'Trái Đất tăng tốc' khiến năm 2021 trôi qua nhanh nhất trong lịch sử

Mới đây, một nghiên cứu chỉ ra rằng năm 2021 là năm ngắn nhất lịch sử, ngắn hơn trung bình khoảng 65 mili giây có thể vì Trái Đất quay nhanh hơn.

2021 là năm ngắn nhất lịch sử

Lúc đầu, Hệ Mặt Trời chỉ gồm một đám mây bụi khí lớn. Khi đám mây bắt đầu trĩu xuống, nó san phẳng thành một chiếc đĩa khổng lồ với một phần lồi ở trung tâm và từ đó hình thành nên Mặt Trời.

Khi các hành tinh và thiên thể (Sao Chổi, tiểu hành tinh và Mặt Trăng) bắt đầu được hình thành bên ngoài chiếc đĩa, và động lượng góc tổng thể của đĩa hình thành hành tinh cần được bảo toàn. Do đó, những thiên thể này cũng xoay vòng nhờ sự chuyển động chung của hệ mặt trời.

Trái Đất quay trên quỹ đạo quanh Mặt Trời với khoảng cách trung bình 150 triệu km hết 365,2564 ngày Mặt Trời trung bình (1 năm thiên văn, số liệu đo được đến năm 2006. Vì thế từ Trái Đất nó tạo ra chuyển động biểu kiến của Mặt Trời thể hiện bằng sự thay đổi vị trí tương đối so với các ngôi sao, với vận tốc góc khoảng 1°/ngày, hay một khoảng cách bằng đường kính góc của Mặt Trăng hay Mặt Trời cứ sau mỗi 12 giờ về phía Đông.

Tốc độ quay của Trái Đất ảnh hưởng đến độ dài của năm. (Ảnh minh họa)

Vì chuyển động này, trung bình nó mất 24 giờ – một ngày Mặt Trời – để Trái Đất hoàn thành một vòng tự quay quanh trục sao cho Mặt Trời lại trở lại đường Tý Ngọ (kinh tuyến thiên cầu). Vận tốc quỹ đạo của Trái Đất khoảng 30 km/s, đủ để đi hết quãng đường bằng đường kính Trái Đất (~12.700 km) trong 7 phút, hay khoảng cách đến Mặt Trăng (384.000 km) trong 4 giờ.

Mới đây, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng năm 2021 là năm ngắn nhất lịch sử, ngắn hơn trung bình khoảng 65 mili giây. Để các bạn có thể tính toán nhanh thì 1000 mili giây = 1 giây. Chẳng đáng là bao cả, chỉ là do 1 năm dịch bệnh chúng ta phải ở nhà nhiều nên thấy 2021 quá ngắn ngủi thôi.

Nhà truyền thông khoa học Graham Jones tại công ty TimeAndDate cho biết, nguyên nhân là do tốc độ Trái Đất quay đang nhanh hơn. Chỉ một thay đổi nhỏ trong tốc độ quay của Trái Đất cũng có thể khiến một ngày dài hoặc ngắn hơn một phần nhỏ của giây so với mức trung bình 86.400 giây.

Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc điểm địa chất hoặc các quan sát về nhật thực. Ngoài ra, việc này còn liên quan tới quỹ đạo Mặt Trăng và khoảng cách của Mặt Trăng với Trái Đất, chuyển động của đại dương và chuyển động bên trong hành tinh.

Các nhà khoa học cũng cho rằng Trái Đất đã quay chậm lại trong một thời gian dài, khiến các năm dần dần dài ra.

Chuyện gì xảy ra nếu Trái Đất xoay nhanh hơn?

Mất trọng lực

Hiện tại, nếu bạn nặng khoảng 150 pound (tầm 68 kg) tại Vòng Bắc Cực, cân nặng của bạn có thể giảm xuống còn 149 pound (khoảng 67,5 kg) tại Xích đạo.

Đó là nhờ lực ly tâm được tạo ra do khu vực Xích đạo phải quay nhanh hơn so với các cực thì mới đi hết được một vòng Trái Đất. Nếu tăng thêm tốc độ, trọng lượng của bạn sẽ lại càng giảm.

Chuyên gia NASA Sten Odenwald tiết lộ rằng nếu đường xích đạo tăng tốc lên đến 17.641 dặm/giờ (tầm 28.390 km/giờ), lực ly tâm sẽ vượt qua lực hấp dẫn và chúng ta sẽ gần như rơi vào trạng thái không trọng lượng!

Độ dài một ngày

Vòng quay của hành tinh chúng ta chủ yếu quyết định độ dài một ngày. Tốc độ quay nhanh hơn dẫn đến ngày ngắn hơn, từ đó số ngày trong một năm sẽ tăng (miễn là Trái Đất vẫn quay cùng với một tốc độ).

Lũ lụt xảy đến quá nhiều

Nếu xích đạo tăng tốc độ quay, nước ở đại dương sẽ bắt đầu dồn lại. Chỉ cần nhanh hơn 1,5 km/giờ, vùng nước xung quanh Xích đạo sẽ trở nên sâu hơn vài cm trong một vài ngày. Lực ly tâm sẽ kéo hàng ngàn gallon nước về phía vòng eo Trái Đất. Nhiều vùng trũng thấp trên thế giới, như Thành phố New York, Venice hay Mumbai sẽ hoàn toàn chìm trong biển nước nếu tốc độ tăng thêm vài km/giờ, dẫn đến hiện tượng hàng triệu người phải di cư khỏi quê hương.

Tốc độ gió tăng

Chuyển động quay của Trái Đất không phải là lực chính điều khiển bầu khí quyển: hiện tượng đối lưu và gió chủ yếu xảy ra do sự nóng lên không đều của bề mặt hành tinh, nhưng hiệu ứng Coriolis chính là yếu tố khiến cho các cơn gió dịch chuyển. Khi tốc độ quay của Trái Đất tăng lên, các vòng đối lưu sẽ thu hẹp lại và dẫn đến bão và lốc xoáy xảy ra nhiều hơn.

Từ những năm 1960, các nhà khoa học đã thu thập được số liệu đo độ dài ngày bằng đồng hồ nguyên tử - loại đồng hồ cực kỳ chính xác, không nhanh hay chậm quá 0,0000001 giây mỗi năm so với đồng hồ lý tưởng.

Nhờ đồng hồ nguyên tử, các nhà khoa học biết chính xác khi nào thì độ dài ngày sai lệch so với mức trung bình.

"Khi thời gian nguyên tử được quốc tế chấp thuận vào năm 1967, các đồng hồ nguyên tử ổn định hơn 100 lần so với năm Mặt Trời. 30 năm qua, đồng hồ nguyên tử đã được cải tiến hơn một triệu lần", chuyên gia về đồng hồ nguyên tử Kurt Gibble, giáo sư vật lý tại Đại học bang Pennsylvania, cho biết.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/trai-dat-tang-toc-khien-nam-2021-troi-qua-nhanh-nhat-trong-lich-su-62830.html