Trả lại sự trong lành cho một dòng sông - Kỳ cuối: Cần chung tay làm xanh lại dòng sông

Trả lại sự trong lành cho sông Quán Trường là một trong những ưu tiên đặc biệt của TP. Nha Trang. Bởi theo định hướng phát triển, sẽ có nhiều dự án được triển khai, các công trình, khu dân cư, khu đô thị quan trọng được hình thành dọc 2 bên bờ sông này để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nha Trang thành đô thị biển xanh, năng động, sáng tạo.

Bảo vệ nguồn nước sông Quán Trường

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, một trong những nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ nguồn nước sông Quán Trường. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, sông Quán Trường đang có sự biến đổi theo hướng tiêu cực về chế độ dòng chảy, chất lượng nước, nguyên nhân sơ bộ được nhận định là do sự tác động của quá trình đô thị hóa, tăng mật độ xây dựng và tăng dân số, cùng các hoạt động dân sinh khác trong lưu vực, như: San lấp mặt bằng, đổ vật liệu thải và xả thải.

Tiến sĩ Vũ Mạnh Hải - Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: “Nhiệm vụ chung được đưa ra là cần phải đảm bảo hài hòa, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo môi trường nói chung, tài nguyên nước nói riêng của lưu vực sông Quán Trường. Các giải pháp để khai thác tiềm năng, thế mạnh dọc 2 bên bờ sông cũng như trên sông cần được triển khai đồng bộ, từ việc điều tra, đánh giá hiện trạng, nguyên nhân tác động, dự báo diễn biến và đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý. Các giải pháp này đã được luật hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Tài nguyên nước đối với công tác điều tra, đánh giá, lập quy hoạch, xây dựng kịch bản nguồn nước của lưu vực sông; Luật Bảo vệ môi trường đối với việc đánh giá hiện trạng xả thải, khả năng tiếp nhận nước thải và đề xuất kế hoạch quản lý (bảo vệ) môi trường nước sông. Vì vậy, thời gian tới, cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý và các cơ quan chuyên môn để điều tra, đánh giá, quy hoạch, bảo vệ và khôi phục các nguồn tài nguyên nước cho từng khu vực của sông Quán Trường nói riêng, các khu vực khác trên địa bàn tỉnh nói chung”.

Một góc sông Quán Trường phía hạ lưu đổ ra Cửa Bé.

Một góc sông Quán Trường phía hạ lưu đổ ra Cửa Bé.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các nguồn thải từ những con sông đều đổ về vịnh Nha Trang. Do đó, một trong những vấn đề khá nhức nhối của các cơ quan quản lý là phải kiểm soát được chất lượng những nguồn thải từ các sông để đảm bảo hệ sinh thái cho vịnh Nha Trang. Trong khi đó, lượng trầm tích là cát, bùn ở các con sông, đặc biệt là sông Quán Trường rất lớn. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự kiến, thời gian tới, sở sẽ thực hiện các đợt điều tra dọc 2 bên bờ sông Cái Nha Trang, sông Quán Trường, sông Tắc. Đồng thời, sở cũng sẽ rà soát, bổ sung, ghi nhận các thông tin, số liệu, tài liệu về hiện trạng, những tồn tại, hạn chế trong công tác thu gom, xử lý chất thải rắn dọc các con sông này. Từ đó, đề xuất các giải pháp kiểm soát nguồn xả nước thải, chất thải rắn ra sông, biển.

