Trái Đất vừa trải qua ngày ngắn nhất lịch sử

Do Trái Đất quay nhanh hơn, 29/6 là ngày ngắn nhất được ghi nhận từ khi áp dụng đồng hồ nguyên tử.

Trái Đất ghi nhận ngày ngắn nhất vào 29/6, khi hoàn thành một vòng quay nhanh hơn 1,59 mili-giây (ms) so với 24 tiếng thông thường. Theo Time and Date, đó là ngày ngắn nhất được ghi nhận từ khi các nhà khoa học sử dụng đồng hồ nguyên tử để đo tốc độ quay của Trái Đất vào thập niên 1960.

Kỷ lục vừa ghi nhận cho thấy Trái Đất đang quay nhanh hơn, dù nguyên nhân cụ thể chưa được sáng tỏ. Trước đó, các kỷ lục ngày ngắn nhất là 19/7/2020, khi Trái Đất quay nhanh hơn 1,47 ms. Đến 26/7, kỷ lục suýt bị phá vỡ khi Trái Đất hoàn thành một vòng nhanh hơn 1,50 ms.

 Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ quay của Trái Đất. Ảnh: NASA.

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ quay của Trái Đất. Ảnh: NASA.

Trái Đất không phải khối cầu tuyệt đối. Vòng quay của hành tinh bị tác động bởi nhiều yếu tố như cấu trúc lõi, thủy triều đại dương, lực hấp dẫn từ Mặt Trăng và biến đổi khí hậu, bao gồm nóng lên toàn cầu nhưng tỷ lệ không cao.

Theo Vice, "hành tinh xanh" đã nhiều lần phá kỷ lục tốc độ quay trong ngày nhanh nhất từ năm 2020. Trước đó, Trái Đất trải qua hàng chục năm ghi nhận những ngày dài hơn bình thường do tốc độ quay chậm, khiến 27 giây nhuận được thêm vào Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC).

Tiến sĩ toán học Leonid Zotov từ Đại học Quốc gia Moscow (Nga) đặt giả thuyết rằng dao động Chandler (Chandler wobble) cũng có thể ảnh hưởng đến tốc độ quay. Theo Business Insider, hiện tượng này mô tả sự chêch lệch trong chuyển động quay trên trục Trái Đất, lần đầu được phát hiện vào cuối thập niên 1880.

"Đương nhiên đây là điều kỳ lạ. Rõ ràng có gì đó thay đổi theo cách mà chúng ta chưa từng chứng kiến, kể từ khi hình thành lĩnh vực thiên văn vô tuyến vào những năm 1970", Matt King, Giáo sư Đại học Tasmania (Australia) cho biết.

Thay đổi này rất nhỏ và con người không thể cảm nhận, nhưng nếu tích tụ theo thời gian, sự chênh lệch có thể ảnh hưởng đến các hệ thống định vị, liên lạc vệ tinh. Sẽ đến lúc các nhà khoa học trừ đi một giây trong giờ UTC, còn gọi là giây nhuận âm.

Trong quá khứ, giây nhuận được bổ sung để giữ thời gian nguyên tử đồng bộ với chuyển động quay thực tế của Trái Đất, nhưng chưa bao giờ dùng để trừ bớt.

Trái Đất nhiều lần phá kỷ lục ngày ngắn nhất từ 2019 đến nay. Ảnh: Time and Date.

Trái Đất nhiều lần phá kỷ lục ngày ngắn nhất từ 2019 đến nay. Ảnh: Time and Date.

Theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST), giây nhuận có ưu lẫn khuyết điểm. Chúng giúp đảm bảo các quan sát thiên văn được đồng bộ với thời gian trên đồng hồ, nhưng cũng có thể gây rắc rối cho một số ứng dụng định vị và cơ sở hạ tầng viễn thông.

Gần đây, các hãng công nghệ vận động dừng thêm giây nhuận do có thể khiến hệ thống máy tính và phần mềm gặp lỗi.

Dù chưa thể tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng quay nhanh gần đây, nhưng nhìn chung Trái Đất đã quay chậm hơn trong thời gian dài do tương tác với Mặt Trăng. Những nghiên cứu trước đây ước tính trong 6,7 triệu năm tới, ngày sẽ kéo dài thêm một phút.

Sẽ ra sao nếu Mặt Trời có màu xanh? Ánh sáng Mặt Trời đang cung cấp nguồn thực phẩm cho sự sống trên Trái Đất. Vậy sẽ ra sao nếu Mặt Trời nóng đến mức ánh nắng có màu xanh?

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/296-la-ngay-ngan-nhat-lich-su-post1341953.html