Trái ngọt khi thầy cô lắng nghe
Có những câu không bao giờ dám hỏi bố mẹ, nhưng với tôi, nhiều học sinh hỏi một cách không e dè.
Câu chuyện của cô Phan Thị Minh Thu, giáo viên Mỹ thuật Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) dưới đây cho thấy tầm quan trọng của sự quan tâm, lắng nghe, đồng hành của thầy cô, cha mẹ với trẻ, đặc biệt lứa tuổi học sinh THCS đang có những thay đổi về mạnh mẽ về tâm sinh lý:
Là một giáo viên bộ môn, tôi không có cơ hội được theo dạy một lớp cố định trong nhiều năm, thường chia tay học sinh sau một năm học. Đặc thù môn học của tôi lại chỉ được dạy các con duy nhất 45 phút một tuần.
Việc theo dõi, hỗ trợ học sinh vì vậy cũng chỉ được trong một khoảng thời gian ngắn và là những tình huống mang tính chất tạm thời.
Tuy nhiên, đôi khi có những câu chuyện được trao đổi với các con dù ngắn ngủi cũng mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc, phần nhiều trong đó là lắng nghe nhiều hơn.
Tôi nhớ mình đã dành ra những buổi nói chuyện với các em học sinh nữ lớp 9 vào những buổi học cuối cùng như một món quà mà tôi dành cho các em trước khi kết thúc môn.
Các em đã hỏi nhiều tới mức tôi không thể trả lời hết. Những câu hỏi mà các em sẽ không bao giờ dám hỏi bố mẹ hay các thầy cô một cách thẳng thắn, nhưng với tôi các em đã dám hỏi một cách không e dè.
Và tôi biết rằng, ngay ở những câu hỏi mà người lớn cho là “có vấn đề” nhất lại chính là cơ hội để người lớn có thể trao cho các em sự hiểu biết và kinh nghiệm sống mà qua đó các em có thể phòng ngừa được nhiều điều không thể lường trước trong các mối quan hệ riêng tư sau này.
- Cô ơi làm thế nào để cưa đổ một bạn trai?
- Cô ơi làm thế nào để biết một người thực sự yêu mình?
- Cô ơi nếu con yêu một bạn đồng giới mà không biết bạn ấy có thích con không thì con phải làm thế nào?...
Cũng có lúc trong khi đang trò chuyện với cả lớp về áp lực học tập và cha mẹ thì một em khóc òa lên và như không thể dừng được dòng cảm xúc. Em không ngừng chia sẻ về những điều bố mẹ đã khiến mình uất ức như thế nào?
Lúc đó tôi đã cảm thấy rất bối rối bởi không thể vừa bao quát cả cả lớp lại vừa có thể làm nhiệm vụ tập trung lắng nghe em.
Nhưng sau tất cả tôi cảm thấy rất vui vì phần nào đã giúp được em đối diện với cảm xúc đã phải kìm nén rất lâu, nếu không được giải tỏa có thể đó sẽ trở thành một vấn đề rất lớn trong tương lai.
Khi tôi có thể gắn kết với học sinh, các em sẽ sẵn sàng hợp tác
Đầu năm học 2023-2024. Trong một tiết học bình thường, như thói quen, tôi luôn gọi những học sinh “quậy” nhất lớp lên bục giảng để trò chuyện với mình. Từ kinh nghiệm, tôi thấy rằng luôn có thể khiến những học sinh này trở nên nghe lời hơn bằng cách bắt chuyện, lắng nghe và đi thẳng vào vấn đề “hư” của trẻ, không bằng thái độ chỉ trích hoặc tấn công cái tôi của trẻ. Thậm chí, nếu tôi có thể “chơi thân” với trẻ “hư” thì đa phần con sẽ trở nên dễ bảo hơn.
Tuy nhiên, lần này khi gọi em lên, tôi phát hiện trên má em có một vết bàn tay đỏ lừ vẫn còn hằn trên má
- Ai tát con đau thế kia?
- Bố con cô ạ?
- Bố con hả? Tát bao giờ mà vẫn đỏ cả má lên thế hả con?
- Tối qua cô ạ?
- Tối qua à? Mà hằn đến tận bây giờ thì chắc là con phải đau lắm phải không ?
- Cũng bình thường thôi cô, con quen rồi! Bố con đánh con suốt!
- ……
- Con có anh chị em không ?
- Con có em gái ạ!
- Em con bị bố đánh ít hơn chứ?
- Không ạ, em cũng bị đánh như con. Nếu làm gì đó sai, kiểu như viết chữ xấu hoặc nói chuyện trên lớp bị cô mách.
- ....
- Cô cũng không đồng ý với việc bố mẹ giáo dục con bằng cách đánh con mình chút nào, con đã lớn rồi mà, cô nghĩ bố chỉ cần nói chuyện với con thôi là con đã có thể hiểu chuyện rồi phải không?
- Vâng ạ!
- Chắc là con đã cảm thấy có những lúc thật bất lực vì không thể làm gì!
