Bậc thềm không thể rêu phong

Nhà tôi nhỏ hẹp nhưng lại nằm ở vị trí thuận tiện trong khu phố. Tôi vụng pha trà, không sành về cà phê nhưng mọi người lại thường lui tới đàm đạo.

Tôi nhận ra họ đến với mình bằng sự thảnh thơi nhưng mỗi người đều mang theo một tâm sự. Họ cần tôi lên tiếng để lòng bớt đi phần nào sự âu lo và thêm hy vọng vào những gì đã lựa chọn.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Tôi không phải người gốc gác ở đây. Hồi đó, khi gia đình tôi mới lục tục xếp đồ đạc từ xe tải xuống, mấy người hàng xóm đã ra giúp rất nhiệt tình. Dần dà, tôi biết được họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau.

Phố của những người tứ xứ cũng có cái hay, mùa nào thức ấy, những đặc sản vùng miền gửi từ quê cũ ra đều được họ bày lên cái bàn gỗ dài nhà tôi. Cái bàn luôn thơm nức những bất ngờ thú vị.

Chủ nhà ít tuổi, pha trà xong thì ngồi một góc lắng nghe. Mọi người nhẩn nha con cà con kê đủ thứ chuyện từ lúc ông bà phát cây mở lối, đắp nền, lợp mái. Người kể chuyện theo cha ra biển, người giãi bày từ nhỏ đã len lỏi bàn chân nơi phố thị. Thôi thì đủ thứ chuyện nhưng thấy ai cũng mặn mà làn da, nồng nàn giọng nói, những gót giày, đế dép cứ thế in hằn lên bậc thềm đá nhà tôi.

Hàng cây của các gia đình trồng đã lên xanh. Khi cây xòe tán rộng cũng là lúc nhiều người húng hắng ho mỗi khi mùa gió lạnh ùa về. Những người trồng cây đã già đi, tuổi xuân của họ đã trao cho tán xanh yêu quý. Những khóm hoa nở trên hè, bóng mát của cây và cả một nếp sinh hoạt đậm đà tình nghĩa đã trở thành một thứ tài sản của khu phố. Mùa đông bên một bếp lò dưới mái hiên, mùa hạ dưới tán cây nhà tôi, mọi người cùng đến để hàn huyên, để sưởi ấm lòng nhau và tưới mát những tâm hồn.

Một ngày, có phiến đá trên bậc thềm nhà tôi lung lay, cậu con trai nhanh nhảu bảo: “Đá lát bây giờ có nhiều loại đẹp lắm ba ạ, granite xanh Bình Định hoặc granite đen Ấn Độ đều bền và sang, lát vào cho nhà cửa sáng sủa”. Tôi nhìn con cười. Người trẻ có lý do để kiến tạo cuộc đời cho mình, còn tôi có lý do riêng để gắn lại viên đá lát này dẫu nó đã cũ. Tôi không muốn mất đi những dấu chân thương mến đó.

Một hôm, mưa gió ập đến. Cái cây bên kia đường bật gốc nhưng may mắn không gây tổn hại về người và tài sản. Nhưng, chỗ cây đổ để lại một khoảng nắng gắt, một sự trống vắng. Phố vắng cây như vắng một người, tôi nhớ bao lần những chiếc lá vàng vẫn thường được gió cuốn bay sang phía nhà mình. Chiếc lá nghiêng trên thềm đá, tôi đem điện thoại ra chụp lại. Bức ảnh đó khi đăng lên trang cá nhân được nhiều người thích thú. Vậy mà giờ đây, nó cũng như những dấu chân thưa dần, thưa dần, chỉ còn lại bậc thêm rêu bắt đầu mon men bám víu.

Tôi thường đi làm về muộn, một ngày kín như bưng vì bận rộn. Có khi cả tháng trời, tôi chẳng có ngày thư thái để ra chiếc bàn ngoài sân mời mọi người uống trà.

Có hôm, tôi hỏi con: “Nay có ai đến uống trà không con?”. Cậu con trai giờ đã đi làm và chững chạc hơn đáp: “Làm gì có đâu ba, mà các bác ấy đến làm gì khi ba luôn vắng mặt”.

Một sáng thức dậy muộn, khi nắng đã lên, tôi nhận ra có ngọn cỏ đã len lỏi dưới phiến đá bằng chút đất ẩm dấp dính trong khe hẹp. Thời gian là thứ công bằng nhưng cũng nghiệt ngã nhất bởi chẳng nương tay cho một ai.

Tôi sẽ phải bắt đầu tìm lại những ngày xưa ấy bằng sáng nay, từ đôi giày vải lâu không đi, từ chiếc quần jean đã treo trong tủ và những bước chân đến với mọi người trong khu phố. Lúc đầu, họ khá bất ngờ trước sự ghé thăm của tôi, khiến tôi cũng lúng túng.

Lạ thật, nếu như 20 năm trước khi mới đến đây, họ đón một người lạ như tôi bằng sự thân mật thì giờ đây lại có phần e dè đối với một người đã thân quen. Hay, chính tôi đã là khách lạ ở con phố này. Nhưng tôi cho rằng, khi chúng ta thật lòng sẽ được chào đón. Cổng nhà tôi mở, bàn ghế luôn sạch sẽ, trà vẫn luôn thơm để đón những dấu chân. Bởi trong sâu thẳm tâm hồn, tôi vẫn muốn bậc thềm này không thể rêu phong.

BÙI VIỆT PHƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/bac-them-khong-the-reu-phong-post292512.html