Cải tạo để phát triển du lịch đường sông

Trong Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 có định hướng phát triển mở rộng TP. Nha Trang về phía tây, trong đó đặc biệt lưu ý cải tạo cảnh quan sông Tắc, sông Quán Trường, hướng tới phát triển du lịch đường sông. Để cụ thể hóa đồ án này, UBND TP. Nha Trang đang lập Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch phân khu phía tây TP. Nha Trang, lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Đồ án quy hoạch phân khu định hướng phát triển cảnh quan, tổ chức hệ thống công viên, không gian mở công cộng ven sông Cái và các sông khác trong khu vực. Trong đó, sẽ bố trí kè ven sông tại các vị trí có nguy cơ sạt lở với thiết kế kè kết hợp không gian vui chơi giải trí, đan xen kết nối trực tiếp với các dãy phố đô thị để cung cấp dịch vụ cho hoạt động công cộng ven sông. Tại những khu vực không có giải pháp thay thế cho việc tổ chức đường cơ giới ven sông thì xây dựng đường và vỉa hè rộng hơn về phía xây dựng công trình để tạo thuận lợi cho việc hình thành tuyến phố trung tâm ven sông, tổ chức giải pháp đảm bảo khả năng tiếp cận thuận lợi từ khu vực xây dựng đô thị sang công viên ven sông. Tuyến kênh rạch bên cạnh chức năng thoát nước còn là tuyến cảnh quan đóng góp thêm những không gian đẹp và đặc trưng cho đô thị Nha Trang.

Ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang cho biết, trong tương lai, tuyến kênh rạch sẽ kết nối liên thông nhánh sông Quán Trường ra sông Cái, giải quyết vấn đề thoát nước. Trên tuyến kênh rạch này sẽ xác định những điểm không gian gắn với khu vực công cộng tập trung các hoạt động. Cụ thể, tại khu vực phía bắc đường 23 tháng 10 sẽ cải tạo, chỉnh trang cảnh quan sinh thái ở khu vực có mật độ dân cư thấp gắn với dịch vụ cảnh quan ven sông. Thành phố định hướng phát triển công viên đô thị, công viên cảnh quan ven sông kết hợp dịch vụ thương mại; hình thành tuyến phố dạo bộ cảnh quan ven sông, phố đi bộ gắn với khu vực kênh thoát lũ Vĩnh Trung (nối từ sông Quán Trường ra sông Cái). Ngoài ra, thành phố cũng định hướng tổ chức không gian đô thị xen với các khu dân cư hiện trạng để làm sống động, tạo điểm nhấn trên các trục đường Võ Nguyên Giáp, đường 23 tháng 10 và trục cảnh quan sông Quán Trường.

Hiện nay, Nha Trang có 8 xã được đầu tư nâng cấp lên phường. Khi triển khai đầu tư hạ tầng đô thị, địa phương phải chú ý khớp nối hệ thống thoát nước, đầu tư xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Các dự án đô thị mới khi cấp phép xây dựng phải yêu cầu đầu tư hệ thống nước thải theo quy định. “Trong tương lai, Nha Trang được định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông, trong đó sông Cái và sông Quán Trường có nhiều tiềm năng để khai thác. Hiện nay, có một vài nhà đầu tư đã đặt vấn đề nghiên cứu triển khai. Tuy nhiên, muốn thu hút đầu tư, phát triển du lịch, địa phương phải cải tạo lại dòng sông, chỗ nào có thể trồng lại rừng ngập mặn ở 2 bên bờ sông thì triển khai, chỗ nào đang ô nhiễm, tắc nghẽn thì phải xử lý dứt điểm”, đồng chí Hồ Văn Mừng cho hay.

Hình thành các đảo phát triển đô thị sinh thái

Ông Lê Tiến Vĩnh - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, sông Quán Trường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với thành phố, bởi tuyến sông này gần như ôm trọn phía tây Nha Trang. Do đó, theo định hướng quy hoạch được thể hiện trong Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị - công viên - trung tâm hành chính mới của tỉnh đang được lấy ý kiến cộng đồng dân cư, các tuyến chính của sông Tắc, sông Quán Trường được giữ và nạo vét, mở rộng; phá bỏ các đìa tôm để khơi thông thành những lạch nước chính tạo thành các đảo phát triển đô thị sinh thái nước. Ngoài ra, quy hoạch cũng định hướng tổ chức công viên sinh thái ngập mặn, quảng trường công cộng ven mặt nước và tổ chức các tuyến phố tiếp giáp trực tiếp với khu công viên quanh các đảo; gắn kết các điểm dịch vụ, đô thị trên tuyến sông bằng các bến tàu, bổ sung không gian công cộng gắn với dải công viên xanh tại vị trí ven mặt nước sông Tắc, sông Quán Trường.

