Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt qua nhãn quan của Đạo Phật
Theo Phật giáo, quan niệm về hiếu thảo không chỉ dừng lại ở sự cung phụng về vật chất, mà quan trọng hơn vẫn là sự nuôi dưỡng cha mẹ về mặt tinh thần, tâm linh.
Tác giả: Nguyễn Khoa Ngọc Thùy (Thích nữ Quảng Minh)
Học viên Cao học K.III tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
1. Dẫn nhập
Đối với người Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên đã trở thành một nét đẹp mang tính truyền thống trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.
Trong thời đại ngày nay, khi mà xã hội con người đang ở trong giai đoạn hoàng kim của chủ nghĩa vật chất – khoa học – công nghệ, cũng như nền tảng giáo dục luân lý đạo đức truyền thống đang bị lung lay và dần mai một, thì mỹ tục này đã và đang có vai trò vô cùng quan trọng trong việc khôi phục, giữ gìn, bảo vệ và phát huy những nét đẹp vốn đã có từ lâu đời về khía cạnh văn hóa, tinh thần, tâm linh của dân tộc.
Tuy nhiên, cho đến ngày nay, phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam vẫn đang còn nằm trong giới hạn của phạm trù tín ngưỡng và hoàn toàn chưa có một hệ thống tư tưởng hay triết học nào làm nền tảng lý luận mang tính hệ thống.
Trong nhãn quan của Phật giáo, vấn đề tưởng niệm, tri ân và thờ cúng đối với những người quá vãng tuy không phải là đặc điểm cốt lõi nhưng với những dòng tư tưởng triết học phong phú và đặc thù, Phật giáo đã xây dựng được một sự khả tín cao trong việc hình thành nên cơ sở lý luận cho vấn đề này. Vì vậy, nếu khảo sát tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam qua lăng kính của Phật giáo sẽ giúp tạo nên một cái nhìn mới mẻ, thú vị cũng như hình thành nên một cơ sở về lý luận mang tính hệ thống, khoa học và vững chắc hơn. Để rồi từ đó có thể ứng dụng vào thực tiễn đời sống những mô hình, cách thức mang tính phương tiện tham khảo nhưng thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc dựa trên lập trường của Phật giáo, góp phần làm phong phú và tôn vinh thêm những giá trị truyền thống, tốt đẹp vốn có của dân tộc.
2. Nội dung
2.1 Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt
Khái niệm
Tín ngưỡng
Cho đến ngày nay, vẫn còn nhiều quan điểm xung quanh khái niệm “tín ngưỡng”. Tuy nhiên, theo Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo của nhà nước Việt Nam được ban hành vào năm 2016, số hiệu 02/2016/QH14 thì “tín ngưỡng” là “niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với những phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng”.
Tổ tiên
“Tổ tiên là toàn bộ những người được coi là những người thuộc thế hệ đầu tiên, qua đời đã lâu của một dòng họ hay một dân tộc trong quan hệ với các thế hệ sau này”.[1]
Như vậy, theo nghĩa hẹp thì tổ tiên là khái niệm dùng để chỉ những người có cùng huyết thống nhưng đã mất như cụ, kỵ, ông bà, cha mẹ… những người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần tới thế hệ con cháu. Còn theo nghĩa rộng thì khái niệm tổ tiên đã mở rộng ra phạm vi cộng đồng, xã hội, dân tộc. Đó là những người đã có công tạo dựng, giữ gìn, bảo vệ cuộc sống của cả cộng đồng dân tộc. Ở Việt Nam, họ là những tổ sư khai sơn, tổ nghề, thành hoàng, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa…
Thờ cúng tổ tiên
Thờ cúng là “một hoạt động có ý thức của con người”[2], gồm hai yếu tố: thờ và cúng.
“Thờ” là một hành động biểu hiện sự sùng kính một đấng siêu nhiên như thần thánh, tổ tiên… “Thờ” trong thờ cúng tổ tiên là yếu tố thuộc ý thức về tổ tiên, là tâm linh, tình cảm của con cháu hướng về cội nguồn và thể hiện niềm tin vào sự che chở của tổ tiên.
