Trái chiều thu ngân sách của nhiều địa phương trong 2023

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tại một số tỉnh thành vẫn ghi nhận 'cán đích' về thu ngân sách. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn 'hụt' dự toán, không hoàn thành chỉ tiêu.

Hà Nội vượt dự toán

Theo báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 đạt 405.252 tỷ đồng, đạt 114,8% dự toán, tăng 23,8% so với năm trước.

Trong đó thu nội địa 373.100 tỷ đồng, đạt 115,2% dự toán và tăng 22,8%; thu từ dầu thô 3.700 tỷ đồng, đạt 176,2% và tăng 27,6%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 23.600 tỷ đồng, đạt 87,4% và giảm 10,3%.

Đây là lần đầu tiên Hà Nội thu ngân sách đạt trên 400.000 tỷ đồng. Trước đó vào năm 2022 và 2021, Thủ đô thu ngân sách lần lượt đạt hơn 332.000 và 240.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số quận huyện tại Hà Nội cũng đã công bố mức thu ngân sách nhà nước ước đạt trong năm 2023. Trong đó, 4 quận đã gia nhập CLB “10.000 tỷ đồng”.

Cụ thể, quận Hoàn Kiếm thu ngân sách ước khoảng 15.980 tỷ đồng; đạt 100,3% dự toán năm. Quận này cũng từng thu ngân sách lớn nhất Hà Nội vào năm 2022, đạt 14.732 tỷ đồng. Năm 2021, Hoàn Kiếm đứng thứ 3.

Quận Cầu Giấy đạt 14.675 tỷ đồng thu ngân sách năm 2023, đạt 120% so với dự toán TP Hà Nội giao. Thu thuế từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 10.650,8 tỷ đồng, đạt 121,87% dự toán.

Thu ngân sách năm nay của quận Đống Đa hơn 13.852 tỷ đồng; đạt 95,06% dự toán thành phố giao và bằng 111,7% so cùng kỳ năm 2022.

Với quận Hai Bà Trưng, ước thực hiện cả năm là 12.183 tỷ đồng, đạt 100% so với dự toán được giao. Quận này từng đạt vị trí “quán quân” về thu ngân sách vào năm 2021, đạt hơn 14.687 tỷ đồng.

4 quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và Đống Đa đều là những địa phương nằm trong top thu ngân sách của Hà Nội nhiều năm gần đây. Ngoài ra, một số quận, huyện khác cũng công bố mức thu ngân sách năm nay như quận Thanh Xuân ước đạt 5.710,86 tỷ đồng, bằng 100,01% dự toán; quận Hoàng Mai khoảng 4.698 tỷ đồng, đạt 105,15% dự toán; quận Nam từ Liêm đạt 8.925 tỷ, đạt 103% dự toán; quận Bắc Từ Liêm khoảng 2.394 tỷ đồng, đạt 68% dự toán

Huyện Đông Anh ước khoảng 8.873, đạt 100% dự toán; huyện Gia Lâm ước đạt hơn 4.467 tỷ đồng, bằng 76% dự toán; huyện Sóc Sơn 1.791,7 tỷ đồng; huyện Thạch Thất khoảng 1.146 tỷ đồng, bằng 127% dự toán;…

Tp.HCM đạt 95,07% dự toán

Báo cáo tại hội nghị truyền thông báo cáo kết quả thu chi ngân sách năm 2023 do Kho bạc Nhà nước Tp.HCM tổ chức, Phó giám đốc phụ trách Sở Tài chính Nguyễn Trần Phú cho biết năm 2023 dự toán thu ngân sách nhà nước do HĐND Tp.HCM giao 469.682 tỷ đồng.

Đến hết ngày 29/12, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 446.545 tỷ đồng, đạt 95,07% dự toán và bằng 94,69% cùng kỳ.

Trong đó thu nội địa gồm cả dầu thô là 325.963 tỷ đồng, đạt 100,74% dự toán. Thu từ khu vực kinh tế đạt 190.703 tỷ đồng, đạt 98,22% dự toán. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 120.555 tỷ đồng, đạt 82,69% dự toán.

Năm 2024 dự toán thu ngân sách trên địa bàn 482.851 tỷ đồng, tăng 2,8% so với dự toán năm 2023. Nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024 đặt ra trong bối cảnh rất khó khăn.

Liên quan đến các giải pháp nhằm đảm bảo việc thu ngân sách nhà nước năm 2024 trên địa bàn, lãnh đạo Sở Tài chính Tp.HCM cho biết sẽ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ trong việc thẩm định phương án giá đất để trình UBND Tp.HCM xem xét, quyết định nhằm khai thác nguồn thu từ nhà đất thông qua bán đấu giá các khu đất.

