Trải nghiệm đặt trúm bắt lươn đồng ở miền Tây

Nghề đặt trúm bắt lươn đồng được xem là nghề 'hái ra tiền' của nhiều nông dân miền Tây. Người làm nghề này rất vất vả, họ phải len lỏi từ cánh đồng này đến cánh đồng khác tìm nơi có lươn để đặt trúm.

Cơn mưa lất phất vào một ngày cuối tháng 9, tôi có dịp trải nghiệm hoạt động đặt trúm bắt lươn cùng ông Dư Hoàng Lâm (54 tuổi), ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (Cà Mau). Để đến được nơi đặt trúm, tôi cùng ông Lâm phải xuống chiếc vỏ lãi để đi vào rừng. Ông Lâm kể, ông làm nghề đặt trúm lươn đến nay ngót nghét hơn 15 năm và đây là nghề giúp ông cùng gia đình có cuộc sống ổn định.

Ông Dư Hoàng Lâm dùng vỏ máy vào rừng thăm trúm lươn

Ông Dư Hoàng Lâm dùng vỏ máy vào rừng thăm trúm lươn

Ông Lâm là thành viên của hợp tác xã 19/5 thuộc xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Ở hợp tác xã, các xã viên phải tuân theo các quy định và chỉ được vào rừng bắt cá, bắt lươn khi đến mùa vụ và được phép của hợp tác xã. Sau một lúc trò chuyện hỏi thăm về chuyện nghề đặt trúm cùng ông Lâm, tôi được biết, ở xứ này xưa kia nguồn lợi từ rừng như cá, lươn, rùa, rắn... rất nhiều. Giờ, do việc săn bắt không tuân thủ các quy định, săn bắt trộm nên sản vật từ rừng dần dà bị cạn kiệt và không còn phong phú như ngày xưa.

Chiếc vỏ máy cà tàn của ông Lâm có chiều dài vỏn vẹn 4,5m nhưng chở đến 3 người, trong đó có tôi. Quá trình di chuyển bằng vỏ máy vào rừng thăm trúm, không ít lần tôi nín thở vì chiếc vỏ máy suýt bị chìm. Từ nhà ông Lâm đi đến nơi thăm trúm phải mất khoảng thời gian hơn 20 phút. Ông Lâm điều khiển vỏ máy chở tôi len lỏi qua những cánh rừng tràm bạt ngàn và vượt qua một con đập (bờ đất cao dùng để ngăn giữ nguồn nước trong rừng – PV) mới đến được nơi.

Một phần ống trúm được đặt xuống nước, phần còn lại để trên mặt nước để khi lươn chui vào trong chúng không bị chết ngộp

Một phần ống trúm được đặt xuống nước, phần còn lại để trên mặt nước để khi lươn chui vào trong chúng không bị chết ngộp

Đến con đập, ông Lâm bắt đầu tăng tốc làm vỏ máy lao nhanh về phí trước rồi trườn qua con đập khiến nước tràn vào chiếc vỏ suýt chìm. “Không sao đâu, đừng sợ”, ông Lâm vội trấn an. Rồi ông tiếp tục điều khiển phương tiện len lõi qua từng dòng kênh, mương ở trong rừng và vòng qua 2 con rạch (như sông nhưng nhỏ và hẹp hơn – PV) nhỏ mới đến được thăm trúm.

Thăm trúm lươn

Thăm trúm lươn

Sắp đến nơi, ông Lâm vội tắt máy rồi vớ lấy cây dầm (đoạn cây mỏng dài – PV) để bơi chiếc vỏ di chuyển vào sâu bên trong rừng. Bơi được một đoạn, ông Lâm chỉ tay về phía có ống trúm đang đặt trong bụi năng (loại cỏ dại trong rừng nước ngọt – PV) rồi nói: “Trúm này chắc có lươn”.

Dứt lời, ông rời khỏi chiếc vỏ lãi, nhảy xuống nước di chuyển về phía ống trúm. Vén lớp cỏ phủ trên ống trúm ra, ông Lâm dùng tay nâng lên cao lắc nhẹ, ông nhìn ngó vào bên trong. “Có lươn không chú”, tôi hỏi. Ông Lâm, trả lời ngắn gọn: “Có”.

