Trải lòng hiếm thấy của 'Người rắn Ấn Độ'

Chuyển từ Mỹ đến Ấn Độ khi còn là một đứa trẻ, nhà nghiên cứu Romulus Whitaker đã có những trải nghiệm đầy thử thách ở 'xứ sở của rắn hổ mang' và được mệnh danh là 'người rắn Ấn Độ.

 "Người rắn Ấn Độ" trong một buổi chia kẻ kiến thức phòng tránh rắn cho học sinh Ấn Độ. Ảnh: Cedric Bregnard.

"Người rắn Ấn Độ" trong một buổi chia kẻ kiến thức phòng tránh rắn cho học sinh Ấn Độ. Ảnh: Cedric Bregnard.

Sau 6 thập kỷ cống hiến cho việc nghiên cứu và bảo tồn các loài rắn, Romulus Whitaker (80 tuổi, người Ấn Độ gốc Mỹ) được mọi người gọi là “Người rắn Ấn Độ”. Ông nghiên cứu tập trung về rắn, đặc biệt là nội dung về phòng chống rắn độc.

Whitaker còn là người thành lập trạm nghiên cứu về động vật hoang dã Ấn Độ. Theo CNN, các nghiên cứu thực địa của ông về rắn và cá sấu đã giúp nâng cao nhận thức và đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã ở rừng nhiệt đới Ấn Độ.

Năm 2018, ông còn được chính phủ Ấn Độ trao giải Padma Shri - giải thưởng dành cho những cá nhân có “đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nghệ thuật, giáo dục, văn học, khoa học, diễn xuất, y học, dịch vụ xã hội và các vấn đề công cộng”. Hiện tại, Whitaker hoạt động chủ yếu với tư cách là một nhà giáo dục, tuyên truyền kiến thức về cách tránh bị rắn cắn - một phần của chiến lược giảm số người chết vì rắn của Ấn Độ.

CNN đã nói chuyện với Whitaker nhân dịp ông sắp phát hành quyển hồi ký đầu tiên mang tên Snakes, Drugs, Rock n’ Roll: My Early Years (Tạm dịch: Rắn, Thuốc, Rock n’ Roll: Những năm đầu đời của tôi).

Từ New York đến rừng già

“Từ nhỏ, tôi luôn sử dụng thời gian rảnh để vào rừng bắt côn trùng và động vật nhỏ. Mọi việc cứ tiếp diễn cho đến khi tôi thấy một con rắn. Đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên”, ông kể.

 Romulus Whitaker đang cầm một con rắn vào khoảng năm 1947 ở Hoosick, New York. Ảnh: Doris Norden.

Romulus Whitaker đang cầm một con rắn vào khoảng năm 1947 ở Hoosick, New York. Ảnh: Doris Norden.

Theo Whitaker, mẹ ông là người mà ông cảm thấy biết ơn nhiều nhất trong hành trình từ một cậu bé người Mỹ trở thành “người rắn Ấn Độ”. “Khi tôi mang về nhà một con rắn, bà ấy nói: ‘Chà, đẹp quá’. Có người mẹ nào ở thời nay dám làm điều đó? Hiếm lắm”, nhà nghiên cứu 80 tuổi nhớ lại.

Sau đó, mẹ ông kết hôn với Rama Chattopadhyay - một nhà sản xuất phim người Ấn. Năm 1951, cả gia đình ông chuyển đến Bombay - “xứ sở của rắn hổ mang” - khi ông vừa 8 tuổi. Đây là nơi mà đam mê của “người rắn Ấn Độ” được bồi đắp. Ông dành hàng giờ trong rừng để quan sát rắn, cá sấu và những loài lưỡng cư.

 Romulus Whitaker (trái) khi đang làm việc ở trung tâm chiết xuất nọc rắn Miami. Ảnh: Heyward Clamp.

Romulus Whitaker (trái) khi đang làm việc ở trung tâm chiết xuất nọc rắn Miami. Ảnh: Heyward Clamp.

Mãi đến năm 1960, ông quay lại Mỹ để tiếp tục việc học. Trong thời gian quay lại Mỹ, ông theo học ở đại học Wyoming trong một thời gian ngắn bỏ ngang để đi học nghề xử lý rắn hổ mang và chiết xuất nọc rắn ở Miami Serpentarium.

“Dù được thỏa mãn tình yêu với rắn ở Miami nhưng thâm tâm tôi vẫn luôn khao khát trở lại Ấn Độ”, ông chia sẻ. Làm việc ở Miami một thời gian ngắn, ông được chủ cơ sở cho phép quay lại Ấn Độ và tiếp tục làm nghề “thợ săn rắn”. Hiện tại, Whitaker đã nhập quốc tịch Ấn Độ.

