Trải nghiệm hang núi lửa C3, C4

Hang C3, C4 là 2 hang động đầu tiên thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (CVĐCTC) Đắk Nông được đưa vào khai thác. Với vẻ đẹp hoang sơ, độc đáo, hang C3, C4 trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm.

Đoàn xe chúng tôi đến với khu vực cụm thác Đ'ray Sáp - Gia Long, thuộc xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô- điểm xuất phát của cuộc hành trình khám phá hang C3, C4. Dẫn đoàn là anh Tôn Ngọc Bảo, hướng dẫn viên du lịch Công ty Du lịch khám phá và Phát triển cộng đồng. Tại điểm dừng chân, tất cả các thành viên trong đoàn được trang bị nón bảo hiểm và đèn pin gắn trên mũ để quan sát và di chuyển khi vào trong hang.

Du khách được trang bị mũ bảo hiểm và đèn pin trước khi tham quan hang C3, C4

Du khách được trang bị mũ bảo hiểm và đèn pin trước khi tham quan hang C3, C4

Khoảng 15 giờ chiều, khi nắng vàng vẫn còn đổ mạnh trên vùng đất Krông Nô, chúng tôi chính thức bắt đầu cuộc khám phá với hành trình đi bộ men theo con đường mòn dài khoảng 3km. Anh Bảo, hướng dẫn viên đoàn cho biết, con đường này mới chỉ được địa phương làm lại từ năm 2015. Bằng cách trải những viên đá núi lửa vỡ nhỏ trên nền đất, con đường rừng giúp khách đi vào tham quan hang C3, C4 không bị trơn trượt và dễ đi hơn.

Hang C3, C4 được thành tạo liên quan trực tiếp với hoạt động phun trào basalt của núi lửa Chư B'luk cách ngày nay khoảng 600.000-200.000 năm. Khi dòng dung nham phun trào chảy lên phía Bắc và Tây Bắc bám theo các địa hình trũng cổ có hình vòng cung theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đã tạo ra hang C3, C4.

Kết quả phân tích tuổi mẫu đá basalt tươi thu thập trên trần hang C6.1 và tường hang C2 cho kết quả lần lượt là 689.000 năm và 668.000 năm. Như vậy, tuổi thành tạo của hang C3, C4 có thể sẽ tương đương với hang C6.1 và hang C2.

Du khách tiếp cận cửa hang C3

Du khách tiếp cận cửa hang C3

Thuộc hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, hang C3, C4 có quy mô trung bình, được thông nhau, với tổng chiều dài khoảng 967,8m. Hang C3 và C4 theo tên địa phương thường được gọi là hang dơi vì đây là nơi trú ngụ của loài vật này.

Du khách theo sát nhau di chuyển trong lối đi vào hang C3

Du khách theo sát nhau di chuyển trong lối đi vào hang C3

Sau khoảng 15 phút đi bộ, đoàn đến với hang C3 trước tiên. Trước khi bắt đầu tiếp cận hang, chúng tôi được hướng dẫn viên lưu ý, dặn dò kỹ các kỹ năng khi leo xuống và tham quan, đặc biệt là vấn đề liên quan tới bảo tồn. Trong đó, không giẫm, đạp lên các nhũ đá nhỏ trên đường đi ở trong hang. Bởi những nhũ đá đó được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại và phải trải qua hàng trăm, ngàn năm mới có thể hình thành nên. “Trong giai đoạn đầu của sự hình thành, nếu chúng ta vô tình giẫm lên và phá đi nhũ đá đó thì thế hệ sau sẽ không thể được chiêm ngưỡng những di sản địa chất hình thành trong hang”, anh Bảo chia sẻ.

Du khách chụp hình kỷ niệm trong hang C3

Du khách chụp hình kỷ niệm trong hang C3

Khi trải nghiệm hang C3, C4, du khách được yêu cầu gìn giữ cảnh quan, sự kiến tạo của địa chất. Hang C3-C4 thông nhau và có 2 cửa riêng biệt. Các cửa hang hình thành do trần của ống dung nham sập xuống để lại những khối đá khổng lồ. Nằm ở độ sâu 7,3m, hang C3 có lối vào khá hẹp và dốc với chiều cao khoảng 4-5m, rộng khoảng 6m - 7m. Việc xuống hang không quá khó nhưng du khách cần thận trọng khi đi trên những tảng đá núi lửa to và ngổn ngang nằm ở miệng hang.

Các dấu vết của dòng dung nham đã từng chảy qua trên tường hang

Các dấu vết của dòng dung nham đã từng chảy qua trên tường hang

Càng đi vào sâu, ánh sáng tự nhiên càng yếu dần. Chỉ còn lại những luồng sáng phát ra từ những chiếc đèn pin cá nhân trên mũ bảo hộ soi đường chỉ lối cho các du khách trong biển đêm. Có những lúc cả đoàn người im lặng, không ai nói tiếng gì vì phải tập trung di chuyển qua những điểm đá lớn, đá nhỏ xen kẽ. Đoàn khách phải theo sát nhau, theo hướng dẫn viên để có thể di chuyển dễ dàng nhất.

