Trái chiều sản lượng tiêu thụ tháng 9 giữa Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim (NKG)

Trong khi Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) ghi nhận sản lượng tiêu thụ trong tháng 9/2024 tăng hơn 6% so với tháng 8/2024 thì Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) lại giảm 15,2%.

Sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hoa Sen trong tháng 9/2024 cho thấy nhu cầu nội địa vẫn đang phục hồi tương đối vững chắc bất chấp đang là giai đoạn thấp điểm.

Sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hoa Sen trong tháng 9/2024 cho thấy nhu cầu nội địa vẫn đang phục hồi tương đối vững chắc bất chấp đang là giai đoạn thấp điểm.

Theo dữ liệu mới cập nhật từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng bán hàng của toàn ngành trong tháng 9/2024 giảm nhẹ 1,5% so với tháng 8/2024 nhưng tăng tới 14,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, nhu cầu nội địa tiếp tục tăng trưởng tốt với mức tăng 3,3% so với tháng 8/2024 và tăng 18,2% so với tháng 9/2023. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp tôn mạ có sự phân hóa.

Trong đó, sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) trong tháng 9/2024 tăng 6,1% so với tháng 8/2024 và tăng tới 37,2% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạn việc giữ vững mức bán hàng của kênh xuất khẩu, kênh nội địa của Tập đoàn Hoa Sen vẫn ở mức tốt dù tháng 9 là tháng thấp điểm của toàn thị trường khi miền Nam bước vào mùa mưa.

Sản lượng bán hàng trên thị trường nội địa của Tập đoàn Hoa Sen trong tháng 9/2024 tăng 14,4% so với tháng 8/2024 và tăng 42,2% so với tháng 9/2023. Tập đoàn Hoa Sen hiện chiếm lĩnh thị phần đứng đầu cả nước trong mảng tôn mạ.

Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) trong tháng 9/2024 đã giảm 15,2% so với tháng 8/2024. Nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì sản lượng vẫn tăng 35,9%.

Chứng khoán Maybank nhận định kết quả trên của Thép Nam Kim vẫn ở mức “khá tốt” trong mùa thấp điểm. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen đang phản ánh nhu cầu nội địa vẫn đang phục hồi khá vững chắc cho dù đang trong mùa thấp điểm.

Hiện nhu cầu tiêu thụ tôn mạ nói riêng, các sản phẩm thép nói chung tại thị trường trong nước được kỳ vọng sẽ tăng lên trong quý 4 - mùa cao điểm xây dựng và giải ngân đầu tư công.

Sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hoa Sen và Thép Nam Kim trong tháng 9/2024. (Nguồn: VSA, Chứng khoán Maybank)

Sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hoa Sen và Thép Nam Kim trong tháng 9/2024. (Nguồn: VSA, Chứng khoán Maybank)

Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen được nhận định sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi chính nhờ vị thế dẫn đầu tại tất cả các thị trường. Đồng thời, thị trường bất động sản, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc, đang phục hồi tích cực. Đây cũng là khu vực mà Tập đoàn Hoa Sen đang chiếm thị phần vượt trội.

Với việc giá HRC Trung Quốc đã có tín hiệu tạo đáy và hồi phục trở lại, giá các sản phẩm thép tại Việt Nam dự kiến sẽ được cải thiện, từ đó thúc đẩy biên lợi nhuận trên thị trường nội địa của các doanh nghiệp tôn mạ

Đối với Thép Nam Kim, các biện pháp phòng vệ thương mại nhắm vào sản phẩm thép tại EU và Mỹ có thể chỉ gây khó khăn trong ngắn hạn đối với công ty này. Trong dài hạn, Thép Nam Kim vẫn sẽ có lợi thế trên thị trường xuất khẩu do mức thuế suất của một số thị trường lớn áp dụng cho thép nhập khẩu từ Việt Nam thấp hơn đáng kể mức thuế áp dụng cho Trung Quốc, điển hình là thị trường Mỹ. EU và Mỹ hiện đang chiếm trên 80% doanh thu xuất khẩu của Thép Nam Kim.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/trai-chieu-san-luong-tieu-thu-thang-9-giua-tap-doan-hoa-sen--hsg--va-thep-nam-kim--nkg-128397.htm