Trải nghiệm 'Hương xuân Tây Bắc' tại Hà Nội
Nhằm giới thiệu không khí đón xuân đầu năm của đồng bào các dân tộc, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động 'Hương xuân Tây Bắc' diễn ra từ ngày 1 đến ngày 31/1.
“Hương xuân Tây Bắc” có nhiều hoạt động hấp dẫn, trong đó, điểm nhấn là chương trình "Đón xuân ở bản em" diễn ra ngày 13 và 14-1. Tham gia chương trình, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian mùa xuân của các dân tộc phía Bắc tại thung lũng hoa cải gần làng Tày, khu các làng dân tộc I.
Đặc biệt, đồng bào Khơ Mú, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La sẽ tái hiện Tết Mạ Grợ - cầu phúc, cầu may, diễn ra ngày 21-1. Tết này diễn ra hằng năm sau khi gặt hái mùa màng xong (khoảng tháng 11, 12 âm lịch). Đây cũng là Tết lớn nhất trong năm của người Khơ Mú, mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc. Nghi lễ diễn ra trong từng gia đình, có sự tham gia của họ hàng, bà con dân bản.
Lễ vật dâng cúng tổ tiên rất đơn giản, chỉ gồm nhiều loại củ, quả như các loại khoai (khoai lang, khoai sọ), củ mài, các loại bí (đỏ, xanh), bầu. Ngoài ra, nhà nào cũng phải có 1 đôi gà (1 con trống, 1 con mái); dòng họ Quàng (dòng họ thờ con hổ) thì mổ lợn để làm lễ. Các gia đình mổ thêm lợn, gà, vịt, mua thêm thực phẩm để ăn Tết.
Vào ngày 30-1, sẽ diễn ra lễ dựng nêu ngày Tết. Đây là phong tục truyền thống lâu đời, ý nghĩa với nhiều dân tộc. Cây nêu không chỉ thể hiện ý nghĩa "tống cựu, nghinh tân", biểu tượng tâm linh mà còn chuyển tải ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp. Người Việt coi cây nêu là trục vũ trụ, cột nối giữa trời và đất. Dựng nêu là hoạt động diễn ra đều đặn hằng năm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Một trong những hoạt động nổi bật là "Hội xuân" sẽ diễn ra mỗi dịp cuối tuần trong tháng 1-2024. Đồng bào và du khách cùng trải nghiệm, giao lưu các tiết mục văn nghệ, loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân như: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa...
Chương trình có sự tham gia của 100 đồng bào đến từ 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Raglai, Ê Đê, Khmer).
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trai-nghiem-huong-xuan-tay-bac-tai-ha-noi-post563457.antd