“Cúng” là yếu tố mang tính lễ nghi, là dâng lễ vật cho tổ tiên, những người đã khuất, là sự thực hành một loại động tác (cúng, vái, lạy… ) của chủ thể. Đây là hoạt động có tính hành lễ và chịu sự ảnh hưởng của yếu tố vùng miền.
“Thờ” và “cúng” là hai yếu tố có tác động qua lại và tạo nên một chỉnh thể riêng biệt. Đó là sự “phụng thờ tổ tiên”.
Như vậy, ngang qua những khái niệm vừa được đề cập ở trên, có thể đưa ra nhận định rằng: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt là một phần của ý thức xã hội, là một loại hình tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam, được hình thành từ thời nguyên thủy trong chế độ thị tộc phụ quyền. Đó là sự biết ơn, tưởng nhớ và tôn thờ những người có công sinh thành, tạo dựng, bảo vệ cuộc sống như: cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ, tổ sư tổ nghề, thành hoàng, tổ nước…[3]
2.2 Nguồn gốc nhận thức và tâm lý của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam
Nguồn gốc nhận thức
Cũng như nhiều dân tộc khác, người Việt Nam quan niệm rằng: “vạn vật hữu linh”, nghĩa là mọi sự vật, hiện tượng đều có linh hồn của riêng nó. Cho nên, trong nhận thức dân gian của người Việt, con người gồm có hai bộ phận: linh hồn và thể xác. Hai bộ phận này vừa gắn bó, vừa tách biệt. Gắn bó khi sống và tách biệt khi chết. Và khi chết, tuy thể xác không còn nhưng linh hồn vẫn tồn tại, bất diệt. Cho nên, chết chưa phải là hết. Người quá vãng chẳng qua chỉ là chuyển đời sống sang một thế giới khác mà thôi[4] và vẫn hằng lui tới gia đình.[5] Từ đó, dẫn đến một niềm tin rằng “vong hồn người khuất thường luôn ngự trên bàn thờ để gần gũi con cháu, theo dõi con cháu trong công việc hằng ngày và giúp đỡ con cháu trong từng trường hợp cần thiết.”[6]
Bên cạnh đó, người Việt còn quan niệm rằng “dương sao âm vậy”, nghĩa là, người sống có những nhu cầu gì thì người chết cũng cần đến những nhu cầu ấy. Hay nói cách khác, người đã mất cũng cần “ăn, uống, tiêu pha, nhà ở như người sống”.[7] Và với những kết quả khai quật được từ các di chỉ, ngành khảo cổ đã khẳng định rằng tập tục chôn cất người chết cùng với những vật dụng tùy táng như dụng cụ lao động hay của cải của người Việt cổ… đã có từ thời văn hóa Sơn Vi. Cho nên, việc thờ cúng tổ tiên là điều cần thiết và dần dần đã dẫn đến sự hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.
Nguồn gốc tâm lý
Về mặt tâm lý tình cảm, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt vốn xuất phát từ tinh thần hiếu đạo: “hiếu thân tôn sư”, nghĩa là hiếu thuận đối với cha mẹ và tôn kính đối với thầy tổ. Cho nên, “nhiều người vì sợ vong hồn cha mẹ buồn đã tránh những hành vi xấu xa, và đôi khi định làm một công việc gì cũng suy tính kỹ lưỡng… người ta sợ làm cho vong hồn cha mẹ phải tủi hổ qua hành động của mình và mang tội bất hiếu.”[8] Cho nên, thờ cúng tổ tiên là việc thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn đến cha mẹ và những bậc ông bà tổ tiên đi trước.
Bên cạnh đó, phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt còn được hình thành do bắt nguồn từ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” hay “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Bởi lẽ ý thức về tổ tiên là ý thức về cội nguồn. Thờ cúng tổ tiên là sự phản ánh liên tục của thời gian, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” này đã bày tỏ được lòng biết ơn của hàng hậu bối con cháu đối với các bậc tiền bối cha ông – những người đã có công lao rất lớn trong việc gây dựng nên một đời sống đầy đủ về mọi mặt cho con cháu. Mặt khác, truyền thống này cũng đã thể hiện một trách nhiệm vừa thiêng liêng, vừa to lớn, vừa mang tính liên tục và lâu dài của con cháu đối với những “gia sản” quý báu mà tổ tiên đã để lại.
