Trải nghiệm Tết quê

Phong vị Tết quê như một phần không thể thiếu mỗi độ xuân về, khi đất trời giao hòa trong hương xuân, người người, nhà nhà chờ đón năm mới… Trải nghiệm Tết quê những năm gần đây được nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh quan tâm tổ chức cho học sinh các cấp nhằm mang đến hoạt động giáo dục, vui chơi, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc.

Trải nghiệm gói bánh chưng

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”… Dạo quanh những “khu chợ” nhỏ xinh được dựng lên trong trường học, những câu đối đỏ như một phần không thể thiếu tạo nên không gian ấm cúng những ngày cận Tết. Hoạt động gói bánh chưng trong trải nghiệm Tết quê là một phần không thể thiếu dành cho các cô cậu học trò. “Này là lá dong xanh, đây là thịt mỡ, kia là gạo nếp thơm, đỗ xanh, đây là lạt mềm…”. Các cô giáo ân cần giới thiệu cho các em học sinh đang ngồi quây quần xung quanh với ánh mắt háo hức chuẩn bị cho hoạt động trải nghiệm đầy thú vị đó là tự tay gói bánh chưng.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Vân, Tổng Phụ trách Đội, Trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) chia sẻ, cùng với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, các em học sinh cũng trực tiếp tham gia vào các công đoạn gói bánh chưng. Các chi đội cũng sẽ lựa chọn ra những chiếc bánh đẹp nhất để trưng bày, giới thiệu, thuyết minh với chủ đề bánh truyền thống trong dịp Tết cổ truyền. Hoạt động này chính là sân chơi lành mạnh, bổ ích để các em giải trí sau những giờ học căng thẳng. Đồng thời, giúp các em thể hiện được những kỹ năng mềm, sự khéo léo của bản thân, nuôi dưỡng thêm lòng tự hào về truyền thống dân tộc.

Trong không khí đầm ấm, vui tươi của mùa xuân mới đang về, những lá dong, bát gạo thơm cùng câu chuyện về người con trai thứ 18 của vua Hùng đó là Lang Liêu tính tình thuần hậu được kể lại. Các em học sinh có dịp được ôn lại lịch sử, nhớ về truyền thống dân tộc với lòng đầy biết ơn. Ghé thăm Trường THCS Lê Quý Đôn, hoạt động ngoại khóa Tết cổ truyền với phần trải nghiệm gói bánh chưng thu hút đông đảo học sinh hơn cả. Trong những bộ áo dài truyền thống đỏ, hồng, xanh, vàng cùng những trang phục truyền thống dân tộc rực sắc xuân, các em học sinh quây quần, khéo léo cùng nhau làm từng chiếc bánh chưng vuông. Em Nguyễn Khánh Vy, lớp 8A chia sẻ, bánh chưng là món ăn xuất hiện trong hầu hết mọi gia đình trong dịp Tết. Khi trải nghiệm làm bánh, chúng em cũng cùng nhau ôn lại câu chuyện “Sự tích bánh chưng, bánh dầy”. Tất cả các bạn đều hào hứng, vui tươi khi tự tay làm một món ăn truyền thống ngày Tết.

Để trẻ thêm yêu Tết cổ truyền

Tết Nguyên đán cổ truyền là ngày Tết quan trọng nhất trong năm của người Việt, cũng là thời điểm mọi người quây quần bên nhau sum họp, nghỉ ngơi, cùng nhau chuẩn bị các món ăn ngon, sửa soạn trang trí nhà cửa đón Tết. Trong không khí ấy, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm Tết để tạo không khí đón xuân vui tươi, lành mạnh. Đồng thời, giúp trẻ tìm hiểu, khám phá và yêu thêm những nét đẹp truyền thống trong Tết cổ truyền của dân tộc.

Với đa dạng các chủ đề như: Hội chợ Tết nhân ái, hội chợ quê, ngày hội “Bánh chưng xanh”, hoạt động trải nghiệm “Truyền thống Việt”, “Ngày Tết quê em”, “Hương vị ngày xuân”... không gian xuân vui tươi, lành mạnh đậm chất truyền thống đã được tái hiện lại ngay trong trường học những ngày đầu xuân.

Cô giáo Hoàng Thanh Huyền, Tổng Phụ trách Đội Trường Tiểu học Vinh Quang (Chiêm Hóa) chia sẻ, có rất nhiều điều bổ ích các em học sinh có thể học được trong hoạt động ngoại khóa đón Tết cổ truyền. Đó là cùng nhau trải nghiệm làm món ăn ngày Tết, trang trí gian hàng chợ quê, sắp xếp và bày trí mâm ngũ quả... Không những thế, với mong muốn tạo không gian sinh hoạt mang đậm không khí mùa xuân, các lớp học cũng được các em tự tay trang trí bằng hoa mai, hoa đào, câu đối đỏ, nhiều giờ học cũng hướng đến chủ đề mùa xuân, Tết cổ truyền dân tộc…

Trong không khí đấm ấm, vui tươi của một mùa xuân mới đang về, các em học sinh còn được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, tìm hiểu nhiều phong tục đẹp trong dịp Tết Nguyên đán như dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa, tiễn ông Công ông Táo, tục xin chữ, mừng tuổi, chúc Tết, khai xuân, các hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng xuân. Các em còn được nhắc nhở, ôn lại truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “uống nước nhớ nguồn” với các hoạt động giúp đỡ bạn nghèo, tặng quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng. Mỗi trải nghiệm Tết xưa đều góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng tình yêu đất nước, quê hương, văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Giáo dục thế hệ trẻ ý thức, trách nhiệm giữ gìn phong tục, nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền đã và đang được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Một mùa xuân mới lại về trên quê hương cách mạng, Thủ đô Kháng chiến, khắp muôn nơi ngập tràn sắc xuân. Trong ánh mắt trẻ thơ, Tết cổ truyền sẽ mãi là những trải nghiệm đáng nhớ, là những ký ức rực rỡ của một mùa đẹp nhất trong năm, mùa xuân - mùa của những khởi đầu...

Bài, ảnh: Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/trai-nghiem-tet-que-187271.html