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch phân khu Khu đô thị - công viên - trung tâm hành chính mới của tỉnh dự kiến có diện tích hơn 654ha thuộc 2 xã Vĩnh Thái, Phước Đồng (Nha Trang). Khu vực lập quy hoạch là vùng đồng trũng, đón nước sông Quán Trường và sông Tắc từ khu vực phía tây Nha Trang đổ về để ra cửa biển. Phần lớn diện tích khu vực lập quy hoạch là mặt nước nuôi trồng thủy sản, mặt nước chưa sử dụng, đất trồng hoa màu. Trong đồ án này thể hiện chủ trương của thành phố là xây dựng kết nối xanh toàn đô thị với 6 đảo có hệ thống mặt nước bao bọc xung quanh. Đồng thời, tăng cường kết nối mặt nước, phát huy giá trị mặt tiền phía sông Quán Trường, nét uốn lượn của dòng sông tạo thành một mặt tiền sinh động.

Theo đồ án điều chỉnh, đảo công viên đô thị, công viên sinh thái đóng vai trò trung tâm là không gian xanh chính của khu vực. Điểm đặc biệt, khu vực quy hoạch sẽ xây dựng các công viên cảnh quan sinh thái ngập mặn, công viên vui chơi trẻ em, khu vực hoạt động thể thao công cộng. Các không gian công cộng được thiết kế với sự phối hợp hài hòa giữa không gian mặt nước thoáng đãng và hệ thống cây xanh ven rạch làm tăng vẻ đẹp cảnh quan. Khu vực này sẽ hình thành hệ thống cây xanh khu nhà ở, công viên và các tuyến phố theo dạng “tuyến - dải”, kết hợp đan xen giữa các loại cây bóng mát và cây trang trí.

Với những định hướng hết sức cụ thể, tin tưởng rằng, sông Quán Trường sẽ thực sự hồi sinh như vẻ đẹp vốn có của nó. Và mỗi người dân càng hy vọng hơn về một đô thị xanh trong lòng phố biển.

Tiến sĩ VÕ SĨ TUẤN - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học: Hiện nay, vấn đề lắng đọng trầm tích (cát, bùn…) từ sông Cái, sông Quán Trường… chảy ra vịnh Nha Trang là một trong những nguyên nhân đang tác động trực tiếp tới việc suy thoái ở vịnh Nha Trang. Đối với ô nhiễm nguồn nước từ cống thoát nước thì có thể đầu tư hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, khi lượng trầm tích là cát, bùn đổ ra biển thì không có cách nào để xử lý được. Lượng trầm tích gia tăng dẫn đến nền đáy của vịnh Nha Trang sẽ toàn là bùn, cát khiến san hô chết, ảnh hưởng đến quá trình phát triển hệ sinh thái dưới biển. Do đó, việc giảm thiểu lượng trầm tích đổ ra biển rất quan trọng và cần quản lý ngay từ trên đất liền bằng các giải pháp như nạo vét các dòng sông bị bồi lắng trầm tích trên cơ sở đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng từ các cơ quan có chuyên môn.

MẠNH HÙNG - VĂN KỲ - THÁI THỊNH

Kỳ 1: Dòng sông đang bị “bức tử”

Kỳ 2: Hệ quả từ những dòng sông “tắc”

Kỳ 3: Khơi thông những dòng sông

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202408/tra-lai-su-trong-lanh-cho-mot-dong-song-ky-cuoi-can-chung-tay-lamxanh-lai-dong-song-42e6c65/