Trách nhiệm không của riêng ai

Những năm gần đây, sự phát triển các khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang là điều kiện thuận lợi cho các loại hình dịch vụ, kinh doanh ăn uống, nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể,... ra đời. Song song đó là hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán ăn cũng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, do công tác quản lý còn kẽ hở, cùng với đó là nhiều người vì chạy theo lợi nhuận nên đã không tuân thủ các điều kiện về ATTP.

Bộ Y tế đã thường xuyên có văn bản nhắc các tỉnh, thành phố phải xử lý nghiêm, hoặc đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở không bảo đảm ATTP, đồng thời truy xuất tận cùng nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm... Mặc dù vậy, tình trạng vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc đã xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.138 người mắc và 6 trường hợp tử vong. So cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm tuy giảm 4 vụ (10%) nhưng số người mắc lại tăng 1.432 (hơn 200%). Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do việc chế biến, bảo quản thực phẩm không đáp ứng điều kiện về ATTP, dẫn đến vi sinh vật độc hại phát sinh và độc tố tự nhiên không bị loại bỏ trước khi chế biến.

Trước thực trạng nêu trên, ngày 11-10-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg về việc tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên toàn quốc. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP, nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, bất cập; đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác này tại các địa phương, nhất là những địa bàn trọng điểm, đô thị lớn, khu du lịch... nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch..., nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Tuy nhiên, để chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả cao nhất, bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng, trước hết mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức và mọi người dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm phải tuân thủ nghiêm các điều kiện về ATTP. Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp giám sát nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP, lưu ý tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra đột xuất, nhất là tại khu vực có nguy cơ cao, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Đồng thời, công khai và thông tin rộng rãi về các cửa hàng, ki-ốt, điểm bán hàng đạt chuẩn, đảm bảo vệ sinh ATTP để các “thượng đế” biết, tránh mua phải thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh ATTP và điều quan trọng là tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, bảo vệ cái đúng, cái tốt, xử lý nghiêm cái xấu, cái sai, cố tình sai.

Hơn hết, bản thân các “thượng đế” phải tự ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình, thay đổi thói quen tiêu dùng thông qua việc chọn sản phẩm uy tín, đảm bảo vệ sinh của các cửa hàng, đại lý “4 rõ” (rõ phố, rõ tên, rõ địa chỉ, rõ nguồn gốc thực phẩm) và các cơ sở uy tín, thay vì đặt lý do thuận tiện, tiết kiệm thời gian lên hàng đầu, mà bỏ qua yếu tố vệ sinh ATTP. Như vậy, bảo đảm ATTP cho mọi người, mọi nhà và xã hội là trách nhiệm không của riêng ai.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/163975/trach-nhiem-khong-cua-rieng-ai