Trà gừng rất tốt nhưng nên uống như thế nào?

Trà gừng là thức uống có lợi cho sức khỏe được nhiều người ưa chuộng, nhất là vào những ngày thời tiết lạnh. Tuy nhiên, uống trà gừng cần lưu ý một số điều.

1. Thông tin dinh dưỡng của trà gừng

NỘI DUNG

1. Thông tin dinh dưỡng của trà gừng

2. Một số lợi ích chính của trà gừng đối với sức khỏe

3. Trà gừng có phù hợp với mọi người không?

4. Lưu ý khi uống trà gừng mỗi ngày

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, 1 cốc trà gừng nguyên chất chứa:

Lượng calo: 2
Carbohydrate: < 1 g
Tổng lượng đường: 0 g
Chất xơ trong chế độ ăn uống: 0 g
Tổng lượng chất béo: 0 g
Chất béo bão hòa: 0 g
Natri: 10 mg
Canxi: 7 mg
Kali: 10 mg

Trà gừng cũng chứa một lượng nhỏ vitamin và khoáng chất nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà gừng rất giàu hợp chất hoạt tính sinh học gọi là gingerols và shogaols có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Trà gừng là thức uống có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe.

Trà gừng là thức uống có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe.

2. Một số lợi ích chính của trà gừng đối với sức khỏe

Hỗ trợ giảm khó chịu tiêu hóa

Trà gừng có lẽ được biết đến nhiều nhất vì khả năng làm dịu các vấn đề về tiêu hóa, đặc biệt là giúp giảm buồn nôn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng gừng có hiệu quả trong việc làm giảm buồn nôn và nôn trong thời kỳ mang thai như các loại thuốc chống nôn thông thường do gừng chứa một hợp chất mạnh gọi là gingerol, giúp giảm buồn nôn bằng cách chặn một số thụ thể trong ruột.

Nhấm nháp trà gừng có thể làm dịu cảm giác buồn nôn trong dạ dày liên quan đến buồn nôn và nôn. Cụ thể hơn, "gừng đã được chứng minh là có tác dụng giảm buồn nôn trong thời kỳ mang thai, sau phẫu thuật hoặc hóa trị và say tàu xe", Elena Ivanina, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tích hợp được hội đồng chứng nhận và là người sáng lập Gut Love và Trung tâm Sức khỏe đường ruột tích hợp cho biết.

Chống viêm

Gừng chứa các chất dinh dưỡng thực vật quan trọng được gọi là gingerol có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm, khi uống như trà, có thể giúp hỗ trợ hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh.

Viêm đang diễn ra là một yếu tố chính góp phần vào sự phát triển và tiến triển của nhiều bệnh mạn tính. Các hợp chất khác nhau trong gừng, chẳng hạn như shogaol, zingerone, đã được nghiên cứu và phát hiện có đặc tính chống viêm trong các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột cũng như bệnh vẩy nến. Gừng có thể mang lại lợi ích chống viêm bằng cách giảm sản xuất và giải phóng các phân tử gây viêm, chẳng hạn như prostaglandin E2 và các cytokine gây viêm. Do đó, gừng góp phần làm giảm các dấu hiệu viêm liên quan đến bệnh.

Hỗ trợ giảm huyết áp

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy những người tiêu thụ gừng hàng ngày có nguy cơ tăng huyết áp thấp hơn. Mặc dù nghiên cứu không xem xét cụ thể đến trà gừng nhưng việc tiêu thụ trà gừng có thể hữu ích với người bị tăng huyết áp.

Có thể hỗ trợ giảm cân

Đã có một số nghiên cứu về lợi ích của gừng khi nói đến cân nặng và béo phì. Một đánh giá về nghiên cứu này nhấn mạnh rằng gừng có thể có tác động tích cực đến béo phì thông qua một số cơ chế khác nhau, bao gồm kiểm soát sự thèm ăn và tăng sinh nhiệt (sản xuất nhiệt).

Giảm đau đầu và đau nửa đầu

Đã có khá nhiều nghiên cứu về gừng và các đặc tính giảm đau của gừng, giúp ngăn ngừa và làm giảm đau đầu.

Uống trà gừng thường xuyên cũng có thể giúp giảm đau. Trên thực tế, gừng đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm đau do chuột rút kinh nguyệt, đặc biệt là khi dùng trong vài ngày đầu của giai đoạn kinh nguyệt. Ngoài ra, gừng cũng có thể giúp giảm đau liên quan đến đau nhức cơ, đau nửa đầu, viêm xương khớp đầu gối và đau lưng dưới mạn tính. Những tác dụng giảm đau này một phần là do đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ của gừng.

Giàu chất chống oxy hóa có tác dụng kháng khuẩn

Gừng có hàm lượng chất chống oxy hóa cao và đã được chứng minh là có tác dụng chống tăng sinh tế bào khối u.

