Trái cây đặc sản vẫn còn lận đận
Đồng Nai có diện tích cây ăn trái lớn nhất khu vực Đông Nam bộ với hơn 74 ngàn ha. Do thổ nhưỡng tốt, khí hậu thuận lợi nên hình thành nhiều vùng trái ngon và trở thành đặc sản được nhiều người biết đến. Trong đó có những loại trái cây nổi tiếng như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bơ, mít, ổi… Thế nhưng, mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ lại hay rơi vào cảnh hàng dội chợ rớt giá. Nguyên nhân là do chưa kết nối được cung cầu. Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm chưa tháo gỡ được, dù các địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Thời gian qua, kết nối tạo thành chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vẫn còn yếu. Do đó, trái cây đặc sản của Đồng Nai vẫn còn lận đận đầu ra. Vấn đề này không chỉ riêng Đồng Nai mà các tỉnh, thành trên cả nước cũng đang gặp phải. Để trái cây Đồng Nai có đầu ra ổn định, Đồng Nai đã quy hoạch và đang triển khai 2 cụm công nghiệp tại H.Định Quán, H.Cẩm Mỹ nhằm thu hút các doanh nghiệp (DN) chế biến nông sản. Khi các DN vào đầu tư trên lĩnh vực chế biến nông sản sẽ kết nối với nông dân hình thành các vùng nguyên liệu. Như vậy, nông dân chỉ lo sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, DN lo chế biến và tìm đầu ra.
Sản phẩm trái cây nếu có thể chế biến sâu sẽ thoát khỏi cảnh vào vụ thu hoạch rộ giá giảm sâu. Tại một số nước trong khu vực ASEAN có ngành Nông nghiệp phát triển, trái cây đến vụ thu hoạch sẽ được phân loại, những trái đẹp được tiêu thụ tươi ở trong nước, xuất khẩu. Còn những trái mẫu mã không đẹp, có thể dùng chế biến như: sấy khô, làm mứt, kẹo, làm các loại nước uống…
Trái cây Đồng Nai được đánh giá là ngon, chất lượng tốt vì thế kết nối được với nhiều DN có thể đưa đi xuất khẩu, nâng giá trị cho trái cây. Đơn cử, Đồng Nai đã xuất được trái chuối, sầu riêng nên đầu ra thuận lợi hơn và lợi nhuận nhà vườn thu được cũng cao hơn. Tuy nhiên, muốn có đầu ra ổn định, nông dân phải sản xuất theo quy trình sạch để đáp ứng các thị trường hướng đến xuất khẩu.
Khánh Minh