Trà Vinh: Nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng, phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT

Kết quả thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Trà Vinh năm 2024 đạt 99,88%, cao hơn 0,85% so với kỳ thi năm 2023, bên cạnh, phổ điểm được nâng dần, nhất là đối với môn Ngữ văn. Qua đó, khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là ngành giáo dục và đào tạo, giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Đại biểu dự hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, năm học 2023 - 2024 được Sở GD-ĐT tổ chức vào tháng 02/2024.

Đại biểu dự hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, năm học 2023 - 2024 được Sở GD-ĐT tổ chức vào tháng 02/2024.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Vân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), sau tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 11/10/2023 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh”. Đồng thời, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40, quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục.

Riêng đối với việc ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, do phổ điểm thi các năm chưa được cải thiện nhiều nên ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm nâng cao phổ điểm, giao các phòng chuyên môn, nhất là Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) chỉ đạo trực tiếp các trường xây dựng kế hoạch dạy và ôn tập theo hướng phân hóa nhằm nắm chắc, theo dõi sâu sát từng đối tượng học sinh. Bên cạnh, thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, từng giáo viên cam kết chất lượng bộ môn với hiệu trưởng, hiệu trưởng cam kết với lãnh đạo Sở GD-ĐT quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Đồng thời, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã giao các phòng chuyên môn chỉ đạo trực tiếp các trường xây dựng kế hoạch dạy và ôn tập theo hướng phân hóa từng đối tượng, có hình thức ôn tập, động viên phù hợp với từng học sinh. Ngoài giờ học chính khóa, các trường tăng cường dạy phụ đạo học sinh yếu, kém, cho học sinh thực hành làm bài với các đề thi thử, chấm, sửa bài, rút kinh nghiệm và yêu cầu học sinh làm lại để nắm vững vấn đề. Tăng cường dạy làm văn theo phương pháp phân tích mẫu, không dạy văn mẫu, giúp học sinh hiểu, rút kinh nghiệm về cách dùng từ ngữ, diễn đạt, hiểu hình thức nghị luận, vấn đề nghị luận, triển khai vấn đề nghị luận và sáng tạo khi làm văn. Bên cạnh, thực hiện kiểm tra, rút kinh nghiệm và tư vấn cho hoạt động chuyên môn các trường, từng bước vực dậy chất lượng giáo dục của tỉnh nói chung và bộ môn Ngữ văn nói riêng.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Hòa Lợi (huyện Châu Thành) xem danh sách trước khi thi.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Hòa Lợi (huyện Châu Thành) xem danh sách trước khi thi.

Song song đó, các phòng chuyên môn phối hợp, kết hợp, tham mưu, theo sát kiểm tra hoạt động dạy và học, kiểm tra, đánh giá tại các trường, việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi được thực hiện đúng kế hoạch, có hệ thống và thực tiễn, tổ chức các buổi trao đổi thi đua cụm trong ôn tập thi tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt, tổ chức hội thảo khoa học môn Ngữ văn cấp tỉnh với chủ đề: “Xây dựng ngân hàng ngữ liệu và thiết kế đề kiểm tra, đánh giá định kỳ trong môn Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực học sinh”. Đồng thời, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, sinh hoạt chuyên môn chéo giữa các điểm trường có sự hướng dẫn của Hội đồng bộ môn Ngữ văn cấp tỉnh. Tổ chức hội thảo ôn tập thi tốt nghiệp THPT, qua đó, các trường thảo luận, tham luận hoạt động ôn tập cụ thể từng môn thi và cùng nhau chia sẻ, rút kinh nghiệm những cách làm hiệu quả trong công tác ôn tập.

Ngoài ra, tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, ngoài cán bộ, giáo viên, có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, từ đó, đề xuất những giải pháp khả thi, huy động sự tham gia của gia đình và xã hội với việc nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh…

Đặc biệt, học sinh chủ động học, ôn tập kỹ các nội dung kiến thức, kỹ năng trong chương trình ôn tập, nhất là môn Ngữ văn, không bỏ sót kiến thức, cố gắng trau rèn từng kỹ năng nhỏ. Quá trình này được thực hiện thường xuyên, liên tục nên học sinh đã quen với cấu trúc đề và cách làm bài thi. Tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Vân khẳng định: chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng dạy học môn Ngữ văn nói riêng được đánh giá qua kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kết hợp cả quá trình ôn tập, giảng dạy trong năm của tập thể cán bộ, giáo viên trong tỉnh và sự nỗ lực vươn lên của từng cá nhân học sinh. Hơn nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2006 nên ngành GD-ĐT Trà Vinh rất nỗ lực thực hiện mục tiêu nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp và phổ điểm thi, tạo tiền đề để học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi năm 2025 nỗ lực đạt kết quả cao.

Bài, ảnh: NGỌC XOÀN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/tra-vinh-nhieu-no-luc-cai-thien-chat-luong-pho-diem-ky-thi-tot-nghiep-thpt-38710.html