Trái dâu tây 'đáng thương'

Có lạ không khi trái dâu tây vốn chỉ... để ăn, bây giờ lại thành đối tượng phải ngắm nghía và nhấm nháp để phân biệt cái vị ngọt thanh hay ngọt đậm. Và cũng từ một thứ trái cây được sử dụng khá đại trà, giờ nó lại thành chủ đề để bàn bạc trong xã hội với nhiều luồng quan điểm.

Trái dâu trở thành chủ đề bàn bạc của xã hội.

Khi tôi đọc được bài viết với ngụ ý “hiểm họa từ những trái dâu tây giá rẻ”. Tôi đã cố gắng để đưa món dâu tây vào thực đơn “ăn kiêng” ngắn ngày, mặc dù cũng khá thích thứ quả này. Cái thích của tôi không thể thắng thế được những lập luận sắc sắc sảo của các chuyên gia. Cho đến khi ra đường, tôi được nhìn thấy cảnh tấp nập của kẻ mua người bán “sản phẩm đáng nghi” này, thì thực sự mới vỡ nhẽ rằng quan điểm của mình chỉ là một góc nhỏ hẹp trong các luồng dư luận xã hội.

Phải nói – Phải bán – Phải ăn.

Để tạo nên khái niệm “trước khi mua phải nghĩ”. Nhiều chuyên gia đã đưa hệ thống quan điểm đầy sắc sảo đến người tiêu dùng. Tại sao giá dâu tây lại rẻ đến mức như vậy?. Ở đâu ra mà lại lắm dâu tây đến vậy?. Hay, tại sao trái dâu tây lại có vị khác khác (ngọt đậm thay vì ngọt thanh) so với thông thường?… Họ đi giải thích và chứng minh bằng cái tâm và cái tầm của mình. Và thực sự rất đáng để suy ngẫm với những ai không bán cũng chẳng “cuồng” ăn cái thứ quả này.

Song hành với các chuyên gia. Những người bán mặt hàng này cũng tìm cách thích ứng với tấm biển “Dâu tây Mộc Châu”. Đồng thời cũng đưa ra một lối nói đầy thú vị. Bây giờ ở trên thị trường có biết bao nhiêu sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Đâu dễ để kiểm chứng những mặt hàng này là sản phẩm của Trung Quốc. Mà nếu có nguồn gốc từ Trung Quốc thì đã sao, chẳng thể mặc định cho là kém chất lượng. Còn mua hay không là quyền của mọi người. Họ đâu ép ai phải mua. Những người bán chẳng có bằng chứng khoa học, nhưng lại đúng với nhu cầu thực tế của xã hội. Và điều này mới đang thắng thế!.

Người mua lâu nay chỉ biết ăn, bây giờ lại phải đang lộn nhào trong “mê cung” giữa thật - giả, rẻ - đắt, an toàn - không an toàn. Dù có tinh ý thì những lựa chọn của họ chỉ mang tính chất tương đối. Nhưng nhìn chung, sẽ có hai luồng. Một là sẽ dừng lại để “mùa sau đắt rồi mua”. Hai là sẽ tiếp tục nạp vào để đã cơn thèm.

Những người chấp nhận mua, họ cũng tìm ra cách để để bảo vệ quan điểm “muốn ăn” của mình. Bây giờ, nó rẻ như vậy, ít khi được ăn, lại không phải mùa nào cũng có. Mà cũng biết thứ nào là độc hại với không độc hại. Hay họ buông ra một câu đời hơn “ăn vào cũng có chết ngay được đâu”.

Người phải nói sẽ tiếp tục nói. Người bán thì vẫn cứ bán khi chưa có điều lệnh “cấm bán dâu tây”. Còn người ăn thì cũng tiếp tục ăn khi cái sướng miệng thắng thế những lập luận, khuyến cáo logic, khoa học.

Vấn đề đáng nói là những dự báo “hiểm nguy” của các chuyên gia sẽ đến trong tương lai còn quan điểm của người mua và người bán là thứ đang thắng thế ở thời điểm hiện tại.

Đã và sẽ còn những “trái dâu tây”

Câu chuyện tràn lan sản phẩm và hàng “nguy cơ giả” không phải bây giờ mới xuất hiện. Trái dâu tây và hương vị của nó cũng chỉ là chất xúc tác làm nóng lại vấn đề đã tồn đọng của xã hội. Nhiều thương hiệu như “Nhãn lồng Hưng Yên” hay “Gà Đông Tảo”,… cũng đã từng chịu chung số phận với những trái dâu tây và sẽ còn nhiều mặt hàng nữa phải đối diện với vấn đề này.

Bây giờ, những người trồng “dâu tây thật” lại phải tìm cách cạnh tranh giá. Hay cao tay hơn là trồng giống dâu tây “có hình thù khác lạ” để có phân định rõ ràng trên thị trường. Hoặc sử dụng những giải pháp truy xuất nguồn gốc...

Dâu tây không còn giữ được “cái giá” của nó.

Xin đừng buông câu nói “người Việt Nam tiếc tiền tham rẻ”. Câu “phán” này “thực sự mang chủ quan và đầy tàn nhẫn”. Nếu là dâu tây Trung Quốc thật nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thì sao. Lẽ dĩ nhiên là phải đặt ra vấn đề cạnh tranh sản phẩm trong xu thế hội nhập kinh tế.

Còn nếu dâu tây Trung Quốc rẻ và kém chất lượng thì sao. Thì đồng nghĩa với câu hỏi về vấn đề kiểm soát thị trường đã đủ nghiêm ngặt và chặt chẽ chưa?.

Trái dâu tây trông thật “đáng thương”. Nó bị đánh mất “cái giá” của mình. Nó từ “ngăn tủ của đại gia” bây giờ phủ khắp trên những “cái bàn để sinh viên tráng miệng”. Nó chỉ để ăn, bây giờ lại phải chịu nhưng luồng dư luận hoài nghi, ngờ vực. “Cuộc sống” của nó trông bình yên, phẳng lặng, bây giờ lại bị cả xã hội đem ra bàn bạc.

Để hòa chung vào cái trend “Dâu tây đến mọi nhà”, tôi đã và sẽ còn thưởng thức thứ quả này, để thấm dần ý kiến các chuyên gia, để xem cái tài của người bán và để hiểu cái lòng của người mua.

Thắng Nguyễn

Nguồn ảnh: Internet.

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/trai-dau-tay-dang-thuong/26625.htm