Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu
Hiện nay, trong Đảng ta đang có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cách đây 17 năm, tức là vào năm 1999, tại Hội nghị T.Ư 6 (lần hai) khóa VIII, Trung ương Đảng từng nhận định như vậy. Đến Đại hội XII, Đảng ta nhìn lại thì vẫn thấy rằng: 'Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi'.
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Nhận diện sự suy thoái
Hội nghị T.Ư 4 khóa XII đã ra Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cùng với việc khẳng định bản chất truyền thống tốt đẹp của Đảng, Nghị quyết chỉ ra: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu”… “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.
Tình trạng nêu trên là những khuyết điểm kéo dài, đáng báo động, đang làm nặng trĩu tâm tư của những đảng viên chân chính. Nếu cho rằng, "nguy cơ" là những điều có thể sẽ đến ở thời tương lai thì những khuyết điểm này không còn là nguy cơ nữa, mà chúng đã trở thành thực tế ở thời hiện tại, chúng hiển hiện trong sự tồn tại và phát triển của Đảng rồi. Chỉ có điều, thực tế này thật sự đang báo trước cho Đảng thấy rõ một điều là: Nếu không đẩy lùi và khắc phục được thì những khuyết điểm đó sẽ góp phần tạo ra “nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” như nhận định trong Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4, khóa XII.
Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống từ một số, thậm chí từ nhiều người dân thường là điều đáng lo lắng, cần có những giải pháp khắc phục. Sự suy thoái đó từ những đảng viên không giữ chức vụ gì trong bộ máy của hệ thống chính trị, hay gọi là đảng viên thường, cũng đáng lo ngại, nhưng nếu sự suy thoái đó lại "rơi vào" nhiều người đứng đầu thì đó là điều rất nguy hiểm.
Thật ra, ba vấn đề "tư tưởng chính trị", "đạo đức", "lối sống" có quan hệ chặt chẽ với nhau, khó có thể tách rời. Chúng là "ba trong một", nghĩa là trong cái này có cái kia, và ngược lại. Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII đã chỉ ra rất rõ những biểu hiện để nhận biết những điều đó. Chúng ta thử hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu người đứng đầu thiếu niềm tin vào cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng; phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, muốn đất nước đi theo con đường khác con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không phê phán? Điều đó chỉ làm cho tốc độ lao dốc suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên càng tăng thêm mà thôi.
Đạo đức cách mạng cũng như lối sống lành mạnh đã quy định bản chất, tư cách, nhân cách của cán bộ, đảng viên, trong đó đặc biệt quan trọng là người đứng đầu. Người đứng đầu mà tham nhũng, lãng phí, quan liêu; không trung với nước, với Đảng, không hiếu với dân; không thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sống cơ hội, bè phái; vụ lợi, hám danh; vô cảm trước cuộc sống của nhân dân; sống xa hoa, hưởng lạc, không gương mẫu cho mọi người noi theo, kể cả gương mẫu cho những người trong gia đình mình, thì lại càng cực kỳ nguy hiểm cho Đảng, cho chế độ.
Sẽ là tai họa nếu người đứng đầu làm ăn bất chính, vi phạm điều lệ Đảng, bản thân vi phạm pháp luật và dung túng cho người trong gia đình vi phạm pháp luật; không lấy lợi ích Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa làm đích cao nhất, mà là lấy lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm làm chuẩn. Điều này thể hiện rõ trong quan điểm và hành động bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong đầu tư kinh tế, trong ký kết hợp tác và ký duyệt các đề án, phương án, hợp đồng kinh tế. Nếu không coi đạo đức là gốc của một con người cách mạng, không tu dưỡng rèn luyện để có lối sống lành mạnh thì người đứng đầu tuy mang danh là cộng sản, nhưng sẽ tạo ra gương xấu gây tác hại vô cùng cho người chung quanh.
Nhiệm vụ then chốt của then chốt
Làm thế nào để đề phòng và khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên? Cần có một tổ hợp các giải pháp như là một hệ thống trên - dưới, ngang - dọc. Nhưng, có một giải pháp hết sức quan trọng là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.
Bác Hồ cho rằng, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Xưa nay, làm gương cho người khác soi vào bao giờ cũng thuận chiều xuôi từ trên xuống dưới chứ không bao giờ ngược từ dưới lên trên. Nghĩa là, người nhiều tuổi làm gương cho người ít tuổi; người có chức vụ cao làm gương cho người chức vụ thấp hoặc người không có chức vụ; đảng viên làm gương cho nhân dân. Mà ở đây là phải là gương sáng chứ không phải gương mờ.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra cho toàn Đảng phương hướng, nhiệm vụ về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tiếp tục coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Các nghị quyết của Đảng đã chú trọng hơn trong việc gắn trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong tổ hợp “những người có chức, có quyền”. Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4, khóa XII cũng nằm trong luồng tư duy đó, nghĩa là nhấn mạnh, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải chỉ đạo, rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Trước mắt, rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hãy bắt đầu từ đội ngũ cán bộ. Trong đội ngũ cán bộ, hãy bắt đầu từ những người đứng đầu. Nói một cách hình tượng là: Hãy bắt đầu từ con số 1! Sẽ thất bại trong việc đề phòng và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nếu có sự hư hỏng từ đội ngũ này, chứ không phải chỉ từ đảng viên thường. Vì thế phải nghiêm khắc, quyết liệt từ phía tổ chức và từ chính sự tự giác, răn mình, từ sự tự nhận thức của người đứng đầu.
Người xưa đã có câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Đó là hệ quả trong ứng xử của xã hội. Đó là cặp nguyên nhân - kết quả trong quan hệ của người với người ở một tổ chức chính trị - xã hội. Người dân, và cả những người đảng viên thường, hiểu Đảng, tin yêu Đảng, sẵn sàng xả thân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc, ấm no của nhân dân, cho lý tưởng cộng sản, không phải chỉ từ sách vở, không chỉ từ lời nói mà cái chính nhất là nhìn qua tấm gương của người lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu.
Sức mạnh vô biên của người đứng đầu là sức mạnh của sự dẫn dắt, sức mạnh từ những hành vi vô ngôn. Người đứng đầu hiện diện ở trong Đảng và ngoài xã hội như là người phải có sứ mệnh luôn luôn mang một tấm gương trong và sáng, không một chút bụi mờ. Người đó như là ngọn hải đăng dẫn tàu biển, như người phát hiệu lệnh xung trận, như chiến sĩ tiên phong dẫn đường cho cả tổ chức Đảng. Biện pháp nêu gương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cần được coi là nhiệm vụ then chốt của then chốt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn hiện nay, là điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4, khóa XII.
Năm 2016 là năm toàn Đảng bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vạn sự khởi đầu nan! Kết quả của năm 2016 này sẽ tạo đà rất lớn cho những năm sau. Thành công của việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và sự kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu địa phương, đơn vị có sai phạm. Không như thế thì chúng ta không thể hy vọng rằng, đến kỳ đại hội sau của Đảng, nhận định “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” được đưa ra khỏi báo cáo chính trị của Đại hội.
Chúng ta có quyền hy vọng. Chúng ta có niềm tin vững chắc để hy vọng. Điều đó phụ thuộc vào hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là những cán bộ đứng đầu.