Trách nhiệm và nghĩa tình với người có công
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Những tồn đọng sau chiến tranh cũng được quan tâm giải quyết.

Các bác thương binh, bệnh binh đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên cung cấp)
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Những tồn đọng sau chiến tranh cũng được quan tâm giải quyết.
Những ngôi nhà "nghĩa tình"
Rời quê Hà Tĩnh, năm 1972, ở độ tuổi 20, ông Phạm Minh Liên xung phong nhập ngũ. Từ chiến trường Quảng Trị khốc liệt, đến Chiến dịch giải phóng Campuchia đã để lại những ký ức không bao giờ quên. Tháng 3/1979, ông Liên bị thương nặng và liệt hai chân. “Năm 1984, qua nhiều lần điều trị, tôi được chuyển vào trung tâm sống và điều dưỡng đến bây giờ. Vết thương là một bước ngoặt của cuộc đời. Sau này về sống tại trung tâm, chứng kiến nhiều hoàn cảnh đồng đội, tôi nhận ra, dù thân thể không trọn vẹn, nhưng tôi vẫn may mắn được hít thở, được nhận sự chăm sóc tận tâm, tận lực của các y, bác sĩ”, ông Phạm Minh Liên, thương binh hạng ¼ chia sẻ.
Ông Trịnh Văn Đông, gần 80 tuổi, đã gắn bó hơn nửa đời người ở trung tâm điều dưỡng, cho biết: “Tôi tham gia chiến dịch ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972, sau đó tiếp tục hành quân vào nam chiến đấu. Đến tháng 6/1976, tôi xuất ngũ, với những vết thương và di chứng nặng: vỡ xương hàm, hỏng một bên mắt, những mảnh đạn găm ở phổi, ở tay. Tôi rất cảm kích tấm lòng, sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ. Sau này tôi học thêm về châm cứu, và cũng tham gia chăm sóc các đồng đội đang sinh sống tại trung tâm”.
Được thành lập từ tháng 5/1957, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (tỉnh Hà Nam), có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho thương, bệnh binh tỷ lệ thương tật 81% trở lên. Trung tâm đang điều dưỡng cho 52 thương, bệnh binh và một thân nhân liệt sĩ.
Bà Mã Thị Bích Nhạn, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) luôn tâm niệm: “Công việc chăm sóc, nuôi dưỡng người có công không dễ dàng nếu như chúng ta không làm bằng tâm huyết và trách nhiệm của mình”.
Là người trực tiếp thăm khám cho các thương binh, bệnh binh tại trung tâm, theo bác sĩ Đoàn Văn Kiện, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (tỉnh Hà Nam), khi mới về trung tâm, số lượng thương binh, bệnh binh ở đây là hơn 200 bác, đến nay còn 53 bác. Mỗi khi trái gió trở trời, các bác lại bị cơn đau hành hạ. Vì vậy, công tác thăm khám, chữa bệnh cho các bác luôn được ưu tiên hàng đầu tại trung tâm.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, điều kiện, cơ sở vật chất tại 62 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng trên cả nước đã có nhiều thay đổi. “Điều mong mỏi lớn nhất của đội ngũ y bác sĩ là các thương, bệnh binh được sống lâu, sống khỏe, tiếp tục là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ”, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) cho biết.
Tri ân người có công bằng trách nhiệm và đạo lý
Theo ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Nội vụ), Quyết định số 1577/QĐ-TTg ngày 16/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó nêu rõ đến năm 2030 có thêm 8 cơ sở mới.
Nhiều chế độ hỗ trợ khác đối với người có công và gia đình người có công với cách mạng cũng được thực hiện đồng bộ. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Đến nay, cả nước có 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, 99% người có công, có mức sống trung bình hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc người có công với cách mạng những năm qua còn tồn tại một số hạn chế như: một số đối tượng hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi còn thấp; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn gặp khó khăn; hỗ trợ nhà ở cho người có công vẫn triển khai chậm, chưa đồng bộ ở nhiều địa phương.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trach-nhiem-va-nghia-tinh-voi-nguoi-co-cong-post877075.html