Trà Vinh nhân rộng mô hình sản xuất lạc sử dụng phân hữu cơ khoáng vi sinh
Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình sản xuất lạc sử dụng phân hữu cơ khoáng vi sinh, tưới tiết kiệm nước.
Đây là mô hình được dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (AMD Trà Vinh) hỗ trợ tổ hợp tác sản xuất lạc Đồng Tâm, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, thực hiện thành công ở vụ Đông Xuân 2016-2017, cho hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nước tưới đáng kể, giúp những địa phương thường xuyên bị thiếu nước tưới trong mùa khô sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.
Tổ hợp tác sản xuất lạc Đồng Tâm được thành lập năm 2016, với 15 thành viên; trong đó, có 9 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Mô hình được thực hiện trên tổng diện tích 4 ha; hộ tham gia được hỗ trợ giống, phân bón và cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách làm hệ thống tưới phun tự động, cách ủ phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp. Tổng kinh phí thực hiện mô hình 457,3 triệu đồng; trong đó, AMD Trà Vinh hỗ trợ không hoàn lại 207, 6 triệu đồng, tổ hợp tác đối ứng số tiền còn lại.
Ông Trần Văn Bảnh, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất lạc Đồng Tâm cho biết, kết quả mô hình sản xuất theo phương pháp này cho hiệu quả kinh tế khá cao, năng suất bình quân đạt 8-9 tấn/ha, cao gấp 1,5-2 lần so với cách sản xuất truyền thống. Đặc biệt, mô hình tiết kiệm được nhiều chi phí về nhân công.
Hệ thống tưới phun tự động bao gồm 1 mô tơ nước, đường ống dẫn nước đến các vị trí cần tưới, vòi phun. Trước đây, với diện tích sản xuất 0,5 ha cần 2 người tưới nhưng hiện nay, với phương pháp này, chỉ cần 1 người có thể tưới diện tích 1 ha.
Sau hơn 3 tháng sản xuất, nông dân tham gia mô hình có lợi nhuận cao gấp đôi so với ngoài mô hình, với khoảng 50 triệu/ha. Tổng chi phí đầu tư khoảng 30-35 triệu đồng/ha, có thể sử dụng từ 5-7 năm. Bên cạnh việc giảm chi phí nhân công tưới, gia đình ông còn tiết kiệm được chi phí nhân công làm cỏ, bởi sử dụng hệ thống tưới phun tự động này hạn chế được cỏ dại mọc.
Ngoài ra, thành viên tổ hợp tác còn tận dụng phụ phẩm từ cây lạc để làm thức ăn nuôi bò, giảm bớt chi phí mua cỏ. Nhờ vậy, các hộ nghèo và cận nghèo trong tổ hợp tác có thêm thu nhập để cải thiện kinh tế gia đình; trong đó, 2 hộ đã thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông Trần Văn Nông, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, thành viên Tổ hợp tác sản xuất lạc Đồng Tâm cho biết, so với cách sản xuất truyền thống, trồng lạc tưới phun tự động rất nhẹ công chăm sóc. Ngoài 0,2 ha trồng lạc được dự án AMD Trà Vinh đầu tư hệ thống tưới phun, gia đình ông còn mở rộng diện tích đầu tư thêm 0,1 ha lạc trồng bằng phương pháp tưới này.
Từ thành công của mô hình, đến nay, xã Long Sơn đã có trên 70 hộ trồng lạc áp dụng hệ thống tưới phun tự động.
Ông Huỳnh Quãng Sơn, Phó trưởng phòng Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh cho biết, sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Trà Vinh, bởi toàn tỉnh có trên 180.000 ha đất nông nghiệp, chiếm hơn 78% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, thích ứng biến đổi khí hậu, cây lạc khá thích nghi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nhiều vùng đất Trà Vinh.
Ưu điểm của hệ thống tưới phun tự động là giữ độ tơi xốp của đất trong suốt vụ canh tác, tiết kiệm lượng nước tưới, điện, nhân công lao động, từ đó giảm đáng kể chi phí sản xuất. Đồng thời, hạn chế được tình trạng sâu bệnh, cỏ dại; cây lạc sinh trưởng rất tốt, cho hạt lạc thương phẩm to, ruột chắc, chất lượng hơn so với cách sản xuất ngoài mô hình nên được thương lái ưa chuộng.
Đối với nguồn phân hữu cơ khoáng vi sinh, theo ông Huỳnh Quãng Sơn, nông hộ có thể tận dụng các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón tốt cho cây trồng; giúp tăng độ phì nhiêu và tăng độ tơi xốp của đất, giữ độ ẩm, hạn chế rửa trôi đất. Nhờ giảm lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên rất an toàn, hạn chế các chất độc hại tồn dư trong cây trồng. Cây lạc tăng năng suất, chất lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trà Vinh có diện tích đất giồng cát lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 17.000 ha. Do thường xuyên thiếu nước tưới vào mùa khô nên cây lúa cho năng suất và chất lượng rất kém.
Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả kinh tế sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, lạc là một trong những cây trồng chủ lực được tỉnh Trà Vinh chọn để nâng cấp chuỗi giá trị, giúp nông dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này đạt hiệu quả.
Ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tuy có nhiều lợi thế để phát triển nhưng ngành hàng lạc thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn giống chất lượng.
Hiện nguồn giống do người dân sản xuất tại chỗ chỉ mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu, 80% giống lạc còn lại phải nhập từ tỉnh khác. Cùng đó, thiếu doanh nghiệp đầu tư chế biến lạc nên thị trường tiêu thụ khó khăn...
Mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh đã quyết định dành hơn 12 tỷ đồng thực hiện các hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị lạc , giai đoạn 2018-2020, nhằm giúp nâng cấp chuỗi giá trị cây lạc, để giảm giá thành, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị sản xuất.
Trà Vinh hiện có 4.420 ha trồng lạc; trong đó, huyện Cầu Ngang có diện tích trồng nhiều nhất với gần 3.400 ha. Tỉnh phấn đấu mở rộng diện tích gieo trồng đến năm 2020 khoảng 8.450 ha, sản lượng đạt trên 45.000 tấn, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lạc giống 500 ha bố trí sản xuất 2 vụ/năm với sản lượng đạt khoảng 3.500 tấn lạc giống./.