Trại Davis - 'lũy thép' trong lòng địch
Cuối tháng 1/1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, phái đoàn quân sự bốn bên (gồm các đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa) đã tập trung tại Trại Davis để kiểm soát việc thực thi các điều khoản đã ký trong Hiệp định.
Hai đoàn đại biểu quân sự của ta đã biến Trại Davis thành một “lũy thép” trong lòng địch để thực thi nhiệm vụ, và ở tại đây đến ngày toàn thắng. Sáng 30/4/1975, lá cờ chiến thắng đã được cắm tại trại Davis, trở thành một trong những điểm đầu tiên cắm cờ giải phóng trong ngày toàn thắng.
Kiểm soát việc thực thi Hiệp định Paris
Sáng 19/4/2025, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Ban liên hợp Quân sự (CCBBLHQS) Trại Davis đã phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tổ chức cuộc gặp mặt truyền thống để kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các CCBBLHQS Trại Davis giao lưu tại cuộc gặp gỡ. Ảnh: KIẾN NGHĨA
Đại tá Đào Chí Công, Trưởng Ban Liên lạc CCBBLHQS Trại Davis cho biết, trước khi Hiệp định Paris được ký kết, chúng ta đã khẩn trương thành lập hai đoàn đại biểu quân sự (ĐBQS) của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) để tham gia việc thực thi Hiệp định.
Các thành viên của hai đoàn ĐBQS có nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao trên mặt trận quân sự, kiểm soát việc Mỹ và chư hầu phải rút khỏi miền Nam, buộc đối phương phải nghiêm chỉnh thực hiện việc trao trả tù binh các bên bị bắt trong chiến tranh…
Để tiến hành sự việc trên, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã chọn Trại Davis, một trại quân sự của họ nằm ở căn cứ không quân Tân Sơn Nhất là nơi làm việc của phái đoàn ĐBQS bốn bên. Ngoài làm việc, hai đoàn ĐBQS của ta cũng ở luôn tại đây. Các cựu chiến binh Ban Liên lạc CCBBLHQS Trại Davis cho biết, với việc bố trí cho đoàn ta tại đây, địch hy vọng sẽ dễ bề kiểm soát và gây khó khăn cho ta.
Vừa vào ở, Ban An ninh của đoàn ta đã phát hiện một số thiết bị nghe trộm được gắn rất tinh vi trong tường, nên đã tháo ngay không cho địch “giở trò”. Thỉnh thoảng địch lại áp dụng “trò bẩn” như cắt điện, nước.
Thấy vậy, ta đã tổ chức đào giếng, thì bị địch vu là đào hầm bí mật. Ta đưa họ vào tận nơi, chỉ rõ giếng nước khiến đối phương phải im lặng. Còn việc bị cắt điện, đoàn ta vẫn bình thản chịu đựng dù phải sống trong những căn nhà lợp phibroximăng tại Trại Davis dưới cái nắng như thiêu đốt.
Bên trong là thế, còn bên ngoài Trại Davis được rào bằng thép gai, địch luôn bố trí lính canh gác. Địch cũng đưa các xe thiết giáp, xe bọc thép thường xuyên vây quanh để uy hiếp tinh thần đoàn ta.

Nơi ở hai đoàn ĐBQS của ta tại Trại Davis Ảnh: T.L

Đoàn ĐBQS của ta cho đại diện chính quyền VNCH xem giếng nước do ta đào trong Trại Davis Ảnh: T.L
Dù vậy, các thành viên của hai đoàn VNDCCH và CMLTCHMNVN vẫn duy trì nếp sinh hoạt bình thường, ngoài giờ làm việc vẫn chơi thể thao, tăng gia, thỉnh thoảng lại tổ chức chiếu phim..., biến nơi ở tại Trại Davis thành một “lũy thép” trong lòng địch.
Trong khi đó, với công việc hằng ngày, hai đoàn luôn thực thi nhiệm vụ một cách chủ động. Ta đã khai thác tất cả các diễn đàn (như Ủy ban Quốc tế, Ban Liên hợp Quân sự, họp báo hàng tuần, quan hệ với các nhà báo…), đồng thời chủ động nắm bắt các diễn biến trên chiến trường để có được những thông tin, bằng chứng xác thực về hành động của đối phương để yêu cầu họ thực thi các điều khoản đã ký trong Hiệp định Paris.
Sau nhiều ngày kiên trì đấu tranh, ngày 29/3/1973, quân viễn chinh Mỹ và chư hầu đã hoàn toàn phải rời khỏi Việt Nam, khiến chế độ VNCH mất hẳn chỗ dựa quân sự. Tiếp đó, đoàn buộc địch phải trao trả những cán bộ, chiến sĩ của ta bị bắt trong chiến tranh, bước đầu hoàn thành nhiệm vụ sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
Treo cờ chiến thắng ngày 30/4 tại Trại Davis
Tại cuộc gặp mặt, đại tá Đào Chí Công cho biết, tháng 4/1975, quân ta liên tiếp giành thắng lợi trên các chiến trường. Cuộc chiến đã tới thời điểm cao trào, phía địch đã điều động thêm xe tăng, xe thiết giáp đến bao vây phía ngoài trại Davis. Trước tình hình đó, cấp trên chủ trương cho thành viên hai đoàn rút về để tránh rủi ro khi cuộc chiến sắp kết thúc.
Tuy nhiên, hai đoàn xin phép được ở lại, dù nguy hiểm có thể xảy ra. Để đối phó với địch, ban ngày ta vẫn duy trì sinh hoạt bình thường, nhưng ban đêm đã bí mật đào công sự chiến đấu trong Trại Davis bằng các công sự thô sơ như lưỡi lê, dao găm, cuốc, xẻng...
Chỉ khoảng chục ngày, công việc đã hoàn tất. Toàn Trại Davis được bố trí thành khu chiến đấu liên hoàn, các giao thông hào, hầm dã chiến đều được đậy nắp kín và lấp đất bên trên như địa đạo. Tất cả đã sẵn sàng nếu cuộc chiến diễn ra tại đây.

