'Trái đắng' của Mỹ sau 2 năm tịch thu du thuyền của tài phiệt Nga - Kỳ 1

Mục đích khi Mỹ tịch thu du thuyền Amadea của tỷ phú Nga là để bán và lấy tiền cho Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ chưa bán được du thuyền siêu sang này mà còn phải bỏ ra rất nhiều tiền đóng thuế của dân để bảo trì.

Kỳ 1: Cuộc chiến kinh tế

Du thuyền Amadea neo đậu tại Bến tàu Queens ở Lautoka, Fiji ngày 13/4/2022. Ảnh: AFP/Getty Images

Du thuyền Amadea neo đậu tại Bến tàu Queens ở Lautoka, Fiji ngày 13/4/2022. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo vụ kiện mà tờ The Washington Post đệ trình theo Đạo luật Tự do Thông tin, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc phải tiết lộ hơn 1.300 trang tài liệu ghi chi tiết số tiền mà Mỹ phải bỏ ra để bảo trì siêu du thuyền trị giá 325 triệu USD nói trên kể từ khi thu giữ du thuyền tại Fiji vào tháng 5/2022.

Vào thời điểm đó, du thuyền Amadea được ví như một chiến lợi phẩm quan trọng trong cuộc chiến kinh tế mà Tổng thống Joe Biden phát động chống cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine. Mỹ tuyên bố du thuyền này thuộc sở hữu của tỷ phú ngành vàng của Nga là Suleyman Kerimov - người bị trừng phạt từ năm 2018 trong khuôn khổ chiến dịch của Mỹ nhằm vào các đồng minh của ông Putin.

Vướng mắc pháp lý

Sau đó, Mỹ đã xúc tiến để nhanh chóng bán du thuyền này. Số tiền thu được sẽ dành cho Ukraine để hỗ trợ quốc gia này trong cuộc phòng thủ. Tuy nhiên, đến nay, du thuyền Amadea vẫn chưa mang lại khoản tiền nào cho Ukraine và vụ tịch thu du thuyền này lại khiến Mỹ phải chịu “trái đắng” không ngờ khi phải bỏ hàng chục triệu USD chi phí bảo trì, mà số tiền này chính là từ túi tiền của người nộp thuế Mỹ.

Cho đến nay, những chi phí này chủ yếu vẫn chưa được công khai. Tuy nhiên, các hồ sơ mà The Washington Post thu thập được, kết hợp với các hồ sơ của tòa án liên bang, cho thấy rằng Mỹ đã chi khoảng 30 triệu USD để bảo trì du thuyền Amadea kể từ khi du thuyền này bị tịch thu. Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ đã xác nhận con số này.

“Trái đắng” này cho thấy những thiếu sót trong nỗ lực của Mỹ nhằm tịch thu và bán tài sản của các tỷ phú Nga. Nỗ lực này mới chỉ mang lại 6 triệu USD viện trợ cho Ukraine - một phần rất nhỏ so với 170 tỷ USD mà Mỹ đã gửi cho đồng minh của mình.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các quan chức đã tịch thu khoảng 650 triệu USD tài sản của các tỷ phú Nga. Nhưng phần lớn trong số đó là giá trị của du thuyền Amadea và Tango. Tango là một du thuyền siêu sang khác thuộc sở hữu của người Nga, mà người nộp thuế Mỹ cũng đang phải trả chi phí bảo trì. Chính phủ Mỹ cũng chưa thể bán được chiếc du thuyền này.

Ngay khi cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu, ngày 4/2022, Tổng thống Biden đã tuyên bố trong một bài phát biểu rằng Mỹ sẽ dẫn đầu một nỗ lực quốc tế để tịch thu tài sản của các tỷ phú Nga, thanh lý và sử dụng số tiền thu được để hỗ trợ Ukraine: “Chúng ta sẽ tịch thu du thuyền của họ, những ngôi nhà sang trọng của họ và những lợi ích không chính đáng khác”.

Điều này không đơn giản như vậy. Theo luật liên bang, các cơ quan Mỹ không được sở hữu du thuyền Amadea hay những tài sản lớn khác bị tịch thu từ các tỷ phú Nga, trừ khi có một tòa án tuyên bố rằng tài sản đó đã bị sử dụng trong một vụ phạm tội liên bang. Phán quyết về vấn đề này có thể mất nhiều năm.

