Trà Lai Châu tìm đối tác mới tại thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á

Khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á là một trong những thị trường nhập khẩu và tiêu thụ trà lớn trên thế giới. Thói quen uống trà đã trở thành một nét văn hóa trong đời sống hàng ngày của người dân.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Chiều 15/6, tại Hà Nội, UBND tỉnh Lai Châu phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo Xúc tiến sản phẩm trà tỉnh Lai Châu vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.

Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè của tỉnh Lai Châu tìm kiếm các đối tác mới và tìm ra giải pháp thúc đẩy việc xuất khẩu mặt hàng này. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh Lai Châu cập nhật thông tin về thị trường trà ở Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á; nắm rõ các yêu cầu đặc thù của khu vực về sở thích và thị hiếu người dân, văn hóa, tôn giáo…; qua đó, định hướng cho doanh nghiệp trong sản xuất, phát triển sản phẩm phù hợp, có tính cạnh tranh cao.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á là một trong những thị trường nhập khẩu và tiêu thụ trà lớn trên thế giới. Thói quen uống trà đã trở thành một nét văn hóa trong đời sống hàng ngày của người dân khu vực. Với những thế mạnh của tỉnh Lai Châu được đánh giá là phù hợp và có nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường này.

Hiện nay, một số sản phẩm trà của tỉnh đã được xuất hiện ở các thị trường Trung Đông và Nam Á như: Afghanistan, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ… Các sản phẩm trà của tỉnh Lai Châu đã được người tiêu dùng ở các nước, các quốc gia này đón nhận một cách hết sức tích cực.

Tuy nhiên, xuất khẩu trà của tỉnh Lai Châu sang khu vực này chỉ đạt hơn 6 triệu USD. Một con số rất khiêm tốn so với quy mô của thị trường trà tiềm năng có tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD.

Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, Lai Châu hiện có gần 9 nghìn ha chè với các giống đa dạng như: Chè cổ thụ, Shan tuyết, Kim Tuyên, PH8... tập trung tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, thành phố Lai Châu, Phong Thổ, Sìn Hồ; trong đó nhiều diện tích được cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn như: VietGAP, RA.

Hàng năm, các đơn vị trong tỉnh sản xuất ra gần 10 nghìn tấn sản phẩm trà với nhiều mẫu mã đa dạng như: Trà CTC BOP, trà CTC BP, trà CTC PD, trà CTC PF, trà xanh sao lăn, trà xanh duỗi, trà Ô long, Matcha, Sencha, Đông phương mĩ nhân, Hồng trà… Đặc biệt, tỉnh có 2 sản phẩm được chứng nhận Halal là: Green Tea và Sencha Tea.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm trà của tỉnh Lai Châu hiện nay chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc; trong đó xuất khẩu trực tiếp đạt gần 35% sản lượng với các dạng sản phẩm trà xanh sao lăn, trà đen, Sen cha, Hồng trà, Đông phương mỹ nhân, Ô long; còn lại là xuất khẩu ủy thác và tiêu thụ trong nước.

Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Tiên Phong, Đại sứ Việt Nam tại Pakistan cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu trà xanh sang Pakistan, Afghanistan; trong khi thị trường này có nhu cầu nhập khẩu trà đen. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Lai Châu nói riêng cần cải thiện, nâng cao tỷ trọng chè đen để nâng giá trị, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Tiên Phong thông tin thêm, người dân Pakistan, Afghanistan dùng trà hàng ngày và là thị trường không quá khó tính, có thể nói là dễ tính hơn các thị trường khác. Đây chính là cơ hội, dư địa để các doanh nghiệp Lai Châu xuất khẩu sản phẩm trà vào thị trường này.

“Pakistan, Afghanistan uống trà xanh nhưng không uống đặc như người Việt Nam và thường uống trà pha sữa. Đây là vấn đề doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Tiên Phong cho hay.

Theo ông Vũ Thanh Bình, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cồ phần trà Than Uyên, để có trà chất lượng cao thì phải có nguồn nguyên liệu chất lượng cao. Định hướng của doanh nghiệp là sẽ bảo vệ vùng nguyên liệu để đảm bảo đạt được các chứng nhận chất lượng quan trọng cho xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng sẽ đầu tư về công nghệ, con người để nâng cao giá trị sản phẩm trà.

Thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á cũng được xem là thị trường truyền thống của doanh nghiệp trong những năm vừa qua. Nhưng hiện doanh nghiệp vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, kỳ vọng của doanh nghiệp là tìm kiếm được doanh nghiệp đối tác có thể thúc đẩy phát triển các sản phẩm tinh chất, chất lượng cao hơn để mang lại giá trị cao hơn, ông Vũ Thanh Bình cho hay.

Ông Hà Trọng Hải tin tưởng, các doanh nghiệp trồng, chế biến trà của tỉnh Lai Châu sẽ kết nối giao thương, hợp tác đầu tư được với nhiều đối tác trong và ngoài nước nhằm tạo ra các sản phẩm trà có chất lượng cao và mở rộng được thị trường xuất khẩu; trong đó trọng tâm là các nước Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.

Tỉnh Lai Châu sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tác trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội, ký kết hợp tác đầu tư và phát triển ngành trà của tỉnh, đưa sản phẩm trà Lai Châu đến các thị trường trong và ngoài nước./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tra-lai-chau-tim-doi-tac-moi-tai-thi-truong-trung-dong-bac-phi-va-nam-a/247630.html