Trách nhiệm của nghệ sĩ tham gia quảng cáo

Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo các Bộ và một số cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, sản phẩm quảng cáo; kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Yêu cầu trên xuất phát từ tình trạng một số nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, gây bức xúc trong dư luận. Không ít các nghệ sĩ đã xuất hiện dày đặc trên Facebook, YouTube, Twitter, Instagram để quảng cáo các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng mà không bị bất kỳ sự kiểm duyệt nào và các sản phẩm đó cũng không được kiểm chứng về chất lượng của các cơ quan chức năng.

Còn nhớ, hàng loạt nghệ sĩ như Đức Thịnh, Ưng Hoàng Phúc, Ngân Quỳnh, Mỹ Uyên, Hoàng Sơn, Hoàng Mập... đã khiến dư luận xôn xao khi xuất hiện trong clip quảng cáo liệu trình “siêu giảm béo”. Tuy nhiên, cơ sở phòng khám tại TP.Hồ Chí Minh được gắn với quảng cáo liệu trình này đã bị xử phạt vi phạm hành chính và tước giấy phép hoạt động.

Nhiều nghệ sĩ được doanh nghiệp mời quảng cáo còn tương tác, livestream sử dụng sản phẩm để tăng độ tin cậy, như MC Cát Tường trong một bài đăng quảng cáo sữa, tự tin kể ra một loạt các công dụng có thể khiến người dùng lập tức hết bệnh xương khớp chỉ sau thời gian ngắn... Điều đáng nói, họ đã “thổi phồng” quá lố công dụng sản phẩm, nhất là các loại thực phẩm chức năng.

Nhiều người tiêu dùng cho biết họ lựa chọn sản phẩm vì tin tưởng những người nổi tiếng cũng sử dụng và có hiệu quả. Tuy nhiên, sản phẩm không công hiệu, “thần kỳ” như nghệ sĩ quảng cáo. Thậm chí, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ sản xuất, không có hóa đơn bán hàng. Các nạn nhân “tiền mất, tật mang” không biết kêu cứu ai khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo các chuyên gia, việc nghệ sĩ dùng tên tuổi, sức hút truyền thông để quảng cáo cho sản phẩm là điều không sai nhưng việc quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép, không đúng nội dung được cho phép, “thổi phồng” chất lượng sản phẩm, tiếp tay cho sản phẩm không rõ nguồn gốc..., gây thiệt hại cho người tiêu dùng rất cần lên án và xử lý nghiêm.

Theo qui định hiện hành, việc quảng cáo sai sự thật bị phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng. Hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Bộ luật Hình sự 2015 theo Điều 197 tội Quảng cáo gian dối và Điều 198 tội Lừa đảo khách hàng. Thế nên, dư luận bức xúc khi nhiều nghệ sĩ quảng cáo cho sản phẩm bất hợp pháp, quảng cáo không đúng sự thật chưa bị xử lý trước pháp luật, thậm chí một số người còn không lên tiếng xin lỗi công chúng vì phát ngôn, tiếp tay cho sản phẩmkém chất lượng.

Rõ ràng, chấn chỉnh hành vi tùy tiện của nghệ sĩ trong việc chuyển tải sản phẩm quảng cáo đến công chúng, người tiêu dùng không chỉ là việc cấp bách, mà cần xem xét, bổ sung các quy định pháp luật để ràng buộc nghệ sĩ phải có trách nhiệm hơn với quảng cáo, phát ngôn của mình.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) xây dựng quy trình xử lý các hành vi vi phạm của nghệ sĩ nếu vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử. Hình ảnh của nghệ sĩ quảng cáo sai phạm sẽ bị hạn chế trên báo, đài và các nền tảng truyền thông đại chúng.

Bộ VH,TT&DL cũng đã có tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo theo hướng quy định cụ thể hơn trách nhiệm và hoạt động quảng cáo của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng; tăng chế tài xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, gốc gác của vấn đề này vẫn là đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân của nghệ sĩ trước công chúng khi tham gia quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Nghệ sĩ cần đảm bảo rằng công việc của họ phải tuân thủ đúng những nguyên tắc đạo đức và công bằng, không vi phạm pháp luật.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trach-nhiem-cua-nghe-si-tham-gia-quang-cao-post466582.html