Luật liên bang quy định rằng chính phủ không thể thanh lý tài sản có giá trị trên 500.000 USD cho đến khi được tòa án cho phép. Nếu tòa án không cho phép, người nộp thuế Mỹ sẽ phải chịu chi phí bảo trì du thuyền Amadea mà không được bồi thường và cuối cùng, chính phủ có thể buộc phải trả lại du thuyền.

Các quan chức Mỹ bày tỏ lạc quan rằng họ sẽ thắng trong vụ này và có thể thanh lý du thuyền để thu lại số tiền đã bỏ ra để bảo trì.

Ông Michael Khoo, đồng giám đốc của lực lượng đặc nhiệm mà Bộ Tư pháp Mỹ thành lập để thực thi các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của Nga, cho biết Mỹ buộc phải trả tiền bảo trì theo luật nhưng nếu bán thành công du thuyền, chính phủ sẽ thu hồi đầy đủ chi phí và số tiền còn lại sẽ được chuyển cho Ukraine.

Ông Khoo nói: “Chúng tôi không đưa ra các vụ mà chúng tôi tin là vô lý. Chúng tôi hoàn toàn kỳ vọng rằng chúng tôi sẽ chiến thắng cuối cùng, và điều này sẽ rất đáng giá”.

Vụ bắt giữ

Khi Amadea rời Caribe đi Fiji vào tháng 3/2022, các quan chức Bộ Tư pháp ở Washington đã thấy cơ hội. Ông Kerimov, người được cho là chủ du thuyền trên, đã bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt từ năm 2018 và bị cáo buộc không trả 400 triệu euro thuế liên quan đến các biệt thự của ông ở Pháp. Chính phủ Mỹ nói rằng ông Kerimov sau đó đã thanh toán qua các tài khoản ngân hàng phương Tây nhằm che giấu quyền sở hữu thực sự của du thuyền Amadea - một hành vi vi phạm các lệnh trừng phạt, và do đó là một hành vi phạm tội, đủ cơ sở pháp lý để Mỹ tịch thu con tàu.

Các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã lên du thuyền khi du thuyền này cập cảng Lautoka ở Fiji vào tháng 5/2022, nhưng Bộ Tư pháp Mỹ chưa được tòa án Fiji cho phép đưa nó trở lại bờ biển Mỹ.

Trong thời gian chờ đợi, chính phủ liên bang Mỹ đã chi ít nhất 3.000 USD vào tháng 6/2022 cho các chuyến bay đi và về giữa Mỹ và Fiji.

Ngoài ra, còn hơn 4.000 USD tiền thuê phòng tại khách sạn Wailoaloa Seascape ở Fiji.

Hàng nghìn USD khác đã được chi để thuê xe di chuyển ở Fiji. Các chi phí này đã được Cơ quan Cảnh sát Tư pháp Mỹ xử lý. Đây là cơ quan thuộc Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về việc tịch thu tài sản liên bang.

Tòa án Fiji đã cho phép chuyển giao con tàu vào tháng 6/2022, nhưng chi phí cho người nộp thuế Mỹ mới chỉ bắt đầu. Một tỷ phú Nga khác là Eduard Khudainatov đã tuyên bố rằng ông mới thực sự là chủ sở hữu của du thuyền nói trên và chính phủ liên bang Mỹ sẽ vi phạm pháp luật nếu bán tài sản mà theo ông là của mình. Trong một phán quyết vào tháng 6/2024, Thẩm phán Dale E. Ho của Tòa án Quận khu vực phía Nam New York đã không đồng ý cho chính phủ bán du thuyền, cho dù các công tố viên cho rằng bán du thuyền là cần thiết để tránh các chi phí bảo trì quá nhiều.

Sau khi Bộ Tài chính và Tư pháp Mỹ năm 2023 không đồng ý công bố các tài liệu liên quan đến chi phí bảo trì tài sản của Nga theo yêu cầu của tờ The Washington Post, nên tờ báo này đã kiện chính phủ liên bang vào tháng 3, dẫn đến Bộ Tư pháp Mỹ phải công bố hơn 1.300 trang tài liệu nói trên về chi phí bảo trì Amadea.

Đón đọc kỳ cuối: Tiết lộ chưa từng có về những khoản tiền bảo trì

Thùy Dương/Báo Tin tức (The Washington Post)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/trai-dang-cua-my-sau-2-nam-tich-thu-du-thuyen-cua-tai-phiet-nga-ky-1-20241222203905784.htm