Trách nhiệm, tập trung chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn, tập trung ưu tiên cho các công trình, dự án trọng điểm điểm có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo sức hút thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là phấn đấu đến năm 2025, kinh tế của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra, rà soát các điểm dự kiến quy hoạch bổ sung khu công nghiệp của tỉnh tại huyện Yên Thủy.
Theo đó, tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn, để tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó chú trọng tới các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết địa phương để tạo sự đột phá, thu hút đầu tư xã hội… Đồng thời tập trung hỗ trợ các dự án chiến lược thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.
BTV Tỉnh ủy đã phân công nhiệm vụ cho các đồng chí ủy viên phụ trách các ngành, lĩnh vực, địa phương để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đó là khâu đột phá về quy hoạch, phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, các ngành, địa phương hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai để triển khai các dự án trọng điểm có tính chất liên kết vùng, tạo đột phá như: Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, đường từ thị trấn Xuân Mai đi thị trấn Lương Sơn; đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La); dự án kết nối hạ tầng giao thông, thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia;... các dự án đô thị, du lịch sinh thái ngoài ngân sách ở các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy…
Cuối tháng 10/2022, BTV Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện 11 dự án trọng điểm trong và ngoài ngân sách. BCĐ do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban; đồng chí Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Phó trưởng ban; đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ... Nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ là chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh theo quy định; nghiên cứu biện pháp chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư, chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện những nhiệm vụ được giao, thực hiện dự án đảm bảo tiến độ được phê duyệt.
Sở KH&ĐT là cơ quan thường trực BCĐ. Thành viên BCĐ là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương liên quan; hằng tháng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch phân công. Qua gần 1 tháng, các ngành, địa phương đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân, bồi thường thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ nhà đầu tư, các Ban quản lý dự án tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện bổ sung các thủ tục theo quy định để triển khai dự án, công trình trọng điểm theo kế hoạch đề ra.
Việc thành lập BCĐ các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh thể hiện quyết tâm chính trị, trách nhiệm cao của BCH, BTV Tỉnh ủy trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư. Đồng thời là việc làm cụ thể, huy động các nguồn lực cho phát triển, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững; phát triển nông nghiệp làm nền tảng, công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.