Trà Vinh đặt mục tiêu về đích xây dựng nông thôn mới trước năm 2025

Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu năm 2023 huyện cuối cùng của tỉnh là Trà Cú đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có 7 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; 106 xã, phường, thị trấn. Để thống nhất trong chỉ đạo điều hành các Chương trình Mục tiêu quốc gia Trà Vinh đã thống nhất chỉ đạo sáp nhập các Ban Chỉ đạo thành 1 Ban Chỉ đạo chung chỉ đạo cả 4 nội dung gồm: Nông thôn mới; Giảm nghèo; Phát triển kinh tế vùng dân tộc và Phong trào xây dựng đời sống văn hóa và từ cấp tỉnh đến cấp xã do Chủ tịch làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Giao thông nội đồng ở xóm nông thôn mới kiểu mẫu thông minh. Ảnh minh họa. Văn Đạt/TTXVN

Giao thông nội đồng ở xóm nông thôn mới kiểu mẫu thông minh. Ảnh minh họa. Văn Đạt/TTXVN

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với cách làm sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chủ động, tự giác thực hiện của người dân, đến nay, đã đạt được thành quả lớn với các chỉ tiêu về nông thôn mới vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh đã có 82/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 97% số xã (trong đó có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).

Ngày 15/7/2023, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ công bố 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận bằng công nhận 2 huyện Duyên Hải và Cầu Ngang thuộc tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Như vậy, đến nay, Trà Vinh có 8/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành, thị xã Duyên Hải và TP. Trà Vinh, Duyên Hải, Cầu Ngang và hiện còn 1 huyện theo kế hoạch 2023 sẽ hoàn thành; ấp nông thôn mới đạt trên 98,6%, trong đó có 52 ấp nông thôn mới kiểu mẫu; hộ nông thôn mới đạt trên 95,5%.

Có nhiều mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Chương trình OCOP, kết quả đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 184 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP, nhiều địa phương đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, ấp nông thôn mới kiểu mẫu, đường hoa nông thôn, các mô hình bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống…

Đặc biệt, tỷ lệ hài lòng của người dân ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt trên 90%. Đây chính là tiền đề để Trà Vinh phấn đấu xây dựng tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025.

Trà Vinh đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025. Theo đó, năm 2023, huyện cuối cùng của tỉnh là Trà Cú đạt chuẩn nông thôn mới (9/9 đơn vị cấp huyện), huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm huyện Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 60% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm huyện Càng Long đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đồng thời phấn đấu có thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, tỉnh Trà Vinh tập trung nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác để hỗ trợ các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tăng cường vận động các tổ chức kinh tế hỗ trợ, người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới theo tinh thần tự nguyện,…

Từ nay đến năm 2025, Trà Vinh tập trung thi đua phát triển kinh tế, đổi mới tổ chức sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết sản xuất; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất.

Phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở của cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, đặc biệt phát huy vai trò tự giác, chủ động thực hiện các phần việc của hộ gia đình trong tham gia xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, thi đua thực hiện hiệu quả những chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề tồn tại trong xây dựng nông thôn mới như: Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tra-vinh-dat-muc-tieu-ve-dich-xay-dung-nong-thon-moi-truoc-nam-2025-278623.html