Như vậy, nếu xét về nguồn gốc tâm lý tình cảm thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt vốn xuất phát từ tinh thần hiếu đạo và “Uống nước nhớ nguồn” truyền thống của dân tộc.
2.3 Quan điểm của Phật giáo về nguồn gốc nhận thức và tâm lý của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt
Quan điểm về nguồn gốc nhận thức
Đối với vấn đề nhận thức, căn cứ vào Bồ tát xử thai kinh, Phật giáo Bắc truyền đưa ra tri kiến rằng: “phách thủ đàn chỉ chi khoảnh, tam thập nhị ức bách thiên niệm, niệm niệm thành hình, hình hình giai hữu thức, thức niệm cực vi tế bất khả chấp trì”.[9] Có nghĩa là “trong một khoảnh khắc chỉ bằng một cái búng ngón tay thì có đến 320.000.000 ý niệm. Từng ý niệm từng ý niệm nối tiếp nhau mà cấu thành nên hình sắc, mỗi một hình sắc đều có thức niệm. Cái thức niệm này vô cùng nhỏ bé, không thể nắm giữ được.” Như vậy, Phật giáo Bắc truyền khẳng định rằng tất cả hiện tượng, vạn vật, mỗi mỗi đều có một cái “thức”, và con người cũng vậy.
Hay như trong Phật giáo Bộ phái, có một số bộ phái cho rằng, sau khi từ bỏ cái thân “ngũ uẩn” này, tức là sau khi chết, con người vẫn còn tiếp tục một chuỗi dài luân hồi tái sinh nếu như trong đời sống hiện tại đó, họ chưa chấm dứt được những nguyên nhân dẫn đến sự sinh tử. Và trong khoảng dao động từ thời gian vừa mới chết đến trước khi đi tái sinh, con người tạm thời tồn tại ở dạng “thức thân”[10]. Đây là hình thái hiện hữu mà Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadin), Hóa Địa Bộ (Mahisasakas) và Độc Tử Bộ (Vatsiputriyas) – 3 trong 20 bộ phái của Phật giáo – gọi là Antarabhava[11]. Antara là khoảng giữa, ở giữa, chỗ lưng chừng; còn bhava là hữu, là có, là tồn tại. Cho nên, Antarabhava có nghĩa là “tồn tại ở khoảng giữa, chỗ lưng chừng”, tiếng Hán dịch là Trung Ấm Thân, tức là một dạng tồn tại của sắc thân sau khi đã chết nhưng trước khi tái sinh.
Đặc biệt, theo quan điểm của Phật giáo Mật tông Tây Tạng thì Trung Ấm Thân có tới 6 loại:
Trung Ấm Thân lúc còn sống và hoạt động.
Trung Ấm Thân lúc chiêm bao.
Trung Ấm Thân khi tĩnh lự.
Trung Ấm Thân đang lúc chết.
Trung Ấm Thân sau khi chết.
Trung Ấm Thân đi tìm thân sau để đầu thai trong vòng sinh tử luân hồi.
Trong đó, ba loại Trung Ấm Thân phía sau là điểm chủ chốt trong việc cứu độ vong nhân.
Còn đối với Thượng Tọa Bộ (Theravadin) hay còn gọi là Phật giáo Nam truyền, tuy không công nhận về Trung Ấm Thân, nhưng bộ phái này lại khẳng định có Patisandhi, tức là Kiết Sanh Thức. “Kiết Sanh Thức nghĩa là móc nối đời này sang đời khác.”[12] Căn cứ theo Abhidhamma (Thắng Pháp) thì “sau khi Tử Tâm đã diệt, một Kiết Sanh Thức được sinh trong một đời sống mới, tiếp theo là 16 tâm sát-na Bhavanga.”[13] Hay nói cách khác hơn, Kiết Sanh Thức là một dạng tồn tại của tâm thức sau khi chết và trước đời sống kế tiếp.
Như vậy, ngang qua những hệ tư tưởng, triết học của các bộ phái, Phật giáo nhận định có sự tồn tại sau khi chết. Cho nên, nếu đứng trên lập trường của đạo Phật thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam hoàn toàn có cơ sở lý luận một cách vững chắc. Đây như là một điểm gặp gỡ đầy nhân duyên giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa của người Việt.
