Trà Vinh với đạo lý 'uống nước nhớ nguồn'

Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là vùng căn cứ kháng chiến. Trong 02 cuộc kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Trà Vinh đã cùng với cả nước không tiếc máu xương, chiến đấu anh dũng để góp phần giành độc lập, thống nhất nước nhà với những tấm gương người có công tiêu biểu mãi mãi được ghi danh như: Nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Út Tịch), Kiên Thị Nhẫn, Hồ Thị Nhâm, Phạm Thái Bường…

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy thăm hỏi sức khỏe Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thiệt và gia đình ở Khóm 3, thị trấn Trà Cú. Ảnh: NX

Đồng chí Trịnh Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: trãi qua 02 cuộc kháng chiến, toàn tỉnh có 65.713 người có công với cách mạng (chiếm 6,39%/tổng số dân) được ghi nhận, tôn vinh, hưởng trợ cấp ưu đãi của Đảng, Nhà nước và sự chăm lo của các cấp, các ngành và nhân dân. Trong đó, có 19.624 liệt sĩ; 9.811 thương bệnh, bệnh binh; 3.380 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống 64 Mẹ); 8.814 người có công giúp đỡ cách mạng; 3.348 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 1.803 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; 3.968 thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng; 42 thanh niên xung phong; 12.537 người hoạt động kháng chiến đã hưởng trợ cấp một lần và một số đối tượng khác…

Đồng chí Trịnh Minh Hùng cho biết thêm: hiện toàn tỉnh có 10.687 người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong đó, còn sống 64 Mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến: 02 người; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh 4.784 người; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng 3.292 người; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ 1.101 người; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày 883 người; người có công giúp đỡ cách mạng 195 người; người hưởng tuất từ trần 366 người….

Từ năm 2010, mức sống của gia đình chính sách đã ngang với mức sống của người dân nơi cư trú; và, hiện nay đã cao hơn… Đó là kết quả từ việc tập trung thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Những năm qua, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh luôn xác định công tác chăm sóc đối tượng chính sách là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người có công và thân nhân người có công. Đến nay, tỉnh Trà Vinh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo là người có công với cách mạng.

Theo đồng chí Trịnh Minh Hùng, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Sở Nội vụ) phối hợp với các ngành đã làm tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản thực hiện về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Trong đó, Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công; UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; qua đó, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 10.090 căn (xây mới 7.206 căn; sửa chữa 2.884 căn) người có công với cách mạng và Quyết định số 2100/QĐ-UBND, ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cho 1.943 hộ (xây mới 843 hộ và sửa chữa 1.100 hộ) khó khăn về nhà ở, kinh phí thực hiện 69,65 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh đã giải quyết cơ bản về vấn đề nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bằng nguồn kinh phí vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, cùng với nguồn ngân sách trung ương, của tỉnh đã xây dựng mới và bàn giao 27.035 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách và sửa chữa 6.784 căn.

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 59/QĐ-UBND, ngày 14/01/2025 phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, với 1.211 hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ nhà ở. Trong đó, xây mới 218 căn, sửa chữa 993 căn, tổng nguồn vốn thực hiện 43,084 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 42,870 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 0,5%/tổng kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ để làm chi phí quản lý thực hiện chính sách theo quy định trên 214 triệu đồng). Tỉnh đang chờ Bộ Tài chính cấp kinh phí sẽ tiếp tục triển khai thực hiện.

Ngoài ra, các đối tượng là con thương binh, con liệt sĩ đều được quan tâm ưu đãi trong giáo dục, đào tạo; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức nhiều đợt điều dưỡng cho các đoàn người có công với cách mạng điều dưỡng tập trung tại Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), tỉnh Ninh Thuận, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), thành phố Đà Nẵng và Hà Tiên - Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Từ năm 2022 đến nay đã đưa 09 đợt với 373 người có công cách mạng và thân nhân liệt sĩ đi điều dưỡng tập trung; đồng thời, quyết định điều dưỡng tại gia đình năm 2024 cho 3.406 người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Điển hình như năm 2024, được sự chấp thuận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc tổ chức đưa đối tượng chính sách đi tham quan Thủ đô Hà Nội và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 15-19/9. Đoàn có 66 người (có 39 thương binh từ 80% trở xuống, 01 bệnh binh có tỉ lệ bệnh tật trên 61%, 06 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 06 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 08 người là thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng).

Tại huyện Cầu Ngang, đồng chí Sơn Ngọc Tha La, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết: xã Thuận Hòa là vùng căn cứ kháng chiến; toàn xã có 2.234 hộ, thì có gần 300 gia đình thuộc diện chính sách; có 09 Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện Mẹ Nguyễn Thị Em, ấp Rạch còn sống. Thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đảng ủy, UBND và các đoàn thể của xã thường xuyên thăm hỏi sức khỏe, tặng quà cho Mẹ.

TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/tra-vinh-voi-dao-ly-uong-nuoc-nho-nguon-45675.html