Trả nước cứu sông Ba

Vừa rồi bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vào Gia Lai công tác, giải quyết mấy việc cần kíp, trong đó có việc xem xét ý kiến đề xuất của tỉnh về việc xây dựng đập dâng trên sông Ba để giữ nước.

Tôi vô tình gặp ông ngồi... gặm bánh mì uống cà phê ở một quán quen của tôi trước khi vào họp với tỉnh.

Trước đó, tỉnh Gia Lai có đề xuất sẽ xây đập dâng trên dòng sông Ba đoạn qua thị xã An Khê với kinh phí khoảng 350 tỉ đồng.

Sông Ba, con sông quan trọng của Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung từng hết sức nổi tiếng trong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" với nhân vật chính là anh hùng Núp. Thời ấy con sông này được miêu tả là có cả cá sấu. Nó chảy qua thị xã An Khê, mà ai cũng biết, đô thị mà có sông chảy qua thì nó đẹp và lợi thế đến như thế nào? Sông Hương với Huế là thế, sông Hàn với Đà Nẵng, sông Hồng với Hà Nội là thế, và cả sông Sài Gòn nữa...

Và An Khê cũng từng tự hào về con sông Ba này, nó vòng vèo một hồi rồi đổ về Phú Yên, ra biển.

Đùng cái, người ta làm thủy điện An Khê Ka Nak. Cũng đúng và tốt thôi, là cái tư duy thời ấy, thủy điện là vàng trắng, nên nhà nhà thủy điện, người người thủy điện, cứ có nước chảy là người ta nghĩ ngay tới tưng bừng thủy điện.

Con sông Ba, cũng như nhiều sông khác, bị ngăn lại làm thủy điện, đến mấy cái, trong đó có thủy điện An Khê Ka Nák. Cái oái oăm của thủy điện này là, nó không trả lại nước cho sông Ba mà lại làm một con sông nhân tạo để đổ nước về sông Côn, Bình Định, nơi cũng từng có một tiểu thuyết nổi tiếng lấy làm đầu đề: "Sông Côn mùa lũ" của Nguyễn Mộng Giác, báo hại toàn bộ hạ lưu sông Ba từ thị xã An Khê đến Krông Pa thành con sông chết. Nếu như đoạn qua thị xã An Khê sông trơ đáy khiến hàng vạn người trong khu vực khốn khổ, không chỉ vì không có nước, mà còn bởi bị ô nhiễm trầm trọng, thì đoạn phía dưới, Ayun Pa và Krông Pa có hiện tượng nước, dù còn rất ít, đổi màu thành màu xanh và bốc mùi hôi thối.

Sông Ba đoạn chảy qua TX.An Khê (Gia Lai) bốc mùi hôi, cạn kiệt trong mùa khô (ảnh: Trần hiếu/Thanh niên).

Sông Ba đoạn chảy qua TX.An Khê (Gia Lai) bốc mùi hôi, cạn kiệt trong mùa khô (ảnh: Trần hiếu/Thanh niên).

Ông Huỳnh Thành, phó đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai khi ấy đã làm chấn động hội trường quốc hội bằng bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, cho rằng việc làm thủy điện An Khê Ka Nák là "sai lầm thế kỷ".

Theo ông Thành thì trước khi phát biểu ông đã nghiên cứu và thấy trên thế giới chưa có ai làm cái việc là ngăn sông làm thủy điện rồi lấy nước ở con sông bị ngăn đó đổ vào con sông khác, kệ cho hạ lưu con sông bị ngăn ra sao thì ra? Không cần đến tận nơi chúng ta cũng có thể dễ dàng hình dung hàng triệu người sống dọc theo hạ lưu sông Ba ra sao rồi? Vấn đề là nó không chỉ gây hạn, không chỉ hạn, mà là khô kiệt, biến một con sông rất lớn thành con sông chết.

Sông lớn bởi trong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" ông Núp từng kể rằng trên sông Ba có cá sấu. Nhưng điều kinh nữa là, mùa mưa thủy điện xả lũ khiến dân vùng hạ lưu "chết không kịp ngáp".

