Trả lại không gian an toàn cho mặt nước đầm Thị Nại

Những năm gần đây, mặt nước đầm Thị Nại, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định liên tục bị quây lưới, lấn chiếm trái phép gây mất an toàn giao thông đường thủy.

Các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã xử lý, cưỡng chế tháo dỡ những khu vực quây lưới trái phép, trả lại không gian an toàn cho mặt nước đầm Thị Nại. Tuy nhiên, khu vực mặt nước đầm này thiếu sự giám sát của lực lượng chức năng nên dễ tái diễn tình trạng lấn chiếm.

Đầm Thị Nại là đầm nước lợ lớn nhất tỉnh Bình Định, có diện tích trên 5.000 hecta mặt nước, dài hơn 10 cây số, bề rộng gần 4 cây số. Nơi đây có hệ sinh thái phong phú với nhiều loại động thực vật quý và nhiều cảnh đẹp, hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú. Thời gian qua, rất nhiều người sử dụng các loại cọc và quây lưới đánh bắt trái phép, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây mất an toàn giao thông đường thủy.

Trạm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định được giao nghiên cứu và bảo vệ trên diện tích 95ha mặt nước đầm Thị Nại, huyện Tuy Phước. Tại khu vực này, nhiều người lén lút quây lưới và đánh bắt tận diệt các loại thủy, hải sản trong diện tích đã quây lưới. Ông Đỗ Duy Trang, nhân viên Trạm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định cho biết: Tình trạng này diễn ra phổ biến vào cuối năm ngoái đến tháng 3/2022.

Lực lượng chức năng huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định phá dỡ một số vị trí quây lưới trái phép trên đầm Thị Nại. (Ảnh chụp tháng 5/2022)

Lực lượng chức năng huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định phá dỡ một số vị trí quây lưới trái phép trên đầm Thị Nại. (Ảnh chụp tháng 5/2022)

“Dùng cọc tre quây rất là nhanh. Một vài tiếng, 5 đến 6 người quây được vài ha. Chỉ cần cắm cọc, cột lưới, ghim lưới dưới đất rồi họ nuôi vẹn, nói chung là các sản phẩm tự nhiên là nhiều. Nguồn lợi thủy sản cũng dần dần cạn kiệt” - ông Đỗ Duy Trang nói.

Việc lấn chiếm mặt nước đầm Thị Nại để nuôi trồng, khai thác thủy sản tập trung chủ yếu tại 2 xã Phước Hòa, Phước Sơn huyện Tuy Phước. Nhiều người mang tre, trúc, thậm chí chặt phá rừng đước để cắm cọc, quây lưới thả nuôi sìa, cua ở tầng đáy. Tình trạng này gây bức xúc cho người dân hành nghề khai thác thủy sản truyền thống; làm nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.

Từ 3/2022 đến nay, UBND huyện Tuy Phước đã chỉ đạo UBND các xã Phước Hòa, Phước Sơn phối hợp với ngành chức năng huyện và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định tiến hành cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình vi phạm mặt nước đầm Thị Nại. Các đơn vị chức năng đã xử phạt, tháo dỡ hơn 30 trường hợp cắm cọc, quây lưới trái phép để nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích hơn 136 ha.

Đến nay, huyện Tuy Phước đã xử lý và yêu cầu tất cả các hộ lấn chiếm mặt nước đầm Thị Nại trả lại hiện trạng ban đầu. Đối với các hộ không chịu tháo dỡ các vị trí lấn chiếm mặt nước đầm Thị Nại, huyện tiến hành cưỡng chế tháo dỡ.

Sau thời gian dài ra quân xử lý các trường hợp lấn chiếm trái phép mặt nước đầm Thị Nại, đến nay mặt nước đầm này đã không còn tình trạng quây lưới trái phép.

Sau thời gian dài ra quân xử lý các trường hợp lấn chiếm trái phép mặt nước đầm Thị Nại, đến nay mặt nước đầm này đã không còn tình trạng quây lưới trái phép.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết, về lâu dài, UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh Bình Định sớm quy hoạch và đưa Khu sinh thái Cồn Chim trở thành điểm du lịch sinh thái nhằm tạo sinh kế cho người dân sống quanh đầm Thị Nại.

“Một số bà con ngư dân vi phạm lấn chiếm mặt nước trên đầm Thị Nại gây bức xúc cho nhân dân. Đối với xã vẫn còn mang tính chủ quan, buông lỏng việc quản lý về tài nguyên môi trường. UBND huyện Tuy Phước đã có nhiều văn bản chỉ đạo 4 xã khu đông thường xuyên tuần tra kiểm soát xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm. Nếu tái diễn kịp thời xử lý ngay, không cho tồn tại. Nếu những hộ nào cố tình chống đối thì sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật” - ông Nguyễn Ngọc Xuân nói.

Để bảo vệ đa dạng sinh học ở đầm Thị Nại, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục chỉ đạo thực hiện Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch này, Bình Định sẽ thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại, mục tiêu là bảo tồn hệ sinh thái và các loài động vật quý hiếm tại hệ sinh thái đất ngập nước ven biển có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái biển.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: “Rừng ngập mặn là nơi cư trú của các sinh vật, đặc biệt là các loài hải sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cũng đã phối hợp với UBND huyện Tuy Phước triển khai xử lý dứt điểm đối với quây lưới nuôi trên đầm thị nại. Trong thời gian sắp tới, ngoài việc không để cho người dân lấn chiếm để hạn chế, tạo điều kiện cho môi trường sinh thái, các loại thủy sản phát triển để tạo sinh kế cho người dân ven đầm”./.

Thanh Thắng/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tra-lai-khong-gian-an-toan-cho-mat-nuoc-dam-thi-nai-post958259.vov