Trại hè Việt Nam 2025: Kết nối kiều bào với lịch sử và văn hóa tỉnh Đắk Lắk
Ngày 17/7, tiếp nối chuỗi sự kiện tại tỉnh Đắk Lắk, đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2025 đã đến dâng hương tại Đài tưởng niệm hơn 100 chiến sĩ Nam tiến và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi tại phường Buôn Ma Thuột. Ngay sau đó, đoàn đã tham quan Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên đặc sắc của vùng đất cao nguyên.

Đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào đến dâng hương tại Đài tưởng niệm hơn 100 chiến sĩ Nam tiến. (Ảnh: Thành Long)
Trong không khí trang nghiêm tại Đài tưởng niệm, các thanh thiếu niên kiều bào cùng lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã thành kính dâng hoa, dâng hương, những phút mặc niệm và nghe giới thiệu về sự hy sinh anh dũng của hơn 100 chiến sĩ Nam tiến, những người đã ngã xuống để bảo vệ vùng đất Tây Nguyên trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Đài tưởng niệm các chiến sĩ Nam Tiến chứa đựng nhiều giá trị lịch sử sâu sắc, khẳng định cho tình đoàn kết, gắn bó, thủy chung, đồng lòng giữ gìn nền độc lập tự do của dân tộc, mãi mãi là tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước noi theo.

Kiều bào trẻ thành kính thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ. (Ảnh: Thành Long)
Ngay sau đó, đoàn tiếp tục dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi, công trình mang ý nghĩa giáo dục văn hóa, lịch sử, thể hiện tình cảm và niềm kính yêu của các cháu thiếu nhi Tây Nguyên với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào dâng hoa tại Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Tây Nguyên. (Ảnh: Thành Long)
Tiếp nối chương trình, đoàn kiều bào di chuyển đến Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, nơi trưng bày hơn 10.000 hiện vật quý liên quan đến đời sống văn hóa, lịch sử đấu tranh và thiên nhiên sinh thái của vùng đất này.
Với lối kiến trúc độc đáo, phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, đây là điểm đến hấp dẫn kiều bào trẻ khi muốn tìm hiểu về mảnh đất và con người vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk được thiết kế theo kiến trúc nhà dài truyền thống của những dân tộc thiểu số sinh sống tại Tây Nguyên. Bảo tàng sử dụng nhiều tông màu tương phản tạo nên một không gian vừa sang trọng vừa cổ điển nhưng cũng không kém phần cuốn hút.

Đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào chụp ảnh lưu niệm trước Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Thành Long)

Các bạn trẻ kiều bào thích thú nhìn ngắm các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Thành Long)
Chia sẻ với TG&VN, đến từ nước Pháp xa xôi, Phan Nam Khang cho biết nhờ có Trại hè Việt Nam mà em được biết nhiều hơn về mảnh đất và con người Tây Nguyên. Ở Pháp, nơi mà Nam Khang đang học tập và sinh sống, những hình ảnh về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hay nhà rông của người Ba Na còn khá lạ lẫm.
“Em thấy thích thú khi được chứng kiến những hiện vật và tư liệu về phong tục tập quán của bà con các dân tộc thiểu số đang sống tại khu vực Tây Nguyên. Những lễ hội cồng chiêng, trang phục, nghi lễ cưới hỏi, lễ bỏ mả, nghề thủ công truyền thống của người Êđê, M’nông, Gia Rai… đều khiến em tò mò và mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về con người nơi đây. Chắc chắn khi về lại Pháp em sẽ kể lại cho ba mẹ và bạn bè về chuyến thăm quan ý nghĩa này”, Nam Khang hào hứng nói.

Phan Nam Khang đến từ Pháp check in tại Bảo tàng. (Ảnh: Thành Long)

Trước đó ngày 16/7, đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào đã có chuyến tham quan Bảo tàng Thế giới Cà phê. (Ảnh: Thành Long)
Trước đó, ngày 16/7, đoàn kiều bào đã có chuyến tham quan tại Bảo tàng Thế giới cà phê, nơi lưu giữ và tôn vinh cà phê Việt đến với thế giới. Bảo tàng là công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Tây Nguyên, pha trộn hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và truyền thống.
Tại đây, các kiều bào trẻ được giới thiệu hơn 10.000 hiện vật về văn hóa cà phê từ khắp nơi trên thế giới, cùng hành trình hình thành và phát triển của cây cà phê, một trong những cây trồng chủ lực góp phần đưa Việt Nam trở thành một cường quốc cà phê trên thế giới.
Chia sẻ với TG&VN, Nguyễn Thị Mi Na, kiều bào hiện đang sinh sống tại Thái Lan cho biết: “Bố của em rất thích cà phê và đặc biệt là cà phê Việt Nam. Khi biết trong lịch trình của Trại hè có các hoạt động tại Đắk Lắk thì ngày nào bố cũng dặn em phải mua bằng được loại cà phê ngon nhất cho bố.
Em cũng đã uống nhiều cà phê ở Thái Lan nhưng khi đến Đắk Lắk thì cà phê ở đây ngon và thơm hơn hẳn. Ngoài ra kiến trúc và không gian trưng bày của Bảo tàng cũng rất đẹp”.

Nguyễn Thị Mi Na, kiều bào đến từ Thái Lan (bên trái) chia sẻ trải nghiệm với TG&VN. (Ảnh: Thành Long)