Đến năm 1969, ông dần chuyển từ “thợ săn” sang “người bảo tồn” rắn. “Người rắn Ấn Độ” thành lập công viên rắn Madras - công viên rắn đầu tiên ở Ấn Độ. Tại đây, ông triển khai những hoạt động và nghiên cứu bảo tồn bò sát giúp bản thân đạt được giải Padma Shri danh giá của chính phủ.

“Người rắn” cũng sợ rắn

Năm nay, Whitaker sẽ ra mắt một quyển hồi ký gồm ba phần, kể về hành trình tiếp cận với loài rắn hổ mang, tập tục và lối sống của rắn ở Ấn Độ và cách tránh bị cắn ở “xứ sở rắn hổ mang”.

Chia sẻ về hành trình của bản thân, ông tiết lộ: “Thực ra, tôi bắt đầu với vai trò là một thợ săn rắn. Tôi và các đồng nghiệp chỉ bắt đầu trở thành những người bảo tồn khi trở lại Ấn Độ lần thứ hai. Thời điểm đó, chúng tôi nhận ra cá sấu đang gần như tuyệt chủng ở Ấn Độ và nghĩ bản thân cần làm gì đó trước khi quá muộn”.

 Một người bắt rắn Ấn Độ đang lấy nọc độc rắn hổ mang tại Hợp tác xã bắt rắn Irula. Ảnh: Alarmy.

Một người bắt rắn Ấn Độ đang lấy nọc độc rắn hổ mang tại Hợp tác xã bắt rắn Irula. Ảnh: Alarmy.

Một trong những cống hiến lớn nhất của Whitaker là dự án hỗ trợ bộ lạc Irula - tộc người nổi tiếng với kỹ thuật bắt rắn điêu luyện - để phát triển các sản phẩm từ rắn. Bởi lẽ, năm 1970, chính phủ Ấn Độ đã ban hành luật cấm giết rắn hoang dã. Dù là dân tộc bản địa, kiếm sống nhờ nghề giết và lột ra rắn, tộc Irula cũng không được phép giết rắn.

Lúc này, Whitaker đã hỗ trợ người Irula các kiến thức và công nghệ chiết xuất nọc rắn, sản xuất thuốc chống nọc độc để vừa kiếm sống vừa bảo tồn thiên nhiên. Đây cũng là quá trình là “Hợp tác xã bắt rắn Irula” ra đời. Thay vì giết rắn, các sản phẩm của hợp tác xã được sử dụng để giải độc và bảo tồn rắn hoang dã.

Gần đây, ông còn hợp tác với Trung tâm Sức khỏe Toàn cầu và Đại học Toronto (Canada) để thống kê số người chết vì rắn cắn ở Ấn Độ. Kết quả cho thấy Ấn Độ có hơn 50.000 người thiệt mạng mỗi năm vì rắn cắn.

 Hiện tại, Whitaker đang chăm sóc gần 250 cá thể cá sấu được xếp vào loại động vật quý hiếm cực kỳ nguy cấp của Ấn Độ. Ảnh: Shaju John.

Hiện tại, Whitaker đang chăm sóc gần 250 cá thể cá sấu được xếp vào loại động vật quý hiếm cực kỳ nguy cấp của Ấn Độ. Ảnh: Shaju John.

“Tôi từng suýt bị một con rắn hổ mang cắn khi đang lang thang trong rừng. Đó là một trong những lý do tôi quyết tâm thực hiện những dự án phòng chống rắn độc ở Ấn Độ. Một lý do khác là, đôi khi, tôi cũng sợ rắn”, “người rắn Ấn Độ” hóm hỉnh chia sẻ.

Hiện tại, Whitaker còn là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bò sát ở Madras. Ông đang chăm sóc gần 250 cá thể cá sấu được xếp vào loại động vật quý hiếm cực kỳ nguy cấp của Ấn Độ.

Sa những cống hiến không ngừng nghỉ của Whitaker, các hội đồng đã thống nhất dùng tên Romulus Whitaker của ông để đặt cho hai loài rắn Eryx whitakeri và Bungarus romulusi đặc trưng của Ấn Độ.

“Dù muốn hay không, mọi người đều nhớ đến tôi như một kẻ cuồng rắn. Thật tuyệt về điều đó. Tôi chỉ mong mọi người sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đối với loài bò sát không chân sành điệu và thú vị này. Bởi lẽ, chúng rất tuyệt vời”, ông nói.

Đông Tùng

Theo CNN

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/trai-long-hiem-thay-cua-nguoi-ran-an-do-post1476004.html