Trà Vinh phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Trong những ngày tháng 4 này, tỉnh ta tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Trà Vinh, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Nhân dân Trà Vinh tự hào đã giải phóng tỉnh nhà cùng lúc với giải phóng Sài Gòn vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống xâm lược, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
50 năm đã trôi qua, nhưng thời điểm lịch sử quân và dân ta Trà Vinh chiếm Dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình luôn khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Trà Vinh với niềm tự hào thiêng liêng. Có thể khẳng định rằng, nguyên nhân chủ yếu làm nên thắng lợi ngày 30/4/1975 do sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng đã đề ra đường lối đúng đắn để lãnh đạo quân và dân ta anh dũng chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước đúng đắn của Đảng đã được Đảng bộ tỉnh Trà Vinh, trực tiếp là Tỉnh ủy vận dụng, triển khai và tổ chức thực hiện sát hợp với tình hình của địa phương trong từng giai đoạn cách mạng, từng thời điểm lịch sử. Qua đó, đã phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy ý chí, bản lĩnh, hào khí của con người Trà Vinh; xây dựng, củng cố, phát triển khối đoàn kết thống nhất của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh thành sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi từng phần đi đến giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Trà Vinh là một địa bàn tranh chấp gay gắt, ác liệt, Mỹ - ngụy đã dùng mọi phương tiện chiến tranh hiện đại cả bom napan, chất độc hóa học, pháo đài bay B52 để hủy hoại con người và sự sống; chúng dùng mọi thủ đoạn thâm độc như: xây dựng ấp chiến lược, khu trù mật, đóng đồn, chiếm đất, gom dân, đôn quân, bắt lính, tù đày, tra tấn, bắn giết những người yêu nước. Đặc biệt, chúng tìm mọi cách để gây mâu thuẫn, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, chia rẽ giữa quần chúng nhân dân với cách mạng... nhằm đè bẹp ý chí đấu tranh của Nhân dân ta.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, tin tưởng và đi theo Đảng làm cách mạng. Bằng công tác tuyên truyền, vận động, ta đã tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong tỉnh bao gồm nông dân, công nhân, tiểu thương, tầng lớp trí thức, học sinh, đồng bào các dân tộc, tín đồ các tôn giáo,... vào cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước để giải phóng tỉnh nhà, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc đấu tranh đó đã phát triển rộng khắp, từ thấp đến cao, với nhiều hình thức phong phú và sáng tạo. Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và binh vận, tạo nên sức mạnh tổng hợp, lập nên nhiều chiến công vang dội.
Trên mặt trận chính trị, có những cuộc đấu tranh, ta đã huy động hàng chục ngàn người tham gia như: Cuộc đấu tranh ngày 14/9/1960, hơn 6.000 người có cả sư sãi và đồng bào Khmer, Hoa ở khắp các huyện kéo về thị xã Trà Vinh, giương cao khẩu hiệu đòi bãi bỏ Luật 10/59; không được bắt bớ, khủng bố người yêu nước, đòi dân sinh, dân chủ, đòi thả Acha Luisarat; cuộc đấu tranh chống địch chiếm đóng chùa Ô Mịch (xã Châu Điền, huyện Cầu Kè) vào tháng 9/1961 huy động hàng ngàn người tham gia, rong đó có nhiều vị sư; cuộc đấu tranh tố cáo tội ác địch ném bom chùa Mé Láng phá hủy 31 tượng Phật, 04 nhà dân xung quanh chùa bị sập, làm chết 16 người, bị thương 20 người, trong đó có 09 vị sư, 06 em bé vào năm 1964; cuộc đấu tranh chống bắt lính vào tháng 02/1975 ở chùa Sóc Chà (xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú), sau đó lan rộng ra 47 chùa (trong đó có 30 chùa của huyện Trà Cú, 17 chùa của huyện Cầu Ngang),....
Trên mặt trận binh vận, tỉnh đã huy động một lực lượng hùng hậu các mẹ, các chị, những vị sư, người có uy tín, gia đình binh sĩ và các binh sĩ trong các đơn vị ngụy quân.... tham gia công tác binh vận. Công tác binh vận dã mưu trí, dũng cảm đánh địch từ bên trong, kết hợp các lực lượng bức rút nhiều đồn địch, làm tan rã ngụy quân - ngụy quyền. Điển hình trong công tác binh vận như sự kiện: Ngày 15/9/1963, ta chủ trương cho nội tuyến của ta là Trung úy Thạch Phan Suôl chỉ huy Đại đội bảo an của địch ở Đập Bà Thể phản chiến, đưa toàn bộ đại đội và vũ khí về với cách mạng; trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, má Năm Xây ở Châu Thành cùng lực lượng chính trị đã đã tuyên truyền, vận động 05 đồn địch buông súng đầu hàng; đêm 12 rạng sáng ngày 13/9/1969, bằng công tác binh vận, ta tổ chức cho Trung úy Huỳnh Chí thiện là cơ sở nội tuyến phục vụ bộ đội ta tiêu diệt căn cứ pháo binh ở Tầm Phương (huyện Châu Thành). Trong 21 năm chống Mỹ, công tác binh vận đã phục vụ 808 trận đánh lớn, nhỏ (trong đó có 224 trận nội ứng, 66 vụ ly khai, 34 trận binh biến, 25 trận phản chiến, 165 trận diệt ác khởi nghĩa..), diệt 4.074 tên địch, 298 đồn, 105 đơn vị, 112 sĩ quan, phá 423 rã ấp chiến lược, thu 6.528 súng, 889.608 đạn và lựu đạn, có 646. 217 lượt quần chúng và 53.052 lượt gia đình binh sĩ tham gia, 348 lượt binh sĩ, sĩ quan hưởng ứng.