Bên cạnh đó sẽ khai thác thêm nguồn thu từ các dự án thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, bán đấu giá các khu đất còn lại trên địa bàn Tp.HCM, các dự án còn lại trên địa bàn…

Ông Nguyễn Văn Dũng, phó chủ tịch UBND Tp.HCM, lưu ý ngành tài chính cần tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, quan tâm cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư để doanh nghiệp, hộ cá nhân, kinh doanh thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Đồng thời tiếp tục tham mưu UBND Tp.HCM các chính sách tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.

Tây Ninh đạt 109,4% dự toán

Năm 2023, với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân; cùng với sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành ở địa phương đã giúp ngành Tài chính, ngân hàng tham mưu điều hành Tài chính, ngân hàng đạt được kết quả tích cực.

Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước đến hết ngày 28/12 là 11.328,8 tỷ đồng, đạt 109,4% dự toán Trung ương giao và đạt 103% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 7,1% cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 9.696,8 tỷ đồng, đạt 107,1% dự toán Trung ương giao và đạt 101% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 7,9% so cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu: 1.630,9 tỷ đồng, đạt 125,5% dự toán Trung ương giao và đạt 116,5% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 2,2% so cùng kỳ.

Đáng chú ý, có 9/16 khoản thu đạt từ 100% trở lên so với dự toán và 7/16 khoản thu không đạt dự toán. Trong đó, đặc biệt các khoản thu đạt cao vượt dự toán như: Thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; thu phí, lệ phí; Thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết

Đà Nẵng chưa thể về đích

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội, thu, chi, ngân sách nhà nước năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng Phan Quảng Thống cho biết, tính đến 17 giờ ngày 29/12, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố là 21.270 tỷ đồng, đạt 90,69% dự toán HĐND thành phố giao, bằng 88,39% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa là 18.073 tỷ đồng, đạt 98,06% dự toán, bằng 96,49% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 3.177 tỷ đồng, đạt 63,54% dự toán, bằng 60,04% so với cùng kỳ. Tại huyện Hòa Vang, thu ngân sách là 479 tỷ đồng, đạt 94,39% dự toán thành phố giao.

Tổng chi ngân sách nhà nước niên độ 2023 là 28.393 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách Trung ương là 11.576 tỷ đồng, chi ngân sách địa phương là 16.817 tỷ đồng. Ngoài công tác thu ngân sách, tới thời điểm khóa sổ này, tồn quỹ ngân sách thành phố là 18.442 tỷ đồng, bảo đảm các nhiệm vụ chi thường xuyên và quan trọng cho năm 2024.

Sở dĩ thu ngân sách Đà Nẵng năm 2023 không đạt kế hoạch do bối cảnh kinh tế khó khăn chung, kinh tế thành phố khó chuyển biến nhanh trong ngắn hạn; vốn đầu tư, hoạt động doanh nghiệp, hoạt động bất động sản, xây dựng, sản xuất công nghiệp suy giảm đã và đang tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư của một số ngành, lĩnh vực có liên quan... Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất theo chủ trương của trung ương tiếp tục ảnh hưởng làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, mặc dù thu ngân sách chưa đạt dự toán nhưng đây là kết quả từ nỗ lực cao nhất trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Bên cạnh thu ngân sách, các đơn vị, địa phương bảo đảm thực hiện chi theo các hoạt động yêu cầu nhưng vẫn tiết kiệm chi, cân đối ngân sách được bảo đảm, tạo tiền đề vững chắc cho các năm sau.

Năm 2024 dự báo có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn đặt ra cho cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, vì vậy, các đơn vị, địa phương phải coi đây là thách thức để tiếp tục vượt qua, triển khai giải pháp của năm 2024 ngay từ những ngày đầu năm mới. Đồng thời, có giải pháp tiết kiệm chi phù hợp, có những dự báo, đánh giá, chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống.

Quảng Ninh vượt 6,7% so với dự toán Trung ương giao

Theo báo cáo tổng hợp của các đơn vị khối ngành Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023 đạt 56.606 tỷ đồng (tăng 6,7% so với dự toán Trung ương giao). Trong đó các khoản thu thuế, phí đạt 34.993 tỷ đồng (tăng 2,7% so với dự toán Trung ương giao).

Về chi ngân sách Nhà nước, tính đến 31/12/2023, các khoản chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, quản lý chặt chẽ, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và nội dung dự toán được giao trong năm 2023. Trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt gần 90% kế hoạch. Hệ thống Kho bạc Nhà nước đang tiếp tục tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, dự kiến hết niên độ sẽ giải ngân đạt trên 96% kế hoạch giao đầu năm.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng cán bộ, công chức ngành Tài chính đã nỗ lực, chủ động, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời; chủ động triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành tài chính; phối hợp có hiệu quả giữa các ngành, địa phương, đơn vị nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo nguồn lực quan trọng giúp tỉnh thực hiện thuận lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Viết Dinh

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/trai-chieu-thu-ngan-sach-cua-nhieu-dia-phuong-trong-2023-d45123.html