Trái đất nóng lên đe dọa đến châu Á như thế nào?
'Thế kỷ châu Á' chỉ mới bắt đầu, nhưng nó đã bị đe dọa bởi sự nóng lên toàn cầu. Mực nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt đang gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hòn đảo, thành phố ven biển và vùng nhiệt đới của châu Á, nơi có hơn một nửa nhân loại sinh sống.
Hội nghị về khí hậu COP26 của Liên hợp quốc sẽ bắt đầu vào ngày mai (31/10) tại Glasgow, Scotland. Nhưng kết quả cách đó sẽ ảnh hưởng lớn nhất tới nửa bên kia của trái đất - các quốc gia châu Á.
Trẻ em lội qua dòng nước trong một trận lũ gần Vịnh Manila, Philippines vào cuối tháng 7/2021 - Ảnh: Getty
Sự kiện kéo dài hai tuần trên nhằm nâng cao mục tiêu giảm phát thải carbon trên toàn thế giới. Nó cũng có nhiệm vụ huy động tài chính để thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Sự nóng lên của trái đất tất nhiên ảnh hưởng tới tất cả mọi nơi trên thế giới. Nhưng châu Á, đặc biệt Đông Nam Á - với đặc thù của mình - được đánh giá sẽ chịu những tác động đầu tiên, lớn nhất và đáng lo ngại nhất.
Thiệt hại kinh tế
Theo một nghiên cứu, 13 thành phố cảng lớn ở châu Á đang nằm trong số 20 đô thị phải đối mặt với thiệt hại lớn nhất do lũ lụt. Quảng Châu, trung tâm thương mại phía nam của Trung Quốc, có thể mất 13 triệu USD mỗi năm cho đến năm 2050 nếu mực nước biển dâng 0,2 mét.
Sự nóng lên toàn cầu cũng đe dọa các ngành công nghiệp quan trọng của châu Á. Đồng thời, năng suất cây trồng thấp hơn sẽ tàn phá Đông Nam Á, nơi nông nghiệp chiếm 10,3% tổng sản phẩm quốc nội.
Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo ngành thủy sản trong khu vực Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, do nhiệt độ tăng cao giết chết các rạn san hô. Ngành thủy sản sẽ bị thiệt hại ước tính 57,98 tỷ đô la vào năm 2050 - ngay cả khi thế giới cố gắng giới hạn mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C so với mức thời tiền công nghiệp.
Thiên tai tăng vọt
Châu Á đã chứng kiến nhiều thảm họa khí hậu hơn trong 20 năm qua so với thế kỷ trước - một xu hướng mà các nhà khoa học cho rằng liên quan đến tình trạng nóng lên toàn cầu. Tỷ lệ này đã tăng nhanh chóng kể từ Thế chiến thứ hai khi hoạt động kinh tế và công nghiệp bùng nổ. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, hơn 3.500 thảm họa đã được ghi nhận trong giai đoạn 2000-2009 trên toàn cầu, gần gấp 5 lần so với 50 năm trước đây.
Các hiện tượng tự nhiên gây ra thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như El Nino và La Nina, sẽ vẫn xảy ra. Nhưng báo cáo năm 2021 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc cho biết rằng hoạt động của con người đã thúc đẩy nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển. Nó giữ lại bức xạ từ mặt trời, làm bề mặt Trái đất nóng lên và làm tăng nhiệt độ, lượng mưa và mực nước biển - tất cả sẽ tạo điều kiện khiến các sự kiện thảm khốc dễ xảy ra hơn.
Trung Quốc là quốc gia hứng chịu nhiều trận lụt, bão, lở đất và hạn hán nhất, với gần 500 thảm họa kể từ năm 2000. Theo sau là Ấn Độ và Philippines với 333 và 290.
Trung Quốc đã thiệt hại khoảng 47 tỷ USD do lũ lụt vào năm 1998. Thiệt hại lớn nhất trong thập kỷ qua của Thái Lan là do lũ lụt vào năm 2011, gây thiệt khiến nền kinh tế nước này mất khoảng 44 tỷ USD.