Tuy nhiên, cần phân biệt một cách đúng đắn bản chất của khái niệm tâm thức này của Phật giáo với nội hàm “linh hồn” theo các quan điểm ngoài Phật giáo, trong đó gồm cả niềm tin vào “vong hồn tổ tiên” của dân gian Việt Nam.
Thức thân, Trung Ấm Thân hay Kiết Sanh Thức của Phật giáo tuy là khái niệm dùng để chỉ một dạng tồn tại sau khi chết của con người, nhưng nó mang nội hàm của “vô ngã”. Hiện tượng này chỉ mang tính tạm thời và không phải là một bản ngã hay thực thể vĩnh hằng, bất biến, cũng như không có quyền năng thưởng phạt. Nói cách khác hơn, Trung Ấm Thân chỉ là một mắt xích nhỏ, một giai đoạn tạm thời, luôn thay đổi trong chuỗi dài đầu thai, luân chuyển sống chết và không trường cửu.
Quan điểm về nguồn gốc tâm lý
Như đã đề cập, xét về nguồn gốc tâm lý tình cảm thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt vốn xuất phát từ tinh thần hiếu đạo và “Uống nước nhớ nguồn” truyền thống của dân tộc. Ở trong đạo Phật, hai nhân tố này càng được khẳng định và đề cao.
Trong Kinh Phạm Võng, đức Phật dạy rằng: “Phải hiếu thuận với cha mẹ, Sư-Tăng, Tam-Bảo. Sự hiếu thuận đó là pháp chí đạo. Sự hiếu thuận này cũng gọi là Giới, mà cũng là năng lực đình chỉ tất cả tội lỗi.”[14]
Hay như trong Kinh Tăng Chi, cha mẹ được ví như những ngọn lửa đáng cung kính, vì chính cha mẹ là người đã đem lại sự sống cho con cái, như ngọn lửa đem lại nguồn nóng, sức sống cho loài người:
“Thế nào là lửa đáng cung kính?
Ở đây, này Bà-la-môn, những người mẹ những người cha của người ấy. Này Bà-la-môn, đây gọi là lửa đáng cung kính. Vì cớ sao? Từ đấy, này Bà-la-môn, khiến cho mang lại, khiến cho sinh ra. Do vậy, lửa đáng cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, đem lại chính lạc”.[15]
Đồng thời, sữa mẹ dùng để nuôi con được xem là nhiều hơn biển cả, cha mẹ lại được ví như ngọn lửa đem lại nguồn sống cho con, cho nên, công ơn của cha mẹ đối với con cái thật là vô cùng vô tận. Do đó, đức Phật đã dạy có hai hạng người không thể trả ơn được, tức là mẹ và cha:
“Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, thoa gội, và dầu tại đấy, họ có vãi tiểu tiện đại tiện; như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này; Như vậy, này các Tỷ-kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này”.[16]
Đặc biệt, với điển tích đã cứu độ được mẹ mình thoát khỏi khổ xứ của Ngài Mục Kiền Liên, tinh thần hiếu đạo đã trở thành nét đẹp đặc trưng của Phật giáo và đã có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam, góp phần hình thành nên một quan niệm về chữ hiếu rất riêng, rất bản sắc của người Việt. Hiếu kính luôn đi cùng với sự tri ân, báo ân, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Như vậy, một lần nữa, Phật giáo và dân tộc Việt Nam tiếp tục có sự tương đồng ở quan điểm về nguồn gốc tâm lý trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ngang qua tinh thần hiếu đạo và “uống nước nhớ nguồn”.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).
2.4 Phương pháp báo hiếu và cứu độ vong nhân theo quan điểm của nhà Phật
Báo hiếu
Cũng như nhiều quan niệm báo hiếu khác ở thế gian, bổn phận đền đáp thâm âm của con cái đối với đấng sinh thành trong Phật giáo cũng bao gồm hai lĩnh vực: chăm lo đầy đủ về mặt vật chất và đảm bảo chu đáo về mặt tinh thần cho cha mẹ.