Một nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng gừng có thể giúp làm giảm sự phát triển và hình thành màng sinh học của vi khuẩn, chẳng hạn như Pseudomonas aeruginosa, Streptococcus mutans và Staphylococcus aureus. Gừng cũng có tác dụng kháng khuẩn đối với E. coli, Salmonella typhi, Candida albicans và Mycobacterium tuberculosis.

Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận những tác dụng này. Do đó, bạn nên luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để chẩn đoán và điều trị chính xác các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn.

Có thể hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu

Nghiên cứu mới nổi cho thấy gừng có thể thúc đẩy kiểm soát lượng đường trong máu. Theo một đánh giá, gừng giúp hạ đường huyết lúc đói và hemoglobin A1C (một biện pháp đo lượng đường trong máu trong khoảng thời gian ba tháng) ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Mặc dù các cơ chế chính xác vẫn chưa được hiểu đầy đủ, các chuyên gia tin rằng các hợp chất trong gừng thúc đẩy quá trình thanh thải glucose ở các mô ngoại vi, điều này rất quan trọng để duy trì sự cân bằng lượng đường trong máu và cải thiện khả năng kiểm soát bệnh đái tháo đường. Nói một cách đơn giản, gừng có thể hỗ trợ di chuyển glucose từ máu vào các tế bào, do đó làm giảm lượng đường trong máu.

Gừng chứa chất chống oxy hóa giúp giảm viêm.

Gừng chứa chất chống oxy hóa giúp giảm viêm.

3. Trà gừng có phù hợp với mọi người không?

Một số người có thể gặp tác dụng phụ khi uống trà gừng, chẳng hạn như đầy hơi hoặc ợ nóng và do tác dụng hạ huyết áp tiềm tàng của nó, những người bị huyết áp thấp hoặc đang dùng bất kỳ loại thuốc điều trị huyết áp nào nên uống ở mức độ vừa phải.

Nên thận trọng khi dùng gừng nếu đang dùng một số loại thuốc nhất định. Ví dụ, gừng có tác dụng chống tiểu cầu, dễ làm tăng nguy cơ chảy máu nếu dùng với thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống tiểu cầu, chẳng hạn như warfarin. Ngoài ra, vì gừng có thể làm giảm lượng đường trong máu, việc dùng gừng cùng với thuốc trị đái tháo đường làm tăng nguy cơ hạ đường huyết (hoặc lượng đường trong máu thấp).

Gừng cũng có thể làm tăng nguy cơ hạ huyết áp hoặc huyết áp thấp khi dùng cùng với thuốc chẹn kênh canxi, vì người ta cho rằng chúng có cùng cơ chế hoạt động, do đó, nên trao đổi với bác sĩ trước khi đưa trà gừng vào thói quen hàng ngày của mình, đặc biệt là những người đang dùng các loại thuốc trên hoặc đang mang thai/cho con bú.

Nếu trà gừng không gây ra tác dụng phụ tiêu cực và không tương tác với bất kỳ loại thuốc, thực phẩm bổ sung và/hoặc tình trạng bệnh lý nào khác thì bạn có thể thưởng thức trà gừng mỗi ngày.

Người có sức khỏe kém nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn uống trà gừng thường xuyên.

Người có sức khỏe kém nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn uống trà gừng thường xuyên.

4. Lưu ý khi uống trà gừng mỗi ngày

Trà gừng có thể được uống bất cứ lúc nào trong ngày. Nó có tác dụng tốt như một thức uống giúp tỉnh táo vào buổi sáng, nhiều người còn thấy nó giúp tiêu hóa dễ dàng hơn sau bữa ăn. Uống trà gừng sau bữa tối hoặc trước khi đi ngủ giúp hỗ trợ tiêu hóa và nhu động ruột. Ngoài ra, trà gừng là một lựa chọn tuyệt vời không chứa caffeine để uống trước khi đi ngủ, đặc biệt là nếu bạn bị đau nhức cơ vì đặc tính chống viêm của nó có thể giúp làm dịu những cơn đau này và giúp ngủ ngon hơn vào ban đêm.

Có thể thêm chanh tươi hoặc mật ong, hoặc mua các túi trà có hương vị khác nhau, chẳng hạn như trà chanh gừng hoặc trà xanh gừng.

Việc uống một tách trà gừng mỗi ngày không có khả năng gây ra rủi ro nghiêm trọng cho hầu hết mọi người. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ coi gừng là an toàn ở liều lượng lên đến 4 g. Thông thường các công thức trà gừng thông thường chứa khoảng 1 đến 1,5 g cho mỗi túi trà. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ gừng với số lượng lớn, nó có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm ợ nóng nhẹ, tiêu chảy và kích ứng miệng.

Uống trà gừng thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe nhưng nên luôn trao đổi với bác sĩ trước khi thêm trà gừng vào chế độ ăn uống, đặc biệt là những người mắc bệnh lý hoặc đang dùng thuốc.

Hoàng Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tra-gung-rat-tot-nhung-nen-uong-nhu-the-nao-169241006232116734.htm