Trải nghiệm Hát Xoan làng cổ

Có nguồn gốc từ thời đại Hùng Vương, Hát Xoan là niềm tự hào của người dân Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung. Hát Xoan có sức cuốn hút đặc biệt du khách khi về với miền Đất Tổ.

Hát Xoan Phú Thọ ngày càng tạo được nhiều thiện cảm và ấn tượng đẹp của du khách trong và ngoài nước.

Hát Xoan Phú Thọ ngày càng tạo được nhiều thiện cảm và ấn tượng đẹp của du khách trong và ngoài nước.

Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các Vua Hùng. Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát Xoan vào mùa Xuân để đón chào năm mới. Có ba hình thức hát Xoan: Hát thờ cúng các Vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên. Lời hát, ca từ, điệu múa, dụng cụ biểu diễn mộc mạc, đơn sơ nhưng nhịp phách, âm điệu rõ ràng, chắc khỏe, đặc biệt là tiếng trống nơi cửa đình như giục giã, thôi thúc, chạm vào tâm thức thành kính nhất của mỗi con người. Trải qua thời gian, những làn điệu Xoan đã thấm đượm vào tâm hồn mỗi người dân Đất Tổ.

Năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với các tour, tuyến du lịch phục vụ các đoàn khách về tham dự Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm. Sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay chương trình “Hát Xoan làng cổ” đã trở thành món ăn tinh thần độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước mỗi khi về với Phú Thọ.

Những làn điệu Hát Xoan thấm đậm tình đất, tình người Phú Thọ luôn thu hút đông đảo du khách nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Trong lịch trình, du khách sẽ được tham quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thực hành các nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tìm hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, tham quan Bảo tàng Hùng Vương, tìm hiểu không gian trưng bày về thiên nhiên, lịch sử văn hóa vùng Đất Tổ qua các thời kỳ từ sơ sử đến hiện đại, tham quan đình cổ Hùng Lô và làng cổ Hùng Lô với góc chợ quê, nhà cổ mang đậm truyền thống làng quê Bắc Bộ, trải nghiệm gói bánh chưng, giã bánh giầy truyền thống; tham quan miếu Lãi Lèn, nơi phát tích của Hát Xoan Phú Thọ và được thưởng thức các làn điệu Xoan cổ mượt mà do nghệ nhân các phường Xoan biểu diễn...

Các nghệ nhân biểu diễn Hát Xoan tại Đình Hùng Lô.

Các nghệ nhân biểu diễn Hát Xoan tại Đình Hùng Lô.

Trong không gian cổ kính, linh thiêng của các ngôi đình, kết hợp với lối biểu diễn thuần thục, nhuần nhuyễn từ tiếng trống phách, lời hát, tay múa, chân đưa của các nghệ nhân và đào - kép Xoan đã thể hiện được vẻ đẹp của sự uy nghiêm, thành kính mà thanh thoát, hồn hậu, mộc mạc khiến du khách không thể nào quên.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch - Trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì cho biết: “Trân trọng, yêu quý điệu Hát Xoan là cội nguồn của tình yêu đối với quê hương đất nước. Giữ gìn và phát huy làn điệu dân ca của dân tộc cũng là giữ gìn và phát huy cốt cách của người dân Đất Tổ, của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, những nghệ nhân phường Xoan chúng tôi luôn cố gắng làm hết sức mình, mang đến những làn điệu Xoan hay và ý nghĩa nhất để phục vụ du khách gần xa hành hương về Đất Tổ”.

Trong Hát Xoan, múa và hát luôn kết hợp nhịp nhàng với nhau, người biểu diễn tái hiện lại sinh động những nét văn hóa đặc sắc của cư dân xưa như: Thờ cúng, cấy lúa, bắt cá, mừng hội,... Trước những ngày chính thức diễn ra Lễ hội Đền Hùng hằng năm, nghệ nhân các phường Xoan cổ lại gấp rút luyện tập nhằm đảm bảo chất lượng trình diễn tốt nhất, sẵn sàng phục vụ đồng bào và du khách thập phương. Miếu Lãi Lèn ở xã Kim Đức, thành phố Việt Trì những ngày này luôn rộn vang tiếng trống, tiếng phách hòa cùng điệu hát Xoan ngọt ngào của các thành viên thuộc bốn phường Xoan cổ Kim Đái, Thét, Phù Đức, An Thái đang say sưa luyện tập.

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kiều Nga - Trùm phường Xoan Thét chia sẻ: “Phục vụ du khách về Giỗ Tổ năm nay, các phường Xoan sẽ biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc như các chặng hát thờ, hát quả cách, hát hội... Chúng tôi mong muốn đem đến những tiết mục hấp dẫn để góp phần quảng bá hình ảnh và con người Đất Tổ thân thiện, mến khách với nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo”.

Nâng niu, gìn giữ người dân Đất Tổ chăm chút từng câu hát điệu múa cổ từ đời này qua đời khác. Từ người già đến trẻ nhỏ đều lớn lên cùng với làn điệu dân ca của quê hương. Điệu Hát Xoan như chữ duyên chữ tình của người dân Đất Tổ qua được dặm dài dâu bể mấy nghìn năm sẽ vang mãi cùng non sông xứ sở là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn con dân Lạc Hồng mãi về sau.

Ninh Giang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoa/trai-nghiem-hat-xoan-lang-co/210042.htm