Ở trong Kinh giáo thọ Thi-ca-la-việt, đức Phật đã dạy một cách cụ thể năm bổn phận của người con. Đó là: “Ðược nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời”.[17]
Thứ nhất là trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ. Cha mẹ đã có công sinh thành và dưỡng dục ta nên người, chính vì thế, việc nuôi dưỡng lại cha mẹ là bổn phận đương nhiên, là đạo lý đương nhiên. Chăm lo chu đáo cho đấng sinh thành từ sự ăn uống cho đến việc ngủ nghỉ, đi lại, thuốc thang tật bệnh… Nhưng điều cần lưu ý là phải phụng dưỡng cha mẹ bằng chính tài sản trong sạch, lương thiện, là của cải do “với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp.”[18] Cho nên, Kinh Tập dạy rằng: “Hãy nuôi dưỡng cha mẹ hợp pháp và đúng pháp.”[19]
Thứ hai là gánh vác công việc cho cha mẹ, giữ gìn gia đình và truyền thống. Người Á Đông thường có tâm lý muốn có nhiều con cái, đặc biệt là con trai, bởi lẽ, đó chính là người sẽ kế thừa nghề nghiệp của cha ông và giữ gìn truyền thống cho gia đình. Cho nên, dù là Ấn Độ hay Việt Nam thì trách nhiệm thay thế cha mẹ gánh vác công việc cũng đều là một việc làm có ý nghĩa to lớn trong việc duy trì và phát huy truyền thống, bản sắc của gia đình, dân tộc mình.
Thứ ba là bảo vệ tài sản thừa tự. Gia sản mà con cháu được thừa hưởng, bất luận là thuộc về vật chất hay tinh thần, không kể là nhiều hay ít thì đó cũng đều là từ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu của đấng sinh thành, của thế hệ tổ tiên đi trước đổ ra mới có được. Cho nên, con cháu không những chỉ có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn mà còn phải có bổn phận giúp khối tài sản đó sinh sôi, nảy nở. Điều này đã được diễn tả trong Kinh thông qua hình ảnh của một hồ nước được che đậy kỹ càng, nhét các lỗ bội, được nước các kênh đưa vào, và thỉnh thoảng, trời trút những cơn mưa làm cho nước hồ thêm sung mãn.[20]
Cuối cùng là khuyến hóa cha mẹ hướng thiện, hướng thượng; làm tang lễ khi cha mẹ qua đời; làm các thiện sự để hồi hướng công đức khi cha mẹ mãn phần.
Theo Phật giáo, quan niệm về hiếu thảo không chỉ dừng lại ở sự cung phụng về vật chất, mà quan trọng hơn vẫn là sự nuôi dưỡng cha mẹ về mặt tinh thần, tâm linh. Trong Kinh, đức Phật dạy rằng: “ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.”[21]
Như vậy, con cái còn phải có trách nhiệm khuyến khích cha mẹ bỏ ác làm lành, quy hướng về chính tín, có được chính trí, hướng dẫn cha mẹ xa lìa phiền não, hoàn toàn ra khỏi khổ đau thì đó mới là chí hiếu, mới là sự tận hiếu một cách chân chính.
Khi cha mẹ qua đời, con cái thi hành tang lễ hiếu sự là đạo lý tất nhiên. Và tùy theo hoàn cảnh, phong tục của từng vùng miền mà có nghi lễ phù hợp và thật sự có ý nghĩa. Trong Phật giáo, theo quan niệm Bắc truyền, đặc biệt là căn cứ trên Kinh Địa Tạng thì trong khi gia đình có tang lễ, những người thân thuộc cần phải “cẩn thận, chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng tế lễ quỷ thần, cầu cúng ma quái, bởi vì, những việc trên đó sẽ chẳng đem lại mảy may lợi ích nào cho người mất cả, mà chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi.”[22] Đặc biệt, nên làm các thiện sự, tu tạo phước lành như treo phan lọng, thắp đèn dầu, đọc Kinh, cúng dường Tam Bảo, bố thí, làm chay, cho đến niệm danh hiệu của Phật, Bồ tát, Bích chi Phật… để hồi hướng công đức, giúp cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên thoát khỏi các khổ cảnh ở đời sau.
Như vậy, đối với Phật giáo, tinh thần hiếu đạo chỉ tròn đầy khi thế hệ con cháu có thể thành toàn được sự cung dưỡng về phương diện vật chất cũng như giúp đỡ cho cha mẹ, ông bà… nhắm về giải thoát, xa lìa khổ đau trong đời này và đời sau, vĩnh viễn ra khỏi luân hồi sinh tử.
