Trả lời phản ánh của bà Trần Thị Oanh

Cho rằng hàng xóm làm hàng rào bít kênh thủy lợi trên phần đất công thuộc Nhà nước quản lý, gây khó khăn trong việc đi lại, bà Trần Thị Oanh (đại diện 29 người khác, ngụ ấp Bình Thạnh 2, xã Hòa An, huyện Chợ Mới) gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

Bà Oanh trình bày: “Tổ tiên, ông bà chúng tôi được chôn cất, lập mộ trong khuôn viên khoảng 1.000m2 do cậu ruột Hình Chiêu Long (đã mất) để lại, tọa lạc tại ấp Bình Thạnh 2. Đây là phần đất nghĩa địa của bà con địa phương, có 54 ngôi mộ. Việc cúng bái, trùng tu mồ mả của tộc họ chúng tôi được duy trì hơn 70 năm nay. Lối ra vào khu mộ là đường đi công cộng trên bờ kênh mương dẫn nước do Nhà nước quản lý. Nhưng không biết vì lý do gì, 3 hộ dân (ông Võ Văn Rết, Võ Văn Bé Sáu và bà Nguyễn Thị Bê, nhà ở cặp kênh) làm hàng rào trụ đá, lưới B40 (ngang khoảng 5m, cao 3m) chắn ngang lối đi, ảnh hưởng việc đi lại, cúng viếng của bà con chúng tôi".

Cũng theo bà Oanh, khi phản ánh đến UBND xã Hòa An, được hòa giải và cho rằng phần đất 2 bên bờ kênh thủy lợi, 3 hộ trên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn kênh thủy lợi này do Nhà nước quản lý, dài gần 5m, không có phần bờ kênh. Họ yêu cầu địa phương xác định rõ, phần đất kênh mương thủy lợi này thuộc quyền sử dụng của ai? Nếu của Nhà nước thì buộc phải tháo dỡ, còn nếu đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ thì phía bà Oanh sẽ khởi kiện yêu cầu hủy giấy. Trường hợp phần bờ kênh bị sạt lở, xói mòn không còn lối đi, yêu cầu UBND xã cho phép gia cố đắp bờ, hoặc làm cầu để có lối đi vào khu mộ như trước đây. Mọi chi phí bà hoàn toàn tự chịu, chỉ mong có lối đi vào mồ mả của tổ tiên, ông bà.

Bà Oanh chỉ phần hàng rào lưới B40 đầu kênh thủy lợi

Bà Oanh chỉ phần hàng rào lưới B40 đầu kênh thủy lợi

Phía bà Nguyễn Thị Bê cho rằng: “Phần đất của tôi với đất của bà Oanh không liên quan, đã có rào chắn xây bờ thành. Vụ việc đã đến chính quyền, tòa án, nên cứ để cơ quan chức năng giải quyết. Thực tế, đất của tôi giáp ranh với hộ của ông Rết. Con kênh thủy lợi này là do cha tôi và cha ông Rết đào dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của 2 nhà”. Phía anh em ông Rết, ông Bé Sáu cho hay: “Phần đất kênh thủy lợi này là do 2 bên gia đình của tôi và bà Bê đào, bà Oanh đi ra vào mộ là đi nhờ trên đất của gia đình tôi. Việc con cháu tôi cất nhà để ở và làm hàng rào nhằm bảo vệ tài sản, do thời gian qua xảy ra trộm cắp rất nhiều".

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Hòa An cho biết, sau khi tiếp nhận đơn phản ánh của bà Trần Thị Oanh, ngày 22/3/2024, UBND xã mời 2 hộ giáp ranh kênh thủy lợi đến văn phòng ấp Bình Thạnh 2 để làm việc về quá trình hình thành và sử dụng kênh thủy lợi. Qua trao đổi và làm việc với bà Nguyễn Thị Bê, ông Võ Văn Bé Sáu (em ông Võ Văn Rết) trình bày, phần kênh thủy lợi này được hình thành rất lâu do gia đình của ông bà tự đào để phục vụ tưới tiêu phần đất ruộng phía sau của gia đình và giáp phần mồ mả của gia đình bà Oanh. Tuy nhiên, do trộm cắp và nhiều thành phần lạ mặt đi vào, nên họ tạm rào để bảo vệ tài sản, cũng như không cho người lạ vào; đồng thời, thống nhất giao lại cho Nhà nước cắm lại 2 trụ ranh và quản lý, cam kết nếu Nhà nước có nhu cầu sử dụng nạo vét sẽ tháo dỡ hàng rào.

Ngày 27/3/2024, UBND xã mời bà Oanh đến làm việc và giải thích rõ đây là kênh thủy lợi với chiều rộng 4,87m, dài 30,32m, không phải là lối đi chung và không giao cho một cá nhân nào sử dụng sai mục đích. Khi nào địa phương có nhu cầu nạo vét để làm đường hoặc bắc cầu sẽ họp dân thống nhất và được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, bà Oanh vẫn yêu cầu xác định lại ranh giới, vị trí kênh thủy lợi và có nhu cầu xin Nhà nước tạo điều kiện để bà được bắc cầu hoặc nạo vét đất một bên làm đường vào khu mộ và không ai được rào lại. Xã đã giải thích việc này, bà Oanh nên trao đổi thỏa thuận với các hộ để được tạo điều kiện đi ra khu mộ, vì trước đây bà đi nhờ trên phần đất của họ.

Xác định phần đất tờ bản đồ số 39, thửa đất số 100 là kênh thủy lợi, giáp đầu kênh là tuyến đường Thông Lưu - Lâm Vồ, phía giáp đầu kênh và cặp theo kênh là nhà và vườn của ông Bé Sáu, bà Bê vào 30,32m mới đến khu mộ của gia đình bà Oanh, vào khoảng 40m thì đến ruộng lúa của ông Bé Sáu là hết đoạn kênh; còn sử dụng cho hộ gia đình ông Bé Sáu và bà Bê để dẫn nước vào ruộng, vườn từ trước đến nay, không phải là lối đi chung và không phải là đường đi công cộng. Phần cống đầu kênh giáp tuyến đường thì chỉ rào tạm lưới B40 do ông Sáu và bà Bê rào lại từ lâu (khoảng 3 - 4 năm) để bảo vệ tài sản của 2 gia đình, vì đầu kênh giáp lộ và sát nhà của họ.

UBND xã Hòa An đã đề xuất UBND huyện Chợ Mới, tạm thời xã chưa có nhu cầu sử dụng con kênh trên, nên cho 2 hộ là ông Sáu, bà Bê rào lưới B40 tạm để bảo vệ tài sản theo hiện trạng cũ sẽ phù hợp thực tế và phù hợp với chủ trương vận động Nhân dân làm hàng rào, cột cờ xây dựng nông thôn mới; sử dụng con kênh vì mục đích thủy lợi. Khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng, thì UBND xã Hòa An sẽ tiến hành tháo dỡ lưới B40.

K.N

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tra-loi-phan-anh-cua-ba-tran-thi-oanh-a398616.html