Trách nhiệm pháp lý của nghệ sĩ, KOLs khi quảng cáo không đúng về thực phẩm?

Thời gian qua không ít nghệ sĩ, KOLs tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng mà sau đó những sản phẩm này bị cơ quan điều tra xử phạt. Vậy trách nhiệm của nghệ sĩ, KOLs này ra sao?

Tin tưởng người nổi tiếng mà mua sản phẩm

Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với gần 600 chủng loại xảy ra tại Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group. Điều đáng nói một số nghệ sĩ, chuyên gia dinh dưỡng đã xuất hiện trong các video quảng cáo những sản phẩm sữa giả này. Trước đó, MC Vân Hugo, BTV Quang Minh, NSND Hồng Vân,… cũng quảng cáo sản phẩm cho một hãng sữa và hãng sữa này năm 2024 đã bị xử phạt nhưng đến nay những nghệ sĩ vẫn chưa xin lỗi người tiêu dùng.

BTV Quang Minh, MC Vân Hugo (Ảnh: Chụp màn hình).

BTV Quang Minh, MC Vân Hugo (Ảnh: Chụp màn hình).

Chị Đinh Thị Thu, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Tôi nghĩ người nổi tiếng người ta phải giữ hình ảnh bao năm họ xây dựng nên khi họ quảng cáo sản phẩm tôi rất tin tưởng. Nhiều sản phẩm mới, công ty cũng mới mình chưa biết chất lượng thế nào nhưng vì người nổi tiếng khuyên dùng nên mình cũng mua dùng. Tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm mà không kiểm tra, thẩm định kỹ cần bị xử phạt, như thế họ sẽ có trách nhiệm hơn khi quảng cáo, chứ không thể cứ nhận tiền quảng cáo rồi mặc kệ người tiêu dùng”.

Trước tình trạng này, ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử; Cục Văn hóa cơ sở về việc phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm cho biết đã nhận được phản ánh của báo chí phát hiện một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm, đặc biệt quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm có công dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng sản phẩm nên cần phối hợp trong quản lý.

Nhìn nhận về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối cho rằng, hiện nay, những người nổi tiếng không chỉ là người giải trí hay truyền cảm hứng, mà còn là người dẫn dắt hành vi tiêu dùng của hàng triệu người theo dõi. Việc một người nổi tiếng giới thiệu sản phẩm liên quan đến sức khỏe sẽ có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt với người cao tuổi, người bệnh hoặc những người tiêu dùng thiếu kiến thức y tế.

Những hành vi đó không chỉ vi phạm Luật Quảng cáo, mà còn đe dọa đến an toàn sức khỏe cộng đồng, khi người bệnh từ chối dùng thuốc để chuyển sang dùng thực phẩm chức năng, dẫn đến hậu quả y tế nghiêm trọng. Việc lợi dụng “uy tín xã hội” để quảng cáo sản phẩm sai lệch là hành vi phi đạo đức và nguy hiểm, gây hậu quả y tế tiềm ẩn trong bối cảnh việc quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến đang phát triển nhanh chóng nhưng chưa được kiểm soát đầy đủ. “Quyền lợi sức khỏe của người tiêu dùng cần được đặt lên hàng đầu. Và để làm được điều đó, không chỉ cần một hệ thống pháp luật nghiêm minh, mà còn cần đến trách nhiệm đạo đức và pháp lý rõ ràng của từng cá nhân, đặc biệt là người có ảnh hưởng xã hội”, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhận định.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối.

Cần thiết có chế tài xử phạt

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 chiều 6/4, Thứ trưởng Thường trực Bộ VH-TT&DL Lê Hải Bình cho biết, hiện nay Bộ VH-TT&DL đang sửa đổi Luật Quảng cáo, trong đó dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan tới người nổi tiếng, nghệ sĩ tham gia quảng cáo theo hướng quy định mỗi người tham gia quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nói chung và Luật Quảng cáo nói riêng liên quan tới sản phẩm mình quảng cáo. Đồng thời, người tham gia quảng cáo phải chịu trách nhiệm xác minh một cách minh bạch, cụ thể về sản phẩm mình đã quảng cáo.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhận định, dưới góc nhìn pháp lý và xã hội, việc sửa đổi Luật Quảng cáo, trong đó dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan tới người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm là cần thiết, đúng thời điểm và có cơ sở thực tiễn rõ ràng. Trong nhiều năm qua, không ít người nổi tiếng đã sử dụng sức ảnh hưởng của mình để quảng cáo cho những sản phẩm sai sự thật, kém chất lượng, đặc biệt là các loại thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe… Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng bị lừa dối và chịu hậu quả nghiêm trọng, trong khi người nổi tiếng thoái thác trách nhiệm bằng lý do "không biết", "chỉ quảng cáo thuê", hoặc "tin vào thông tin từ nhãn hàng". Điều này cho thấy rõ một khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy: Trách nhiệm pháp lý cá nhân của người nổi tiếng trong vai trò người quảng cáo sản phẩm.

Việc sửa đổi Luật Quảng cáo theo hướng yêu cầu nghệ sĩ, KOLs xác minh nguồn gốc, chất lượng, hiệu quả sản phẩm và chịu trách nhiệm pháp lý nếu quảng cáo sai lệch là một cách tiếp cận phù hợp và giải quyết được tình trạng vi phạm như hiện nay. Ngoài ra, các quy định pháp luật mới cũng cần được sửa đổi theo hướng tăng chế tài liên quan đến mức xử phạt hoặc cấm quảng cáo, thậm chí có biện pháp hạn chế hoạt động nghệ thuật và hạn chế xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội.

Thanh Vân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/trach-nhiem-phap-ly-cua-nghe-si-kols-khi-quang-cao-khong-dung-ve-thuc-pham-post1192652.vov