Các chiến sĩ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn treo cờ giải phóng tại Trại Davis sáng 30/4/1975 Ảnh: T.L

Ông Phạm Văn Lãi bên tấm ảnh cắm cờ giải phóng ngày 30/4/1975 tại Trại Davis Ảnh: KIẾN NGHĨA
Những ngày cuối tháng 4/1975, tại Trại Davis, hai đoàn ĐBQS của ta luôn bám sát tình hình trên chiến trường để thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả. Ngày 26/4, đại tá Võ Đông Giang, Phó Trưởng đoàn Chính phủ CMLTCHMNVN chủ trì cuộc họp báo có rất đông phóng viên quốc tế, đã yêu cầu Mỹ phải chấm dứt mọi can thiệp vào tình hình nội bộ miền Nam, chính quyền VNCH phải đầu hàng vô điểu kiện.
Tiếp đó, chiều 28/4/1975, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất rung chuyển khi máy bay của ta tới tập kích cứ điểm quân sự này. Khi đó, đoàn ta tại Trại Davis đã xuống hầm tránh, và tất cả đều cảm nhận được ngày giải phóng Sài Gòn đang đến rất gần.
Cảm nhận đó đã thành hiện thực khi ngày 29/4/1975, tân Tổng thống VNCH Dương Văn Minh phải cử đoàn một đoàn đại diện đến Trại Davis để thảo luận về vấn đề bàn giao chính quyền. Đại tá Võ Đông Giang mời họ xuống hầm để bảo đảm an toàn, và tất cả đều ngạc nhiên khi thấy hệ thống giao thông hào và hầm do ta mới đào.
Sau khi bình tĩnh, họ trình bày muốn đến đây để đề nghị được thương lượng, tránh thương vong cho lực lượng hai bên. Đại tá Võ Đông Giang giải thích lại chính sách của ta như đã tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 26/4 nói trên, yêu cầu chính quyền của Tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện.
Sau khi miền Nam giải phóng, hai đoàn ĐBQS của ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Khi tổng kết lại chiến dịch, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao những đóng góp của hai Đoàn ĐBQS của ta, coi đây là một mũi tiến công ngoại giao quân sự hết sức độc đáo, góp phần vào chiến thắng cuối cùng.
Tại cuộc gặp gỡ, chúng tôi có dịp nghe ông Phạm Văn Lãi kể chuyện cắm cờ của Chính phủ CMLTCHMNVN tại Trại Davis. Ông Lãi cho biết, sáng 30/4/1975, khi xác định chiến thắng sẽ diễn ra trong ngày, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng đoàn CMLTCHMNVN quyết định cho treo cờ tại Trại Davis.
Lệnh treo cờ được truyền xuống, và chiến sĩ Phạm Văn Lãi nhận lệnh vào kho chọn lá cờ to nhất để cắm trên tháp nước, vị trí cao nhất tại Trại Davis. Lấy cờ xong, anh bước nhanh ra sân, được vệ binh Nguyễn Văn Cẩn đi theo để hỗ trợ việc cắm cờ. Nhìn thấy một ống nước bằng thép ở góc sân, chiến sĩ Lãi cầm theo, rồi tìm thêm hai đoạn dây thép để buộc lá cờ.
“Tới nơi, tôi chui vào lồng bảo vệ tháp nước, cầm cờ trèo lên. Cảnh vệ Nguyễn Văn Cẩn đeo súng ngắn trèo phía sau. Lên tới đỉnh tháp, nhờ sự hỗ trợ của cảnh vệ Cẩn phía dưới, tôi buộc lá cờ cho thật chắc rồi buông tay. Lá cờ gặp gió, bay phần phật trên đỉnh tháp nước Trại Davis”, ông Lãi xúc động nói.
Rồi ông kể tiếp, lúc trèo lên tháp nước, ông chỉ tập trung vào việc buộc cờ mà không mảy may nghĩ tới sự nguy hiểm, dù biết bên ngoài Trại Davis luôn có lính VNCH cầm súng đứng gác. Lúc cắm cờ xong, một thành viên trong tổ báo chí của đoàn CMLTCHMNVN chạy tới, ra hiệu cho chiến sĩ Lãi đứng tại đó để chụp kiểu ảnh.
Chiến sĩ Lãi đứng bên lá cờ mà nước mắt cứ trào ra. Lúc đó là 9h30 phút ngày 30/4/1975. Đây là một trong những lá cờ giải phóng đầu tiên được cắm trong ngày 30/4/1975. Và hai giờ sau, đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ quyết định trên nóc Dinh Độc Lập, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được giải phóng, nước nhà hoàn toàn thống nhất.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trai-davis-luy-thep-trong-long-dich-post1735223.tpo