Hai năm 2011 và 2013 thủy điện An Khê Ka Nak 2 lần xả lũ bất ngờ khiến thị xã An Khê giữa đêm chìm trong biển nước, hàng trăm tỉ đồng hòa vào dòng nước cuồn cuộn ra biển. Dân, và cả chính quyền, bất lực…

Đã từng vì xả lũ bất ngờ mà năm nào đó, 2 cô giáo ở huyện K’bang (huyện tách ra từ thị xã An Khê) trên đường đi dạy bị lũ cuốn trôi, nhà nước tốn rất nhiều công và của để tìm được thi thể 2 cô.

Cả 2 cô giáo đều còn rất trẻ, dẫu mưa gió nhưng vẫn đi vào trường dạy, và nước xả từ thủy điện An Khê Ka Nak ào ào xả xuống, họ đã không kịp chạy khi đang đi trên đường. Ngoài 2 cô giáo chết tức tưởi trong vụ này thì rất nhiều gia đình chỉ kịp chạy tháo thân mà không kịp mang theo gì, tất cả tài sản bị nhấn chìm dưới nước, không kể hoa màu lúa má...

Tôi là người sống ở Pleiku từ những năm tám mươi của thế kỷ 20, từng hân hoan cổ vũ viết bài ca ngợi khi chính phủ quyết định xây dựng thủy điện Ia Ly, từng hân hoan kể chuyện ông bí thư tỉnh ủy Gia Lai Kon Tum thời ấy tuyên bố nếu không cho làm thủy điện Ia Ly thì ông sẽ... đóng khố đi họp Quốc hội.

Và quả là thủy điện Ia Ly đã làm đổi đời một vùng đất nước, giảm tải rất nhiều nguy cơ thiếu điện trên cả nước. Nó, thủy điện Ia Ly ấy, hồi ấy được ca ngợi là năng lượng sạch, không làm ô nhiễm môi trường như nhiệt điện, nhất là cứ lấy nhiệt điện Cánh Diều của Ninh Bình ra so sánh. Và nó, khi được xây dựng, có sự kiểm soát gắt gao của các hội đồng khoa học từ cấp công trường tới cấp nhà nước.

Nhưng đến khi thủy điện mọc lên như nấm sau mưa, khi mà người ta sẵn sàng làm những việc hết sức ngược ngạo là lấy nước sông này dẫn vào sông kia ở hạ lưu, không cần biết con sông thượng lưu ấy với hàng triệu người dân, với nhà cửa phố xá buôn làng... sống ra sao thì quả là không thể tưởng tượng nổi.

Và giờ, người ta bèn chữa cháy bằng cách đề xuất bỏ tiền ra xây đập dâng để giữ nước.

Ở sông Ba, An Khê ấy, có một địa danh là Rộc Tưng. Nơi này người ta vừa phát hiện một sự kiện gây chấn động giới khảo cổ thế giới: Tám mươi vạn năm trước, ở đây đã có những con người tối cổ xuất hiện. Điều này khẳng định có một sơ kỳ đá cũ ở Việt Nam và ghi nhận sự xuất hiện của con người tối cổ ở An Khê.

Tất nhiên sông Ba có vai trò hết sức quan trọng trong việc xuất hiện các cụ tối cổ của chúng ta ở đây. Mọi cư dân, tối cổ, cổ hay cận cổ, cả hiện đại bây giờ, khi tìm đất sống, họ thường bám theo các con sông, các lưu vực sông. Và các nền văn minh lớn trên thế giới đều gắn với các dòng sông.

Nước ngoài là văn minh sông Hằng, văn minh sông Nin, văn minh Hoàng Hà vân vân, và ở Việt Nam là văn minh Đông Sơn gắn với sông Hồng, văn minh thời đại kim khí ở vùng sông Đồng Nai… Và với các cụ tối cổ thì là sông Ba mà giờ đang cạn nước vì sự "nông nổi" của con người.

Sông Ba đang hết nước.

Nên muộn còn hơn không, cố tìm cách cứu sông Ba bằng cách trả lại nước cho sông Ba, mà xây đập dâng là một trong các giải pháp.

Và mong là, trong tương lai, không còn những "phát minh" ngược đời giết sông oái oăm như thế nữa.

Trong cái rủi có cái may, biết đâu cái đập dâng sông Ba trong dự định ấy lại trở thành một nơi thu hút du lịch, cho giới trẻ tới check in sống ảo?

Ồ zê, Wao...

Văn Công Hùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tra-nuoc-cuu-song-ba-204240825152316615.htm