Phương pháp cứu độ vong nhân, ông bà, cha mẹ, tổ tiên theo quan niệm của Phật giáo
Như đã đề cập ở các phần trên, ngang qua tư tưởng của các bộ phái, tuy không thừa nhận có một linh hồn vĩnh cửu, bất biến, nhưng Phật giáo khẳng định có một trạng thái tồn tại sau khi chết. Và do đó, việc thờ cúng hay cứu độ cho các vong nhân, ông bà, cha mẹ, tổ tiên… là hoàn toàn có một cơ sở lý luận rõ ràng, vững chắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng thì vẫn tồn tại những sự dị biệt về quan điểm thờ cúng và siêu độ cho người quá vãng giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Điển hình là Phật giáo Bắc truyền không chủ trương giết hại sinh vật để thờ cúng, tế lễ mà lại làm đàn chay cúng dường, “hàng thân quyến của người lâm chung đó nên phải sắm sửa làm sự cúng dường lớn, tụng đọc Tôn Kinh, niệm danh hiệu của Phật và Bồ tát. Tu tạo nhân duyên phúc lành như thế, có thể làm cho người chết thoát khỏi chốn ác đạo, các thứ ma quỷ, ác thần thảy đều phải lui tan cả hết.”[23] Hay “cứ theo nghiệp ác của người đó đã gây tạo, suy tính đến quả báo, thời đáng lẽ người đó phải đọa vào ác đạo, song nhờ thân quyến vì người đó mà tu nhân duyên Thánh đạo, cho nên các điều tội ác của người đó thảy đều tiêu sạch.”[24]
Còn trong Phật giáo Bộ phái thì Chế Đa Sơn Bộ (Caityaka) cho rằng người ta có thể đạt được công đức to lớn bằng cách kiến tạo, trang trí và tôn thờ các bảo tháp; thậm chí chỉ cần đi nhiễu một vòng quanh bảo tháp cũng tạo ra công đức. Việc cúng dường hoa, vòng hoa và hương thơm cho bảo tháp cũng là công đức. Và bằng cách bố thí, cúng dường, người ta có thể đạt được công đức, đồng thời, cũng có thể hồi hướng công đức đó cho bạn bè và người thân của mình để họ được hạnh phúc.[25]Như vậy, siêu độ cho vong nhân, ông bà, cha mẹ, tổ tiên trong Phật giáo luôn gắn liền với các hành động thiện lành để đem lại hạnh phúc, an lạc trong hiện tại và vị lai, cũng như không xa rời mục đích cuối cùng là giải thoát tất cả khổ đau, ra khỏi sinh tử luân hồi.
3. Kết luận
Như vậy, đối với nguồn gốc nhận thức và tâm lý dẫn đến sự ra đời của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, Phật giáo đã có nhiều điểm gặp gỡ tương đồng với quan niệm dân gian về sự tồn tại sau khi chết cũng như ý nghĩa việc thờ cúng và siêu độ cho ông bà, cha mẹ nói riêng và cho hết thảy những vong nhân, tổ tiên nói chung, dù cho vì lý do đặc thù, vẫn còn tồn tại những dị biệt giữa hai quan điểm.
Nếu dựa vào nhãn quan của đạo Phật thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hoàn toàn có nền tảng lý luận rõ ràng. Không những thế, vấn đề siêu độ báo hiếu cho ông bà, tổ tiên sau khi họ quá vãng cũng có cơ sở vững chắc và phương pháp khả thi. Đây chính là nét đặc sắc trong tư tưởng người Việt Nam trong vấn đề tiếp biến văn hóa, đồng thời, cũng thể hiện sự dung hòa mang tính nhân văn của Phật giáo.
