Trả giấy khai tử tại nhà - cách làm nhân văn
UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) có sáng kiến 'Trả kết quả tại nhà đối với hồ sơ đăng ký khai tử' (giấy khai tử), từ tháng 7/2023.
Xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã tập trung rà soát, công bố, công khai cách thủ tục hành chính, xây dựng các quy trình liên thông thủ tục hành chính, đổi mới thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông. Thành phố yêu cầu các địa phương rà soát, cắt giảm, phân cấp ủy quyền thủ tục hành chính nhằm giảm tầng nấc trung gian, rút ngắn quy trình thực hiện thủ tục. Nhờ đó, Hà Nội đã có một số mô hình cải cách hành chính theo tinh thần vì nhân dân phục vụ.
Năm 2017, ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa) có việc gây bức xúc dư luận khi một công dân phải đi lại nhiều lần, thậm chí phải lót tay cho công chức "một cửa" phường mới xin được giấy khai tử cho người thân quá cố. Sự việc là một minh chứng điển hình cho thái độ làm việc vô cảm, coi thường kỷ cương công vụ của một bộ phận cán bộ, viên chức thời điểm đó ở Hà Nội.
Để cải thiện hình ảnh cán bộ công chức trong lòng người dân, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục; đồng cảm, chia sẻ với thân nhân người quá cố, UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) đã có sáng kiến: "Trả kết quả tại nhà đối với hồ sơ đăng ký khai tử" (giấy khai tử), từ tháng 7/2023. Việc làm này của phường Nhật Tân thể hiện tính nhân văn, được nhân dân địa phương đánh giá cao. Đây được xem là mô hình đầu tiên của thành phố trong thực hiện trả giấy khai tử tại nhà.
Theo ông Đặng Hữu Tiến, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, trước kia, khi công dân thực hiện thủ tục giấy khai tử cho người thân, thường nộp hồ sơ tại Bộ phận "một cửa" của phường, sau đó nhận giấy hẹn trả kết quả. Tuy nhiên, từ khi phường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ công tin trong thực hiện thủ tục hành chính, người dân có thể thực hiện đăng ký hồ sơ khai tử trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công thành phố Hà Nội hoặc Cổng Dịch vụ công Quốc gia hay đến làm thủ tục hành chính trực tiếp tại Bộ phận "một cửa" của UBND phường.
Qua kiểm tra, nếu hồ sơ đầy đủ thành phần theo quy định, công chức phường sẽ tiếp nhận, đồng thời thực hiện các bước để hoàn thành hồ sơ, đặt lịch hẹn với công dân về việc trả kết quả tại nhà sau. Sau đó, hồ sơ được trình lãnh đạo UBND phường ký, đóng dấu, công chức phường được phân công nhiệm vụ sẽ đặt lịch hẹn rồi mang kết quả đến trả tại nhà cho công dân.
Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biết thêm, khi cán bộ, công chức phường đến nhà người quá cố, lãnh đạo phường đã quán triệt phải thực hiện thăm hỏi, chia buồn và động viên gia đình có người thân xấu số, sau đó mới tiến hành trao giấy khai tử cho đại diện gia đình. Các công đoạn trên diễn ra trên tinh thần nhanh gọn và trang trọng. "Việc trao giấy khai tử tại nhà khiến cho cán bộ công chức phường có phần vất vả hơn, do phải đi lại nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu phải duy trì để thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tụy với dân, phục vụ dân", ông Đặng Hữu Tiến nói.
Cũng theo ông Đặng Hữu Tiến, việc trả giấy khai tử tại nhà không làm phát sinh biên chế mà nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ, rút ngắn được thời gian xử lý công việc; giảm thiểu thời gian đi lại cho người dân, tạo sự môi trường thân thiện giữa cơ quan hành chính với người dân.
Sau thời gian hơn 4 tháng áp dụng trả giấy khai tử tại nhà, UBND phường đã nhận được sự đánh giá rất cao của nhân dân đặc biệt đối với gia đình, người thân của người đã mất trên địa bàn.
Nhận giấy khai tử của người thân ngay tại ngôi nhà mình (số 56, ngõ 52, Tô Ngọc Vân, Nhật Tân), anh Lê Kiên xúc động chia sẻ, không ngờ chính quyền lại có việc làm ý nghĩa, nhân văn như vậy. Trong lúc tang gia bối rối và thương xót người thân mất đi, được phường chia sẻ, thăm hỏi trao giấy khai tử, gia đình cảm thấy rất ấm lòng.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, thành phố về phân cấp, ủy quyền gắn với cải cách hành chính, quận đã yêu cầu các ngành, UBND phường vào cuộc theo tinh thần: rõ hiệu quả.
Theo đó, địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình cải cách thủ tục hành chính được người dân đánh giá cao như: "30 phút ngày đầu tuần vì dân" của phường Thụy Khuê; "Kê khai thủ tục hành chính cho gia đình chính sách và người khuyết tật tại nhà" của phường Yên Phụ... UBND quận đánh giá cao sáng kiến cải cách hành chính trả giấy khai tử tại nhà của phường Nhật Tân. UBND quận đang nghiên cứu nhân rộng mô hình này ở các phường trên địa bàn nhằm chia sẻ với công dân khi mất người thân.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh cho biết thêm, UBND quận đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp thực hiện, phấn đấu trong năm 2024 tại Bộ phận "một cửa" quận Tây Hồ sẽ triển khai theo nguyên tắc "4 tại chỗ". Tức là, việc: Tiếp nhận - Thẩm định - Phê duyệt - Trả kết quả thủ tục hành chính được thực hiện ngay tại Bộ phận "một cửa" của quận, nhằm tiết giảm thời gian, chi phí đi lại, chờ đợi của người dân, doanh nghiệp.