Trà Vinh: Hướng đến mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch
Hưởng ứng chủ đề năm công tác 2022 của Ngành VHTTDL về 'Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ', tỉnh Trà Vinh sẽ tập trung xây dựng đời sống văn hóa gắn với các yếu tố bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc biệt là xây dựng sản phẩm du lịch phát huy bản sắc văn hóa nội địa. Tỉnh đang hướng đến mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch trong tương lai.
Liên quan đến việc quán triệt và thực hiện chủ đề năm công tác 2022 của Ngành VHTTDL, ông Dương Hoàng Sum – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc.
- Xin ông cho biết, trong thời gian qua, việc xây dựng môi trường văn hóa tại tỉnh Trà Vinh được triển khai như thế nào?
+ Với quan điểm không để phát triển kinh tế làm mai một đi giá trị bản sắc văn hóa trên địa bàn, trong thời gian qua, tỉnh Trà Vinh luôn gắn chặt phát triển kinh tế với xây dựng đời sống văn hóa. Trong từng lộ trình, tỉnh luôn đặt vị trí, vai trò của văn hóa ngang với yếu tố phát triển kinh tế.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Trà Vinh luôn đầu tư nguồn kinh phí thỏa đáng để đầu tư môi trường văn hóa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Trong đó hướng đến việc các giá trị văn hóa của cơ sở được phát huy thông qua các hoạt động phục vụ văn hóa cộng đồng, giao thoa các bản sắc văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn.
Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã bám sát các hướng dẫn của Cục Văn hóa cơ sở và các quy định của địa phương. Theo đó, tỉnh Trà Vinh luôn gắn kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phong trào xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã tập trung xây dựng môi trường văn hóa ở ấp, khóm, và các thiết chế văn hóa cơ sở ở cộng đồng dân cư. Các yếu tố để phát triển môi trường văn hóa cơ sở được tỉnh phát huy rất tích cực.
Tính đến thời điểm này, tỷ lệ gia đình văn hóa của tỉnh đạt 95%, tỷ lệ ấp được công nhận ấp văn hóa, nông thôn mới chiếm 92%, tỷ lệ xã được công nhận nông thôn mới đạt hơn 90%. Có 6/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành các nội dựng xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu sẽ đưa 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông, việc xây dựng môi trường văn hóa ở tỉnh Trà Vinh còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì? Và việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở ở tỉnh Trà Vinh thời gian tới cần đi theo hướng nào để phù hợp với thực tiễn của địa phương thưa ông?
+ Do đặc thù của Trà Vinh vẫn còn khó khăn, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở ấp, khóm và xây dựng các quy định trong cộng đồng dân cư vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ. Trong thời gian tới, Sở VHTTDL sẽ đề xuất tỉnh xây dựng các cơ chế cũng như tranh thủ các nguồn lực nhằm xây dựng thiết chế văn hóa, môi trường văn hóa như mục tiêu mà Bộ VHTTDL đã đề ra.
Trà Vinh hiện có 3 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn là Dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Mỗi đồng bào dân tộc đều có nét văn hóa, bản sắc riêng. Do đó, khi xây dựng đời sống văn hóa, chúng tôi sẽ tập trung theo thế mạnh của từng cộng đồng dân cư.
Trong đó, chúng tôi đang hướng đến cộng đồng dân tộc Khmer để xây dựng đời sống văn hóa gắn với các yếu tố bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc biệt là xây dựng sản phẩm du lịch phát huy bản sắc văn hóa nội địa. Tỉnh đang hướng đến mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch trong tương lai.
- Năm 2022, Bộ VHTTDL xác định chủ đề năm công tác là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và tổ chức cán bộ", vậy tỉnh có kế hoạch như thế nào để hưởng ứng chủ đề này, thưa ông?
+ Ngay từ đầu năm 2022, chúng tôi đã tiếp thu tinh thần khi Bộ đưa ra chủ đề công tác của năm đó là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và tổ chức cán bộ".
Từ Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Sở đã chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh để Sở xây dựng chương trình hành động tích hợp với chương trình hành động của UBND tỉnh trong thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy.
Theo đó, Sở đã đề nghị tỉnh quan tâm bố trí nguồn ngân sách phù hợp để xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đối với các thiết chế đã được đầu tư thì cần bố trí ngân sách để tu bổ. Đồng thời, Sở cũng rà soát các ấp khóm, địa bàn dân cư còn thiếu thiết chế văn hóa để lên kế hoạch đầu tư xây dựng.
Đối với công tác tổ chức cán bộ, Sở sẽ tập trung rà soát các tiêu chí, tiêu chuẩn về công tác cán bộ của Trung ương, địa phương để tiếp tục đào tạo, quy hoạch và sử dụng đội ngũ làm công tác văn hóa, quản lý văn hóa. Trong đó, chú trọng đến các tiêu chí như tính tiền phong, cần cù, gương mẫu, tận tâm tận lực, thể hiện sự khát vọng vươn lên để ngành văn hóa đáp ứng với yêu cầu phát triển xã hội trong tình hình mới.
- Đối với công tác tổ chức cán bộ, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch cụ thể nào để xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa thực sự đáp ứng được với yêu cầu phát triển của thực tiễn, thưa ông?
+ Công tác cán bộ là việc làm thường xuyên và trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng với nhiệm vụ, công tác trong tình hình mới. Theo đó, Sở VHTTDL sẽ ban hành quy định, tiêu chuẩn cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác văn hóa và cán bộ ở từng vị trí công tác của các đơn vị trực thuộc đáp ứng với đề án về vị trí việc làm đã được thông qua. Trên tinh thần này sẽ rà soát, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đáp ứng tính chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, Sở sẽ quan tâm rà soát, bổ sung quy hoạch để khi cán bộ được bố trí sắp xếp vào vị trí công tác sẽ đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, tránh trường hợp chắp vá, bố trí không phù hợp dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Hiện nay, tỉnh đã phê duyệt đề án vị trí việc làm của Sở, chúng tôi sẽ quyết tâm hành động trong thời gian tới.
Đặc biệt, sau khi Bộ VHTTDL phát động chủ đề năm công tác 2022, chúng tôi sẽ phát động đến toàn ngành để chính mỗi cán bộ làm công tác văn hóa tự hoàn thiện mình, nâng cao tính trách nhiệm hơn để hoàn thành các nội dung chỉ đạo của Bộ. Qua đó để từng bước cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với ngành Văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.