Trúm dính lươn, ông Lâm dùng tay bịt miệng trúm để chắt nước ra bên ngoài

Trúm dính lươn, ông Lâm dùng tay bịt miệng trúm để chắt nước ra bên ngoài

Rồi ông đặt ống trúm xuống chiếc vỏ rồi dùng cây dầm bơi vào rừng tiếp tục thăm trúm. Thấy xung quanh vắng vẻ, không một bóng người nên tôi hỏi ông, đặt trúm như vậy không sợ người khác thăm trộm sao? Ông Lâm trả lời gọn hơ: “Ở đây là hợp tác xã, khu vực nào, ai được đặt đều được phân chia hết. Của ai người đó thăm, ai thăm trộm mà bị phát hiện là bị hợp tác xã đuổi không cho vào rừng nữa. Chính vì có quy định cứng rắn như vậy mà đó giờ tôi chưa bị ai thăm trộm”.

Mồi có trong trúm, khi nghe mùi, lươn sẽ tiến đến chui vào trong và ở yên trong đó

Mồi có trong trúm, khi nghe mùi, lươn sẽ tiến đến chui vào trong và ở yên trong đó

Theo lời ông Lâm, ông có hơn 20 ống trúm. Hằng ngày, công việc của ông khá bận rộn. Trước khi đặt trúm, ông phải đi tìm mồi, sau đó chế biến và cho vào ống trúm rồi đem vào rừng đặt. “Mỗi người có một bí quyết đặt trúm khác nhau và chẳng ai chỉ cho ai đâu. Vì vậy, mà có người đặt bắt được nhiều lươn, có người được ít.

Riêng tôi, quá trình đặt, tôi cũng đúc kết được bí quyết riêng cho mình. Với hơn 20 ống trúm, hôm nào trúng thì cũng được từ hơn 2 kg, thất cũng được 1 kg. Quân bình mỗi ngày tôi đút túi khoảng 300.000 đồng”, ông Lâm chia sẻ.

Một người dân trên đường ra khỏi rừng

Một người dân trên đường ra khỏi rừng

Sau một buổi đi thăm trúm lươn, thành quả mà ông Lâm có được gần 2kg. Theo ông Lâm, lươn đồng loại 1, hiện được thương lái thu mua với giá 270.000 đồng/kg và lươn loại 2 là trên 200.000 đồng/kg.

Đổ lươn ra bên ngoài

Đổ lươn ra bên ngoài

“Nghề này giờ không còn nhiều người làm, hồi xưa tôi đặt có hôm dính gần 10 kg toàn lươn loại lớn. Giờ khi xuất hiện nhiều cách bắt khác nhau, có người dùng xiệt điện để bắt nên nguồn lợi vì thế cũng vơi dần. Với tôi, chỉ dính lươn lớn tôi mới bắt, còn lươn nhỏ tôi thả lại để tái tạo nguồn lợi. Chứ có bắt mà không có tái tạo thì sớm muộn gì cũng cạn kiệt”, ông Lâm cho biết thêm.

Mớ lươn mập ú là thành quả của ông Lâm sau khi thăm trúm ở rừng về

Mớ lươn mập ú là thành quả của ông Lâm sau khi thăm trúm ở rừng về

Anh Lý Hồng Duẩn, cán bộ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh cho hay: “Mùa này, ở địa phương người dân làm nhiều nghề để tăng thu nhập như đặt lợp bắt cá, giăng lưới, đặt trúm, soi rắn…Mỗi đêm, người làm nghề cũng có thu nhập từ 200.000 đồng”.

Sau khi thăm trúm về ông Lâm bán ngay cho người mua

Sau khi thăm trúm về ông Lâm bán ngay cho người mua

Thăm trúm xong, ông Lâm hớn hở, cứ tủm tỉm cười hoài. “Hôm nay, nhiêu đó là chú đút túi hơn 500.000 đồng. Với những người dân vùng quê như chú, thu nhập như vậy là mừng rồi. Nhưng nghề này thu nhập không đều, khi nhiều khí ít. Bình quân mỗi tháng cũng được khoảng 5 triệu đồng, tuy không nhiều nhưng sống ở quê như thế là được rồi”, ông Lâm cười rồi nổ máy di chuyển ra khỏi rừng, trở về nhà để kịp giờ bán lươn.

Lươn đồng là thực phẩm rất bổ dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn như, kho sả nghệ, nấu canh chua mẻ, nướng mọi...

Trần Khải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trai-nghiem-dat-trum-bat-luon-dong-o-mien-tay-187463.html