Trải nghiệm Singapore thật khác qua các tuyến xe buýt công cộng

Chọn khám phá Singapore đầy ngẫu hứng trên các tuyến xe buýt công cộng, du khách có thể tìm thấy những khung hình đậm chất điện ảnh ít người biết, chậm rãi cảm nhận đời sống và văn hóa bản địa để chuyến đi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Trong mùa du lịch năm nay, Singapore tiếp tục góp mặt trong top 3 điểm đến quốc tế được du khách Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Booking.com (dữ liệu từ 1/6 đến 31/7). Điểm đến này luôn giữ được sức hấp dẫn không chỉ bằng những điểm tham quan nổi tiếng, mà còn ở những trải nghiệm giản dị, giúp du khách chậm rãi cảm nhận đời sống và văn hóa địa phương.

Xe buýt không chỉ là phương tiện di chuyển an toàn, tiện lợi, mà còn là cách thức thú vị và mới mẻ đưa du khách bước vào cuộc phiêu lưu khám phá Singapore. Trên hành trình này, du khách được tự do điều chỉnh lịch trình theo sở thích khi có thể tùy chọn lên xuống bất cứ trạm dừng nào, vừa có thể khám phá những khu phố di sản ẩn mình, những mảng xanh nên thơ, cùng những góc chụp đẹp ít người biết của Singapore.

Nguồn: Cơ quan Du lịch Singapore

Nguồn: Cơ quan Du lịch Singapore

Tuyến buýt 12: Hành trình ngược thời gian

Tuyến buýt 12 đưa du khách đến các khu phố lâu đời ở Singapore như Duxton Hill hay Katong – Joo Chiat, nơi từng khung cửa sổ, khoảng sân lát gạch hoa đều thì thầm kể lại những câu chuyện không lời về ký ức của một thời kỳ vàng son đã góp phần định hình nên diện mạo Singapore hiện đại.

Nguồn: Cơ quan Du lịch Singapore

Nguồn: Cơ quan Du lịch Singapore

Điểm nhấn tại đây là công trình kiến trúc Jinrikisha Station cổ kính, gây ấn tượng với phong cách kiến trúc Edwardian, từ mảng tường gạch đỏ đan xen với màu sơn trắng, ô cửa sổ xanh ngọc, đến cấu trúc hình chữ V, mái vòm cong bát giác và tháp vuông trên mái. Được xây dựng từ năm 1903, Jinrikisha Station từng là trạm điều phối xe kéo tay, phương tiện giao thông phổ biến thời kỳ trước. Ngày nay, dù tòa nhà đã được cải tạo cho các mục đích thương mại, kiến trúc mặt tiền vẫn giữ nguyên vẻ cổ kính như xưa.

Nguồn: Cơ quan Du lịch Singapore

Nguồn: Cơ quan Du lịch Singapore

Rời Duxton Hill, hành trình đưa du khách đến Katong – Joo Chiat ở phía Đông, còn được biết đến là khu phố di sản đầu tiên được công nhận của Đảo quốc, cũng là điểm dừng chân lý tưởng để cả khám phá nền văn hóa Peranakan một cách trọn vẹn nhất. Dạo quanh khu phố Katong – Joo Chiat, du khách dễ dàng bắt gặp dấu ấn của nền văn hóa Peranakan trong các tiệm ăn gia đình, hàng bánh truyền thống, cửa tiệm nhỏ xinh bán đồ thủ công, bảo tàng tư nhân lẫn các dãy nhà màu sắc rực rỡ. Trải qua bao thăng trầm, những ngồi nhà vẫn lặng lẽ hiện diện giữa lòng đô thị hiện đại, góp phần tạo nên bản sắc đa chiều của Đảo quốc ngày nay.

Tuyến buýt 518: Những công trình kiến trúc biểu tượng

Tuyến 518 đưa du khách chiêm ngưỡng sự giao thoa hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và cổ điển ngay trung tâm Singapore.

