Những người góp phần giữ bình yên nơi biên giới Lâm Đớt

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là những người gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Tại các xã biên giới, người có uy tín còn là 'cánh tay nối dài' của BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Ở xã biên giới Lâm Đớt, huyện A Lưới, thành phố Huế, vai trò của người có uy tín đã thể hiện rất rõ trong đời sống hằng ngày.

Già làng Nguyễn Minh Sang là chỗ dựa tin cậy của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt. Ảnh: Võ Tiến

Già làng Nguyễn Minh Sang là chỗ dựa tin cậy của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt. Ảnh: Võ Tiến

Theo thông tin khái quát của ông Hồ Chính Bê, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt, thực hiện Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ), năm 2020, xã Lâm Đớt được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã A Đớt và xã Hương Lâm. Sau khi thành lập, Lâm Đớt là xã biên giới, cách trung tâm huyện 30km, phía Nam giáp với huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào. Xã có 11 thôn, trong đó có 3 thôn giáp biên giới với nước bạn Lào, có 1.259 hộ/5.187 nhân khẩu, có 3 dân tộc chung sống gồm: Tà Ôi, Cơ Tu và Kinh, trong đó, dân tộc Tà Ôi và Cơ Tu chiếm 89%.

Vốn có quan hệ thân tộc lâu đời nên trước đây, trên địa bàn xã Lâm Đớt, nhân dân hai thôn A Tin và Chi Hóa thường xuyên tự phát qua lại thăm thân tại bản A Rooc, Ka Lô (huyện Kà Lừm). Bên cạnh đó, giữa hai bên còn một số vấn đề cần được xử lý triệt để như: Xâm canh, xâm cư, không đăng ký kết hôn khác quốc tịch, khai thác lâm, thổ sản trái phép...

Xác định công tác bảo vệ biên giới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng BĐBP luôn đề cao và có nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của người có uy tín tại các thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số trong việc triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới. Bản thân người có uy tín cũng nhận thức được trách nhiệm của mình nên chủ động cùng cơ quan chức năng bàn cách nhân rộng những cách làm hay, giải quyết hiệu quả các vấn đề tồn tại trên tinh thần “nếu chỉ bằng lời nói thì chẳng thể làm nên chuyện, mà phải trực tiếp hành động để nêu gương”.

Xã Lâm Đớt có 11 người có uy tín trong đồng bào Cơ Tu, Tà Ôi, trong đó có già làng Nguyễn Minh Sang, người Tà Ôi, trú tại thôn A Tin. Dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn tích cực cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP thành phố Huế thường xuyên tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới; tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật do BĐBP và địa phương tổ chức để nắm, truyền đạt lại cho hơn 2.000 lượt bà con trong thôn hiểu, cùng thực hiện nghiêm.

Thôn A Tin của già làng Nguyễn Minh Sang giáp với bản Ka Lô của nước bạn Lào nên già đã cùng với BĐBP tham mưu cho xã thành lập được 3 tổ tự quản đường biên, cột mốc quốc giới với gần 140 hộ tham gia, trong đó, riêng người thân trong gia đình, dòng họ của già làng Nguyễn Minh Sang đã tham gia gần 60 hộ. Các tổ tự quản đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ trên phạm vi quản lý, đem lại sự bình yên cho địa bàn...

Trung tá Hồ Văn Việt, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP thành phố Huế khẳng định, già làng Nguyễn Minh Sang là tấm gương tiêu biểu trên địa bàn 12 xã thuộc huyện biên giới A Lưới, luôn đi đầu trong việc chấp hành và tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để gia đình, dòng họ và nhân dân noi theo.

Tình quân dân gắn bó nơi biên giới Lâm Đớt. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Tình quân dân gắn bó nơi biên giới Lâm Đớt. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Tương tự già làng Nguyễn Minh Sang, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số xã Lâm Đớt như các ông: Hồ Văn Sáp, Hồ Ngọc Mười, A Vô Râu, A Ting Rưi... cũng có nhiều đóng góp cho quê hương. Không chỉ tuyên truyền, vận động bà con tại các buổi họp thôn mà người có uy tín đã không quản ngại ngày đêm lặn lội đến tận từng nhà để nói cho bà con hiểu, làm cho bà con tin.

Ông Hồ Chính Bê đánh giá, già làng, người có uy tín trên địa bàn đã tham mưu cho cấp ủy, chi bộ thôn bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không vi phạm pháp luật của Nhà nước, các quy chế, hiệp định ở khu vực biên giới và luật pháp quốc tế; luôn gần dân, sát dân, vận động nhân dân chung tay bảo vệ biên giới quốc gia, kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng những dấu hiệu bất thường trên địa bàn. Do vậy, những năm gần đây, việc qua lại biên giới trái phép, xâm canh, xâm cư qua nước bạn Lào không còn xảy ra. Nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới ngày càng được nâng cao, tình hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt.

Trên dải đất biên cương thuộc địa phận xã Lâm Đớt hôm nay, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là nhân tố quan trọng nhằm chung tay, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và BĐBP duy trì, bảo vệ sự bình yên của bản làng; đồng thời tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó đặc biệt giữa nhân dân vùng biên giới hai nước Việt - Lào.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-gop-phan-giu-binh-yen-noi-bien-gioi-lam-dot-post485566.html