Trách nhiệm xin ý kiến cơ quan của Đảng khi ban hành văn bản quy phạm

Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dành 1 điều để quy định chung về trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng.

Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự luật gồm 8 chương, 98 Điều (giảm 9 chương, 75 điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).

Đáng chú ý là dự luật đã dành 1 Điều (Điều 7) để quy định chung về trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng.

 Dự luật quy định Trách nhiệm xin ý kiến cơ quan của Đảng khi ban hành văn bản quy phạm.

Dự luật quy định Trách nhiệm xin ý kiến cơ quan của Đảng khi ban hành văn bản quy phạm.

Theo đó, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng đối với ba vấn đề.

Thứ nhất là định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội, dự kiến chương trình lập pháp hằng năm.

Thứ hai, quan điểm và những vấn đề quan trọng liên quan đến thể chế chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền công dân.

Thứ ba, quan điểm và những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách mới, quan trọng hoặc cơ chế, chính sách đặc thù.

Cụ thể, Đảng ủy Quốc hội xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội, nội dung chính sách và những nội dung nêu trên đối với dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Đảng ủy Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với nội dung nêu trên đối với dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Đảng ủy Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư đối với dự thảo nghị định quy định về vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng luật hoặc pháp lệnh.

Cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật xin ý kiến cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền theo phân cấp quản lý đối với dự thảo văn bản do mình chủ trì soạn thảo.

Trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng theo nguyên tắc nêu trên cũng đã được di chuyển cụ thể vào quy trình lập pháp đối với từng loại văn bản.

Đơn cử, trong quy trình xem xét, thông qua dự thảo pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 61 dự thảo) có quy định bước "Tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo pháp lệnh, nghị quyết, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến Đảng ủy Quốc hội".

Hay đối với định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, Điều 35 dự thảo quy định "Ủy ban thường vụ Quốc hội chủ trì phối hợp với Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa tới, trong đó có dự kiến phân kỳ theo năm, báo cáo Đảng ủy Quốc hội để trình Bộ Chính trị phê duyệt vào trước kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới".

QUỲNH LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/trach-nhiem-xin-y-kien-co-quan-cua-dang-khi-ban-hanh-van-ban-quy-pham-post829599.html