Định danh người bán hàng - giải pháp căn cơ chống hàng giả trên thương mại điện tử
Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, qua các vụ việc do lực lượng chức năng kiểm tra trong thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sản xuất trong nước qua kênh thương mại điện tử tăng dần về quy mô, số vụ việc. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thiết lập bộ lọc gỡ bỏ sản phẩm vi phạm.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, vận chuyển trái phép hàng hóa tiếp tục diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Tuy nhiên, việc xử lý hành chính chưa được là bao mới chỉ là một lượng rất nhỏ so với lợi nhuận từ kinh doanh hàng giả đem lại cho các đối tượng. Do vậy, cần có quy định rõ ràng đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử, ràng buộc trách nhiệm giữa người bán hàng và người mua hàng.
Qua các vụ việc lực lượng quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra và phát hiện cho thấy, các sản phẩm hàng giả, hàng nhái kinh doanh trên thương mại điện tử thường có giá rẻ, nhưng qua các phiên bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội giá trị sẽ nhân lên nhiều lần. Khi bị phát hiện, các đối tượng sẽ xóa và đổi tài khoản liên tục. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thu thuế trên thương mại điện tử.
“Phải có sự định danh người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, mà điều đặc biệt định danh ở đây là chúng ta không phải chỉ định danh một cách đơn thuần và định danh điện tử mà chúng ta phải định danh về mặt địa lý thực tế sản xuất hàng hóa, định danh được số lượng hàng…”, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT đề xuất.
Hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên kênh thương mại điện tử thường được tổ chức rất chặt chẽ, bí mật như một vòng tròn khép kín từ địa chỉ cung ứng đến người tiêu dùng. Các đối tượng thường sử dụng trang thiết bị công nghệ hiện đại để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, việc định danh cá nhân người bán hàng là giải pháp căn cơ, cần thiết và nên thực hiện sớm.
“Có những nền tảng xã hội chưa bắt buộc phải định danh và cho đăng ký bằng các tài khoản gmail. Việc định danh trên cơ sở số điện thoại của cá nhân người sử dụng cũng rất cần thiết bởi vì hiện nay vẫn còn hiện tượng sử dụng tài khoản ảo và số điện thoại ảo thậm chí là tài khoản ngân hàng cũng ảo… chính vì thế, việc điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng là cũng có gặp nhiều khó khăn. Và việc này chúng tôi cũng đã có nhiều lần kiến nghị đối với các đơn vị chủ quản và quản lý đối với lĩnh vực này”, ông Đỗ Hồng Trung cho biết.
Ông Phan Minh Nhựt, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm là cần định danh người bán hàng trên thương mại điện tử để nhận diện các đối tượng vi phạm
“Về định danh người bán hàng, Việt Nam có lợi thế là đã bắt đầu có định danh cá nhân và việc tích hợp vào VNID sẽ giúp cho cơ quan nhà nước quản lý được toàn bộ thông tin đó. Ví dụ như một người khi có định danh, họ mở một tài khoản, một sàn thương mại điện tử và nếu như họ có hành vi buôn bán hàng giả trên mạng thì khi đó họ bị xử phạt, định danh của họ sẽ bị khóa và đồng thời các sàn khác họ cũng khóa định danh đó, điều đó có nghĩa là họ không thể nào trốn được hành vi vi phạm, đó là cái cơ bản nhất”, ông Phan Minh Nhựt cho biết thêm.
Hiện một số quốc gia đã áp dụng việc định danh người bán qua thương mại điện tử khá thành công. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia với thực tế thương mại điện tử phát triển như hiện nay thì cần có sự phối hợp giữa chủ thể quyền, các cơ quan thực thi, các sàn thương mại điện tử, để đánh giá quy mô, nguồn hàng, kho hàng, địa điểm sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ để tập trung xử lý, ngăn chặn. Do đó, để thực hiện quản lý được cần có sự phối hợp của các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và cả người dân.
“Hiện nay, đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử, chúng ta đã có các Nghị định của Chính phủ, đặc biệt là Nghị định 52 của Chính phủ quy định về trách nhiệm của người bán và người mua khi giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là các sàn thương mại điện tử muốn thu hút được người bán và người mua trên sàn nên cơ chế kiểm soát cũng đang bị bỏ lỏng và đặc biệt là việc cho các đơn vị bán hàng trong đó mở các sàn một cách tương đối dễ dàng, đây là lỗ hổng để các đối tượng xấu lợi dụng các sàn thương mại điện tử để bán hàng giả, hàng không đảm bảo”, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SB Law nêu thực tế.
Về giải pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ căn cơ lâu dài, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xem xét bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi, lưu chứa, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng để đảm bảo việc điều tra, kiểm tra xử lý được kịp thời. Đồng thời, có nhiều hình thức tuyên truyền về cách thức nhận biết hàng giả, hàng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích nhân dân tố cáo, tố giác tội phạm, đồng hành với cơ quan quản lý trong công tác chống hàng giả.