Du khách di chuyển theo lối ra hang C3

Du khách di chuyển theo lối ra hang C3

Bên trong lòng hang là hàng loạt những thành tạo điển hình như các loại thạch nhũ, các khe nứt, các nếp uốn… có thể dễ dàng quan sát được. Mỗi một chi tiết bên trong hang động, trên tường hoặc trên trần hang đều thể hiện các dấu vết của dòng dung nham đã từng chảy qua.

Cửa vào hang C4

Cửa vào hang C4

Đoạn sập trần hang C3 kéo dài khoảng 30m - 35m. Đoạn sập trần ở khoảng giữa hang C3 hình thành nên 2 cửa thứ sinh hình clip hay oval dẹt. Đứng trong lòng hang rộng lớn, du khách có thể cảm nhận rõ nét sự vận động mạnh mẽ của dòng dung nham núi lửa tuôn trào và sự kỳ vĩ mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Đắk Nông.

Du khách khám phá bên trong hang C4

Du khách khám phá bên trong hang C4

Ra khỏi hang C3, đi tiếp theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi tiếp cận hang C4. Mặc dù nằm ở độ sâu 9-10m nhưng cửa hang C4 rộng tới 30m nên việc tiếp cận lòng hang C4 cũng khá dễ dàng.

Đê và rãnh dung nham để lại trên nền hang theo hướng song song với hướng phát triển của hang

Đê và rãnh dung nham để lại trên nền hang theo hướng song song với hướng phát triển của hang

Nếu như hang C4 nằm ở phía Đông Nam thuộc thượng lưu thì C3 ở phía Tây Bắc thuộc hạ lưu. Cấu trúc địa chất của 2 hang này tương đối giống nhau. Cả 2 hang đều không phân tầng mà chỉ có 1 tầng hang duy nhất. Hang C4 có chiều dài 251,5m, ngắn hơn C3 với 716,3m nên việc di chuyển để khám phá bên trong hang cũng dễ dàng hơn.

Du khách di chuyển ra khỏi hang C4

Du khách di chuyển ra khỏi hang C4

Hướng dẫn viên Tôn Ngọc Bảo cho biết anh đã từng dẫn đoàn các em học sinh từ 9-10 tuổi tham quan hang C3, C4. Các em học sinh đều tỏ ra rất thích thú với chuyến trải nghiệm. “Có thể nói hang C3, C4 là một bộ giáo cụ trực quan tự nhiên sinh động cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu về địa chất học và đa dạng sinh học hang động núi lửa”, anh Bảo chia sẻ.

Du khách Nguyễn Thị Thiên Hương (54 tuổi), đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, cô thường cùng các con tham gia vào chuyến du lịch khám phá thiên nhiên. Lần đầu tiên đến với Đắk Nông và khám phá hang C3, C4, cô cảm thấy không quá khó khăn và rất ấn tượng.

Còn anh Nguyễn Văn Pháp (35 tuổi) đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, khá bất ngờ khi được tham quan hang C3, C4 vì trước đó chỉ nghĩ Đắk Nông nổi tiếng với những ngọn thác đẹp. Khi đến với hang C3, C4, anh thấy nơi đây mang vẻ đẹp hoang sơ, mới mẻ và khác biệt so với hang động ở nhiều địa phương trên cả nước mà anh đã từng trải nghiệm. “Tôi mong rằng hang C3, C4 sẽ được quảng bá thêm, rộng rãi hơn để khách du lịch trong và ngoài nước có thể biết thêm về nơi đây”, anh Pháp chia sẻ.

Đến nay, ngoài hang C3, C4 đã được tỉnh Đắk Nông quy hoạch thành điểm đến trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông thì các hang động dung nham khác vẫn chưa chính thức được đưa vào khai thác du lịch do chưa có nghiên cứu đánh giá về độ an toàn của trần hang.

Theo anh Bảo, khác với cấu trúc hang động núi đá vôi, hang động núi lửa trong đá bazan có cấu trúc thành yếu và không bền vững, dễ sụt lún. Do đó, đối với các hang động núi lửa chưa được khai thác du lịch, du khách không nên tự ý khám phá khi không mang các dụng cụ bảo hộ an toàn.

Để tham quan, khám phá và hiểu hơn về 2 hang động C3, C4, du khách đăng ký tham gia tour của các đơn vị được cấp phép khai thác tour để có được trải nghiệm an toàn.

Hoàng Dương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/trai-nghiem-hang-nui-lua-c3-c4-227622.html