Trả lại học sinh ngày khai giảng, kỳ nghỉ hè đúng nghĩa
Dự thảo quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến thời gian kết thúc năm học là ngày 31/5 và năm học mới bắt đầu từ 1/9. Nếu được thông qua, từ năm học tới, học sinh sẽ được nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng. Trong thời gian nghỉ hè, các trường sẽ không được dạy thêm, học thêm, dạy trước chương trình dưới mọi hình thức.
Nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự đồng thuận khi đón nhận thông tin này. Anh Nguyễn Phúc Anh, phụ huynh có con học lớp 6 tại Hà Nội cho biết: “Nếu được nghỉ hè liên tục trong 3 tháng, các con sẽ có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa. Trẻ được thoát khỏi hoàn toàn áp lực về bài vở, được trải nghiệm, vui chơi thỏa thích, khám phá những thú vị xung quanh mình. Từ đó có thể nạp thêm năng lượng cho năm học mới”.
Chị Nguyễn Lê Phương, phụ huynh có con học lớp 5 cũng chia sẻ: Nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng đồng nghĩa với việc các con sẽ không phải học trước chương trình như hiện nay. Điều này sẽ trả lễ khai giảng năm học mới về đúng nghĩa ban đầu của nó.
Chị Nguyễn Thu Hà, phụ huynh có 2 con đang học tiểu học cũng cho biết: “Nhà không có giúp việc hoặc ông bà nội, ngoại ở cùng nên việc phải “trông” con suốt 3 tháng hè thực sự là vấn đề khá nan giải. Tuy vậy, vợ chồng tôi thống nhất sẽ cùng tìm giải pháp để khắc phục, bởi đây là cơ hội để cha mẹ thể hiện trách nhiệm của mình với con cái, không thể phó thác hết cho nhà trường”. Không chỉ phụ huynh mà nhiều giáo viên cũng khá hào hứng với kế hoạch này.
Cô Lê Thu Trà, giáo viên một trường tiểu học tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: Nếu học sinh được nghỉ 3 tháng thì thời gian nghỉ thực tế của giáo viên dài hơn, có thời gian hơn để chăm sóc cho gia đình, đặc biệt là con cái.
Cũng theo chia sẻ của cô Trà, việc nghỉ hè trọn 3 tháng cũng giúp phụ huynh có thể dành nhiều thời gian cho con tham gia các hoạt động hè như bơi lội, tập làm việc nhà để biết giá trị của lao động, biết chia sẻ công việc với những người khác, tham gia các chương trình sinh hoạt hè tại địa phương. Nếu có một kỳ nghỉ hè thực sự thú vị, các con sẽ có nhiều năng lượng hơn để bắt đầu năm học mới.
Tuy vậy, trên thực tế, ngoài nỗi lo không có người trông nom các con trong thời gian nghỉ hè thì việc các con bị quên kiến thức, xem tivi, chơi điện tử nhiều cũng đã và đang là băn khoăn của không ít phụ huynh.
"Tôi ủng hộ quan điểm trả lại ý nghĩa ngày khai giảng song tôi cũng "ngại" nếu nghỉ học quá lâu, các con sẽ quên kiến thức. Việc ở nhà quá lâu cũng khiến các con dễ sa đà vào tivi, các thiết bị công nghệ và các trò chơi điện tử. Thậm chí, với đặc thù ở thành phố, bố mẹ đi làm cả ngày, nếu học sinh nghỉ 3 tháng hè mà các trung tâm dạy kỹ năng sống, kỹ năng mềm, thậm chí dạy văn hóa vẫn hoạt động thì chắc chắn bố mẹ sẽ cho con đến học.
Như vậy, việc Bộ GD&ĐT cấm các trường dạy trước khai giảng liệu có còn vẹn nguyên tác dụng hay cũng chỉ là chuyển từ việc dạy ở trường sang các trung tâm văn hóa”- một phụ huynh bày tỏ băn khoăn.
PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, cá nhân ông rất ủng hộ chủ trương cho học sinh nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng. Việc này cần thiết triển khai kéo dài đối với các năm học tiếp theo. Cần phải trả lại ý nghĩa thực sự của ngày khai giảng để thầy và trò được vui vẻ, hồ hởi bước vào năm học mới. Đồng quan điểm này, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhấn mạnh: Phương án nào cũng sẽ có nhiều ý kiến. Tuy nhiên, cần để trẻ nghỉ hè và bắt đầu năm học mới một cách đúng nghĩa.
PGS.TS Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, ĐHQGHN cũng nêu quan điểm: Kỳ nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng sẽ là cơ hội tốt để học sinh "sạc" lại năng lượng cho năm học mới bởi với hầu hết học sinh, năm học đã diễn ra quá vất vả, bận rộn nên đã tổn hao nhiều năng lượng tinh thần.
Cùng với đó, kỳ nghỉ hè dài ở nước ta giúp học sinh tránh thời tiết nắng nóng cực đoan. Nhiều gia đình chỉ dịp hè mới có lịch luyện tập thể dục thể thao cố định cho con nhằm cải thiện sức khỏe. Đặc biệt, thời gian nghỉ hè dài sẽ tạo cơ hội cho các thành viên gần nhau về mặt cảm xúc, tương tác chất lượng hơn, cha mẹ chú ý nhiều hơn đến những điểm mạnh của con.
Ngoài ra, kỳ nghỉ hè dài còn có thể cho phép những học sinh lớn tham gia một số công việc bên ngoài để kiếm tiền, qua đó rèn luyện tinh thần yêu lao động, tự chịu trách nhiệm với bản thân và giúp đỡ người khác. Trước lo ngại của phụ huynh về việc nghỉ hè lâu, các con sẽ quên kiến thức, ông Nam cho rằng: Nghỉ hè không có nghĩa là hoàn toàn dừng học. Giáo dục đang chuyển trọng tâm từ dạy chữ sang dạy người. Trong hè, người lớn có thời gian để tổ chức các hoạt động giáo dục phục vụ mục tiêu dạy người; học sinh cũng có cơ hội để tăng cường học kỹ năng sống.
“Ba tháng nghỉ hè không dài, thậm chí còn ngắn nếu chúng ta tổ chức thời gian này khoa học, giúp con đạt được những kỹ năng sống, kỹ năng của công dân thế kỷ 21. Để thời gian nghỉ hè của trẻ không nhàm chán mà trở nên thú vị, hữu ích, cần có sự tham gia rất chủ động của gia đình và cha mẹ”- PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định.
Trường tư thục kiến nghị giữ nguyên thời gian nghỉ hè 2 tháng
Ngày 9/7, các Chủ tịch Hội đồng, Hiệu trưởng trường tư thục trong Câu lạc bộ Các trường Tiểu học, THCS và THPT tư thục Hà Nội đã có văn bản kiến nghị khẩn cấp gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ liên quan đến dự thảo kế hoạch cho học sinh nghỉ hè đủ 3 tháng.
Theo kiến nghị, do đặc thù của các trường tư thục khác với hệ thống trường công lập là “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, nếu không dạy học thì sẽ không có lương trả cho giáo viên và duy trì các hoạt động giáo dục khác của nhà trường. Do vậy, các trường kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép các trường vẫn được nghỉ hè 2 tháng như trước đây.
Điều này không chỉ giúp các trường vượt qua khó khăn sau cú sốc COVID-19 mà còn tạo điều kiện cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và các nhà trường tư thục có thêm thời gian tổ chức hoạt động hè bổ ích cho các em, giúp các em củng cố và nâng cao kiến thức, thực hiện đúng các cam kết trước đó của nhà trường với phụ huynh nhằm đảm bảo các mục tiêu giáo dục đề ra.