa nước trong nhà dân hoặc công sở, công trình xây dựng... Do đó, để phòng chống SXH, quan trọng nhất là tìm và xử lý những vật chứa, khu vực đọng nước, không để muỗi đẻ trứng làm phát sinh lăng quăng.

Theo báo cáo, trên địa bàn quận 8 có 1.147 điểm có nguy cơ thành ổ dịch SXH thì có tới 1.014 điểm là nhà dân trữ nhiều nước sinh hoạt. Trước thực tế này, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, lo ngại: "Nghe báo cáo địa phương đã làm nhiều cách để phòng chống dịch nhưng sau khi kiểm tra thì không thấy như báo cáo. Hoạt động phòng chống dịch phải đi vào thực tế, có kiểm tra, giám sát, không hình thức trên văn bản, giấy tờ. Nếu không, sẽ phải trả giá rất đắt".

Bác sĩ Hưng cho rằng sau khi truyền thông phải xem có bao nhiêu người thay đổi hành vi chứ không phải cứ phát loa, treo băng-rôn mà không biết có bao nhiêu người nghe. Bác sĩ Hưng cũng băn khoăn địa phương đã có đề xuất xử phạt những trường hợp tái phạm, không dọn dẹp vệ sinh, để lăng quăng nhưng đến nay vẫn chưa có nơi nào bị xử lý. "Đối với những nơi chưa chấp hành tốt thì phải quy trách nhiệm cho những người đứng đầu hoặc là vận dụng các nghị định, cụ thể là Nghị định 117 để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế" - bác sĩ Hưng nhấn mạnh.

Bệnh viện quá tải

Theo các chuyên gia y tế, nếu lơ là, chủ quan trong việc phòng chống bệnh SXH sẽ dẫn đến việc quá tải cho hệ thống y tế khi số ca mắc bệnh tăng cao.

Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, trong 6 tháng đầu năm, số ca mắc SXH nhập viện tăng cao với 1.661 ca, trong đó 1.310 người lớn và 351 trẻ em. Về số ca nặng có 200 người, trong đó có 46 trẻ em và 154 người lớn.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết bệnh viện có 550 giường nhưng hiện điều trị hơn 600 bệnh nhân, trong đó có hơn 300 bệnh nhân SXH. Hành lang tại một số khoa đã bắt đầu được trưng dụng để xếp giường cho bệnh nhân.

"Thời điểm này, sốt thì cần nghĩ ngay tới SXH. Phụ nữ có thai, trẻ em béo phì, người mắc các bệnh lý nền... nên nhập viện sớm khi nghi ngờ SXH, bởi đây là những đối tượng nguy cơ dễ chuyển nặng" - bác sĩ Phong nhấn mạnh.

Nguy hiểm khi trở nặng mới vào viện

TS-BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 1-2 ca SXH nặng và đa số trước đó đều tự mua thuốc uống ở nhà, khi trở nặng mới vào bệnh viện và có trường hợp không qua khỏi. Điển hình là trường hợp một phụ nữ mắc SXH khi mang thai 20 tuần, nhập viện viện trễ trong tình trạng vừa sốc sốt xuất huyết vừa suy gan, thận.

Giải thích về nguyên nhân số ca bệnh SXH nặng tăng trong thời gian qua, bác sĩ Hảo cho hay bệnh nặng hay không nặng khó tiên đoán bởi bệnh liên quan đến cơ chế miễn dịch. SXH có 4 type gây bệnh, trong đó nếu nhiễm lần đầu (sơ nhiễm) thường ít trở nặng. Tuy nhiên, trường hợp tái nhiễm 2-3 lần, bệnh sẽ nặng hơn.

HẢI YẾN - THẢO NGUYỄN - VĨNH KỲ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/tra-gia-dat-neu-lo-la-voi-sot-xuat-huyet-20220624213613404.htm