Nguồn: Cơ quan Du lịch Singapore

Nguồn: Cơ quan Du lịch Singapore

Tòa nhà CHIJMES là một trong những công trình mang phong cách Gothic Revival tiêu biểu tại Singapore. Tháp nhọn cao vút ở trung tâm chịu ảnh hưởng lớn từ kiến trúc nhà thờ châu Âu thế kỷ 19, mang đến cảm giác thiêng liêng. Các chi tiết cổ điển chạm khắc trên cột, mái và lan can tạo nên sự đối lập thú vị với những cao ốc hiện đại xung quanh. Điểm nhấn nổi bật của công trình là khu vực nhà nguyện được hoàn thành vào năm 1904, với phần mặt tiền trang trí đối xứng, các vòm nhọn đặc trưng và các ô cửa kính màu tinh xảo nhập khẩu từ Bỉ. Công trình này được Singapore công nhận là National Monument (Di tích Quốc gia) vào năm 1990 và được bảo tồn, cải tạo để trở thành khu phức hợp giải trí nổi tiếng, nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán cà phê, bar và không gian tổ chức sự kiện.

Ngay sau CHIJMES, Raffles Hotel Singapore gây ấn tượng bởi phong cách kiến trúc Neo-Renaissance. Tòa nhà có mặt tiền sơn trắng, các dãy cột đối xứng, mái ngói đỏ, bố cục ba tầng vuông vức, hành lang thoáng đãng, hiên nhà rộng, cùng những ô cửa sổ vòm chịu ảnh hưởng từ kiến trúc thuộc địa Anh, tạo nên cảm giác vừa uy nghiêm vừa thanh lịch.

Nguồn: Cơ quan Du lịch Singapore

Nguồn: Cơ quan Du lịch Singapore

Khánh thành vào năm 1887, Raffles Hotel từ một một nhà nghỉ ven biển, dần mở rộng quy mô và trở thành điểm dừng chân yêu thích của giới văn nghệ sĩ, thương gia và tầng lớp thượng lưu thời thuộc địa. Khách sạn mang tên Sir Stamford Raffles, người được xem là cha đẻ của Singapore hiện đại. Trong suốt hơn 135 năm tồn tại, nơi đây đã chứng kiến nhiều cột mốc quan trọng của lịch sử và trở thành một phần không thể tách rời của bản sắc đô thị. Raffles Hotel cũng gắn liền với nhiều giai thoại thú vị, từ việc là nơi khai sinh ra món cocktail Singapore Sling nổi tiếng, đến việc trở thành bối cảnh trong các tác phẩm văn học của nhà văn Somerset Maugham.

Điểm dừng chân tiếp theo trên hành trình này là National Gallery Singapore (Phòng trưng bày quốc gia Singapore), công trình gắn liền với lịch sử phát triển của quốc gia Singapore hiện đại. Phòng trưng bày quốc gia Singapore thực chất được cải tạo từ hai công trình lịch sử gồm City Hall (Tòa Thị chính) và Supreme Court (Tòa án Tối cao).

Nguồn: Cơ quan Du lịch Singapore

Nguồn: Cơ quan Du lịch Singapore

Ngày nay, National Gallery Singapore trở thành một trong những phòng trưng bày lớn nhất trên thế giới về nghệ thuật đương đại của Singapore và Đông Nam Á khi sở hữu hơn 8.000 tác phẩm nghệ thuật giá trị từ thế kỷ 19 đến nay. Hai công trình cũ được kết nối với nhau bằng hệ thống hành lang kính hiện đại. Ngoài ra, không gian bên trong cũng được cải tạo lại để phù hợp hơn với việc trưng bày, từ vật liệu sàn đến thiết kế mở để đón ánh sáng tự nhiên. Tuy nhiên, những chi tiết như cầu thang đá, lan can bằng đồng, gạch lát sàn hay các phù điêu mang biểu tượng công lý vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các tác phẩm quý hiếm, mà còn có cơ hội tham gia vào chuỗi hoạt động thú vị để tìm hiểu về nghệ thuật đương đại, từ các buổi tọa đàm với nghệ sĩ và nhà giám tuyển, tour tham quan có hướng dẫn đến hội thảo nghệ thuật chuyên đề. Bên trong khu trưng bày còn có trung tâm giáo dục nghệ thuật Keppel Centre for Art Education. Là không gian dành riêng cho trẻ em, trung tâm này gồm 7 khu vực tương tác, hướng đến việc nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và khơi gợi khả năng sáng tạo của trẻ.

Nam Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/tu-van/trai-nghiem-singapore-that-khac-qua-cac-tuyen-xe-buyt-cong-cong-post1211634.vov