Hai yếu tố này đã hòa quyện vào nhau như nước với sữa, không thể tách rời, giúp hình thành nên một thuộc tính rất đặc trưng trong văn hóa, tư tưởng người Việt. Đó là:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.”[26]
Chú thích:
[1] Nguyễn Kim Thản (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2006, tr.1191
[2] Nguyễn Thị Hiền, Luận văn Thạc sỹ: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và những giá trị của nó trong đời sống người Việt hiện nay, ĐHKHXHNV Hà Nội, 2014, tr.16
[3]Tham khảo từ Nguyễn Thị Hiền, Sđd, tr.17
[4] Nguyễn Thị Hiền, Sđd, tr.25
[5] Toan Ánh, Phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, 1996, tr.5
[6] Toan Ánh, Sđd, tr.5
[7] Toan Ánh, Nt
[8] Toan Ánh, Sđd, tr.5, 6
[9] Đại chánh tân tu Đại tạng Kinh, Bồ-tát xử thai kinh, số hiệu T0384-12-1024b21,b22
[10] Dẫn theo Thích Quảng Độ (dịch), Phật Quang Đại Từ điển, NXB Phương Đông, 2014, tr.7127
[11] P.Y. Bapat, 2500 Years of Buddhism, Publications Division – New Delhi, India, 1956, tr.105, 106, 108
[12] Tỳ-kheo Thích Minh Châu (dịch), Thắng Pháp Tập Yếu Luận, Ban tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh, 1971, tr.71
[13] Tỳ-kheo Thích Minh Châu (dịch), Nt, tr.138
[14] HT. Thích Đôn Hậu (chủ giảng), Kinh Phạm Võng Giới Bồ Tát, Chùa Long Hưng, 2013, tr.22
[15] Dẫn theo HT. Thích Minh Châu, Chữ Hiếu trong kinh tạng Pàli, trích từ Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, https://www.budsas.org/uni/u-daoduc/daoduc00.htm, số đăng: ngày 01/05/2003
[16] Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương hai pháp, phẩm Tâm thăng bằng, Kinh Đất, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr.119
[17] Đại Tạng Kinh Việt Nam, Trường Bộ Kinh, tập 2, Kinh giáo thọ Thi-ca-la-việt, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tr.541
[18] Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, chương năm pháp, phẩm Vua Munda, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr.375
[19] Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tiểu Bộ, Kinh Tập, Kinh Dhammika, NXB.TPHCM, 1999, tr.595
[20] Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 3, chương 8, phẩm Gotami, Kinh Dighajanu, Người Koliya, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr.665, 666
[21] Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương hai pháp, phẩm Tâm thăng bằng, Kinh Đất, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr.119, 120
[22] HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Địa Tạng, NXB. Tôn Giáo, 2016, tr.104
[23] HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Nt, tr.126
[24] HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Nt, tr.103
[25] P.Y. Bapat, Sđd, tr.118
[26] HT.Thích Mãn Giác, Nhớ Chùa, https://phatgiao.org.vn/nho-chua-thich-man-giac-d12241.html, số đăng: thứ tư, 02/10/2013, 10:39 AM
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu sơ cấp
1. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Trường Bộ Kinh, tập 2, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991.
2. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, tập 2, tập 3, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996.
3. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tiểu Bộ, tập 1, NXB.TPHCM, 1999.
4. Thích Đôn Hậu (chủ giảng), Kinh Phạm Võng Giới Bồ Tát, Chùa Long Hưng, 2013.
5. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Địa Tạng, NXB. Tôn Giáo, 2016.
6. Tỳ-kheo Thích Minh Châu (dịch), Thắng Pháp Tập Yếu Luận, Ban tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh, 1971, tr.71
7. Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo, số hiệu 02/2016/QH14
Tài liệu thứ cấp
Tiếng Việt
1. Nguyễn Kim Thản (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2006.
2. Nguyễn Thị Hiền, Luận văn Thạc sỹ: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và những giá trị của nó trong đời sống người Việt hiện nay, ĐHKHXHNV Hà Nội, 2014.
3. Thích Quảng Độ (dịch), Phật Quang Đại Từ điển, NXB Phương Đông, 2014.
4. Toan Ánh, Phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, 1996.
Tiếng Anh
P.Y. Bapat, 2500 Years of Buddhism, Publications Division – New Delhi, India, 1956.
Tài liệu trên Internet
1. https://21dzk.l.u-tokyo.ac.jp/SAT/satdb2015.php?lang=en
2. https://www.budsas.org/uni/u-daoduc/daoduc00.htm
3. https://phatgiao.org.vn/nho-chua-thich-man-giac-d12241.html