Trên mặt trận quân sự, ngay trong giai đoạn đấu tranh chính trị, để đối phó với những hành vi tàn bạo của kẻ thù trong các chiến dịch “tố cộng", “diệt cộng”, ở một số địa phương trong tỉnh, các đội du kích mật được thành lập, đến ngày 14/5/1959, lực lượng vũ trang tỉnh được thành lập và ngày càng phát triển lớn mạnh, trong các đội du kích, và bộ đội địa phương tỉnh có mặt đầy đủ con em các đồng bào các dân tộc trong tỉnh, có đủ các tầng lớp, giai cấp, kể cả các vị sư đang tu trong các nhà chùa cũng sất ra tham gia, bộ đội; có đơn vị du kích toàn nữ như đội du kích nữ xã Lương Hòa (huyện Châu Thành); nhiều cán bộ lãnh đạo các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh là người dân tộc Khmer, là nữ đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường lập nên những chiến công lừng lẫy, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như: Lâm Sắt, Lâm Văn Vững, Nguyễn Thị Út, Kiên Thị Nhẫn, Tô Thị Huỳnh, Thạch Thị Thanh,... rất nhiều trận đánh giành chiến thắng, có sự đóng góp công sức, mồ hôi, xương máu của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc Khmer, Hoa,...
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã huy động trên 180.000 lực lượng quần chúng Kinh - Khmer - Hoa nổi dậy đấu tranh chính trị và tham gia phục vụ chiến đấu (trong đó có trên 25.000 người ở thị xã Trà Vinh và 3.000 sư sãi). Đặc biệt, trong buổi sáng ngày 30/4/1975, ta đã vận động được 05 vị sư, trong đó có sư Đa Ra trực tiếp vào Tòa hành chính ngụy kêu gọi tên Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sơn đầu hàng và đưa hắn ra chùa Phướng gặp cách mạng để viết lời kêu gọi lực lượng ngụy quân, ngụy quyền trong tỉnh đầu hàng.

Lực lượng quần chúng cùng lực lượng vũ trang tỉnh chiếm Dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình vào trưa ngày 30/4/1975 (ảnh tư liệu).
Từ khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giành thắng lợi, giải phóng Trà Vinh, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc đã trải qua 50 năm (1975 - 2025).
50 năm qua, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng một lần nữa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân Trà Vinh đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng của Bác: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, đưa Trà Vinh vượt qua những khó khăn, thách thức, vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tổng GRDP vào cuối năm 2024 đạt 96.622 tỷ đồng (tăng gấp 114 lần so năm 1992); GRDP bình quân đầu người năm 1992 khoảng 0,73 triệu đồng/người/năm, đến năm 2024 đạt 94,368 triệu đồng/người/năm; là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2024 (theo Quyết định số 567/QĐ-TTg, ngày 11/3/2025 Thủ tướng Chính phủ).
Phát huy những kết quả từ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và qua 50 năm xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Trong thời gian tới, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” và Chương trình hành động số 62-Ctr/TU, ngày 22/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với các giải pháp đồng bộ, phù hợp, nhằm tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến xây dựng tỉnh Trà Vinh phát triển nhanh, bền vững; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bia chiến thắng. Ảnh: BÁ THI
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc với tuyên truyền, giáo dục, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng và địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo sự đồng thuận về nhận thức và hành động, phát huy trách nhiệm, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các cấp, ngành và Nhân dân thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, giải pháp xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Đồng thời, luôn nâng cao cảnh giác, chủ động phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chia rẽ Nhân dân với Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy vai trò của chính quyền các cấp trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cấp ủy, tổ chức Đảng chú trọng, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo hướng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ theo các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân.
Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Tập trung thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và Nghị quyết năm 2025 của Tỉnh ủy. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung vào 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 nhiệm vụ đột phá; phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, xây dựng tỉnh Trà Vinh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 1142/QĐ-TTg, ngày 02/10/2023 Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Phát triển các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo vệ tài nguyên môi trường, quy hoạch, đất đai; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phòng, ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, tạo môi trường thuận lợi, nền tảng vững chắc để Nhân dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh làm giàu cho mình và cho xã hội.
Bốn là, củng cố tổ chức bộ máy, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tập trung triển khai việc thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo Đề án của Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và của sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bảo đảm sâu sát cơ sở, địa bàn, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và đoàn viên, hội viên.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, làm tốt vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động, đoàn kết Nhân dân; đa dạng hóa hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng với chính quyền các cấp trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Chú trọng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Qua đó, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh ngày càng vững mạnh.
Năm là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân.
Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15 của Quốc hội); cụ thể hóa phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” bằng các hình thức phù hợp; tạo môi trường thuận lợi để người dân tham gia xây dựng, giám sát hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt. Tăng cường đối thoại với Nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch. Phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao ý thức trách nhiệm của công dân; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dân chủ để chống phá Đảng, Nhà nước, chia ré khối đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.