Trách nhiệm của Chính phủ trong việc liên tục sửa đổi luật

Trước thực trạng các dự án luật liên tục được bổ sung đưa vào chương trình sát ngày diễn ra kỳ họp Quốc hội, tình trạng luật vừa mới thi hành đã đề xuất sửa đổi, nhiều chủ thể thi hành luật đòi hỏi việc áp dụng cơ chế riêng… đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của thực trạng trên.

Là các thành viên của Ủy ban Pháp luật, chịu trách nhiệm thẩm tra việc điều chỉnh, bổ sung các dự án luật, dự thảo nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, các đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm rõ nguyên nhân và giải pháp của thực trạng Chính phủ thường xuyên bổ sung đột xuất, sát giờ, gấp gáp.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp thừa nhận thực trạng này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đề xuất trình bổ sung 17 dự án mới vào định hướng Chương trình, nhưng vẫn chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh.

Chia sẻ với những khó khăn mà Phó thủ tướng chỉ ra, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Phương Thủy bày tỏ lo ngại về chất lượng xây dựng pháp luật khi mà số lượng luật đang phải xử lý quá lớn. Đơn cử như Kỳ họp thứ 8 có tới 25 dự án luật sẽ được cho ý kiến và thông qua, chưa tính các dự án luật mà Chính phủ sẽ trình bổ sung. Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Chính phủ cần nhìn nhận rõ nguyên nhân chính là năng lực và tính chuyên nghiệp của bộ máy tham gia vào công tác xây dựng pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chia sẻ với các băn khoăn của đại biểu Quốc hội cũng như những khó khăn của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, hiện nay Ủy ban thường vụ Quốc hội đang chủ động phối hợp với Chính phủ để tổ chức diễn đàn đầu tiên về xây dựng pháp luật Dự kiến vào đầu năm 2025 nhằm tháo gỡ những vướng mắc như đại biểu nêu.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/trach-nhiem-cua-chinh-phu-trong-viec-lien-tuc-sua-doi-luat-233311.htm