Trái cây 'tỷ đô' vẫn ế
Tết Nguyên đán đã tới gần, nhưng 2 vựa thanh long lớn nhất nước là Bình Thuận và Long An đang đối diện với khó khăn, khi vụ này cây cho năng suất thấp và giá liên tục giảm.
Cả hai vùng trồng thanh long lớn nhất cả nước đang loay hoay tìm đầu ra cho vụ thanh long cuối năm. Vào thời điểm này giá thanh long giảm chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, chi phí đầu tư cho phân bón, nước tưới lại tăng nên các gia đình trồng thanh long lỗ nặng. Người trồng thanh long năm nay có cái Tết không vui. Các thương lái mua thanh long cho biết, giá loại trái cây này phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bên đó cho giá bao nhiêu thì mình mua bấy nhiêu.
Có thể thấy, câu chuyện “giải cứu” quả thanh long đã trở nên quá quen thuộc, chứ ít ai biết rằng thanh long là loại quả mang về doanh thu “tỷ đô” thực sự, chiếm tỉ trọng cao nhất trong ngành hàng rau quả. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, dù xuất khẩu thanh long giảm 10,2% so với năm 2019, giá trị xuất khẩu loại quả này đã vượt mốc 1 tỉ USD (đạt 1,08 tỉ USD). Rõ ràng, trong tổng giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam năm 2020 là hơn 42 tỷ USD thì mức đóng góp 1 tỷ USD của thanh long không hề nhỏ.
Và dễ dàng nhận ra nguyên nhân ế thừa thanh long ở ngay trong cơ cấu thị trường của loại quả này. Dù thanh long đã có mặt ở hầu hết các thị trường như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc… nhưng thị trường Trung Quốc vẫn chiếm đến 90% tổng giá trị xuất khẩu. Do đó, chỉ cần thị trường Trung Quốc có trục trặc thì tại Việt Nam, trái thanh long ngay lập tức lao đao. Hơn nữa, dù xuất khẩu được giá trị lớn nhưng tại Việt Nam, thanh long không phải là loại trái cây hút hàng do không có vị ngọt lịm theo gu số đông của người tiêu dùng.
Bộ NNPTNT thông tin, diện tích thanh long hiện nay khoảng 57.000 ha, sản lượng hơn 500.000 tấn, gấp 20 lần (về diện tích và sản lượng) so với 10 năm trước (2010). Ngay tại Trung Quốc, diện tích trồng thanh long đã đạt 35.555 ha, tăng gấp 10 lần chỉ trong vài năm gần đây cho thấy sự cạnh tranh về đầu ra ngày càng gay gắt. Bởi vậy, thanh long Việt Nam không chỉ phải canh thời tiết, mùa thuận, mùa nghịch mà còn phải lo né vụ thu hoạch của Trung Quốc để xuất khẩu thuận lợi.
Thời hoàng kim của quả thanh long Việt đã qua, ngành thanh long không thể phát triển tự phát như trước mà cần phải có chiến lược bài bản, sao cho tương xứng với một ngành hàng “tỷ đô”. Đã đến lúc ngành thanh long cần đầu tư chiều sâu cho chất lượng cũng như chế biến thay vì chú trọng vào sản lượng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/trai-cay-ty-do-van-e-551140.html