Số lượng thiên tai đã tăng vọt trong khoảng 20 năm gần đây (số liệu từ năm 1900 đến 2020) - Ảnh: Nikkei
Bệnh tật sinh sôi
Nhiệt độ toàn cầu tăng rất có hại cho sức khỏe con người. Chúng dẫn đến nắng nóng, sự suy dinh dưỡng khi nguồn cung cấp thực phẩm cạn kiệt và các bệnh như tiêu chảy phát triển mạnh trong điều kiện thiên tai. Chúng cũng là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của muỗi gây ra bệnh sốt rét và sốt xuất huyết.
Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng hơn 150.000 ca tử vong hàng năm do biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ tăng lên 250.000 ca mỗi năm từ 2030 đến 2050. Trong kịch bản này, riêng châu Á sẽ hứng chịu thêm 64.000 ca tử vong do sức nóng, thiếu dinh dưỡng, sốt rét, sốt xuất huyết và tiêu chảy vào năm 2030.
Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến thời tiết và khí hậu xảy ra tại các nước đang phát triển. Ở Philippines, Chương trình Lương thực Thế giới đã phát hiện ra rằng số trẻ sơ sinh chết trong hai năm sau bão cao gấp 15 lần số trẻ sơ sinh thiệt mạng trong thời gian trước đó.
Thành phố biến mất
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc dự đoán rằng các đợt gió mùa ở châu Á sẽ trở nên nặng hơn và kéo dài hơn. Không khí ấm hơn sẽ làm bốc hơi nhiều nước hơn từ các đại dương, mà sau này chúng sẽ rơi vào đất liền dưới dạng mưa.
Mối đe dọa thậm chí còn mạnh hơn khi kết hợp với mực nước biển dự kiến tăng thêm 0,28 đến 0,55 mét. Các thủ đô và các thành phố lớn khác nằm trên hoặc gần bờ biển, chẳng hạn như Bangkok (Thái Lan) và Manila (Philippines), có thể biến mất vào cuối thế kỷ này.
Cụ thể, theo dự báo của Greenpeace, các trận lũ lụt chưa từng thấy sẽ diễn ra vào năm 2030, có thể nhấn chìm gần như toàn bộ Bangkok và 87% diện tích Manila.
Các thành phố ở các nước đang phát triển của châu Á dễ bị tổn thương cao hơn cả so với thành phố Amsterdam. Thủ đô Hà Lan nằm ở dưới mực nước biển, song có có hệ thống kênh đập ngăn nước tốt nhất thế giới. Trong khi đó, ngay cả những trận lũ nhỏ cũng có thể khiến các đô thị châu Á chịu thiệt hại năng nề, như Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Các khu vực được khoanh vùng màu xanh sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất vì lũ lụt từ năm 2005 đến 2050 (Đơn vị: tỷ USD/năm) - Ảnh: Nikkei
Lương thực suy giảm
Gạo là trung tâm của nỗi lo về lương thực ở châu Á, khu vực hiện đã có tới 265 triệu người đang phải vật lộn để đủ ăn. Hơn 72% người Đông Nam Á được Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak của Singapore khảo sát năm ngoái tin rằng biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực.
Đông Nam Á, nơi sản xuất 31% lượng gạo của thế giới, sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề từ việc trái đất nóng lên. Theo Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, cứ một độ tăng thêm, năng suất lúa gạo sẽ giảm 10%. Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo sản lượng gạo sẽ giảm 50% vào cuối thế kỷ này, so với mức năm 1990 ở các nước sản xuất hàng đầu trong khu vực là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Philippines.
Nếu hạn hán kéo dài xảy ra, nông dân Đông Nam Á có thể mất 8% sản lượng lúa gạo ngay vào giữa thế kỷ này. Sản lượng ngô cũng sẽ giảm 16% và các loại ngũ cốc khác giảm 11% so với cùng kỳ.
Những cảnh báo là quá rõ ràng. Điều này nói lên thực tế rằng, các quốc gia châu Á cần có kế hoạch chống biến đổi khí hậu cụ thể, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Nếu chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà bỏ qua nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, tác nhân gây nóng lên toàn cầu, thì những hậu quả tác động của biến đổi khí hậu sẽ vô cùng nguy hiểm và lâu dài.
"Thế kỷ châu Á" vừa mới bắt đầu đang đối mặt với sự kết thúc sớm trước thực tế đầy khó khăn ở phía trước...
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trai-dat-nong-len-de-doa-den-chau-a-nhu-the-nao-post164262.html