- Vâng, bố con còn lấy cả thắt lưng ra để đánh con nữa!...
- Cô nghĩ, có lẽ ngày nhỏ bố cũng được ông bà giáo dục theo cách đánh đòn, nên bây giờ bố chỉ biết cách giáo dục đó, có lẽ bố cũng vì thương con thôi.
- Vâng, chắc thế cô ạ!
- Vậy con đã thử nói chuyện với bố bao giờ về việc con không muốn bị đánh chưa?
- Con chưa ạ! Con nghĩ bố không nghe đâu.
- Cô cũng muốn giúp con lắm, ước gì cô có thể nói chuyện cho bố con hiểu, nhưng cô không có lý do gì để tự dưng gọi bố con tới rồi nói rằng không được giáo dục theo cách đánh con nữa. Cô thấy con hiểu chuyện, chắc chắn bố không cần phải dùng đến đòn roi để nói chuyện con cũng đã tiến bộ rồi.
- Vâng ạ!
- Vậy con thử tự nói chuyện với bố, nếu bố vẫn tiếp tục đánh con thì có lẽ cô sẽ cố gắng nghĩ cách.
Vậy là tôi và em nói chuyện với nhau về việc em sẽ chờ khi bố vui vẻ để thử hỏi bố về tuổi thơ của bố, lúc trước bố có hay bị ông bà đánh không? Bố có đau không? Lúc đó bố cảm thấy thế nào? Rồi sau đó có thể nói rằng mỗi lần bố đánh, anh em con cũng đau lắm! Từ giờ bố đừng đánh anh em con nữa được không? Chỉ cần bố nói gì con sẽ cố gắng sửa đổi...
Tuần sau gặp lại em, tôi lại gọi lên hỏi chuyện, em đó kể đã về hỏi bố như thế và bố nói ngày nhỏ bà đánh bố rất đau, phải đánh thì bố mới thành người trưởng thành như bây giờ được. Con đang định nói tiếp thì bố con lại có việc bận phải đi...
Phải cách thêm cả tuần nữa với lý do là bố đi công tác, sau đó tôi mới có chút thông tin mới. Lần này em nói rằng em đã bảo với bố là từ giờ bố đừng đánh anh em con nữa, con hứa là sẽ bảo ban em gái nghe lời hơn và sẽ cố gắng học hành tử tế, nhưng em nói:
- Giờ con thấy sợ lắm cô ạ!
- Sao vậy?
- Vì con hứa với bố sẽ bảo em gái con, chỉ cần bố đừng đánh hai anh em con nữa. Nhưng bố nói, nếu con không bảo được em thì bố sẽ đánh gấp đôi cả hai anh em! Con chỉ sợ con không bảo được em, nhỡ nó lại điểm kém với viết chữ xấu...
- Vậy, con có thể thử về thương lượng với em gái con về việc đó. Đừng lo lắng quá, đến đâu ta xử lý đến đó được không?
Gần đây nhất, qua những câu chuyện em kể, tôi rất vui vì được biết em không còn bị bố dùng đòn roi để giáo dục như trước nữa. Em còn nói với mẹ tìm thêm lớp học thêm bên ngoài giúp em học tốt hơn các môn chính.
Không biết tôi đã có thể thực sự giúp được em điều gì trong câu chuyện của em và em có thực sự đã thương lượng được với bố hay bố em đã tự thay đổi? Nhưng với sự gần gũi và lắng nghe em, tôi thấy trong các tiết học của tôi em không còn “quậy” như trước nữa, ít chạy loăng quăng ra khỏi chỗ và cũng không nói chuyện riêng nhiều như trước đây. Tôi hiểu rằng, khi tôi có thể gắn kết với trẻ, các em sẽ sẵn sàng hợp tác với tôi.
Hạn chế bạo lực học đường từ được lắng nghe
Trong một tiết trông thay, sau khi vừa dặn dò học sinh xong và vừa kịp ngồi xuống ghế tôi đã thấy một góc giữa lớp học sinh nhao nhao. Một học sinh nữ đang ra sức cầm hộp bút đánh túi bụi một học sinh nam, bút vung vãi khắp nơi.
Tôi vội bước xuống và nhanh chóng nhận thấy vẻ “đắc trí” của em nam tương phản với việc em đang là người bị đánh. Một vài bạn xung quanh nói hùa vào khi thấy tôi bước nhanh xuống lớp “bạn ấy có vấn đề đấy cô ạ!” (ám chỉ bạn nữ) càng làm bạn nam cảm thấy mình được bênh vực “Tao chỉ nhắc mày học thôi thì mày làm sao phải tức!”.
Tôi nhanh chóng gạt tay học sinh nữ xuống để ngăn em đánh bạn và giữ thái độ điềm tĩnh thay vì quát tháo trước hành động đánh bạn: “Em bình tĩnh lại, ngồi về chỗ rồi nói cô xem chuyện gì xảy ra nào!”...
Sau khi ổn định lớp, tôi định gọi một trong hai em lên nói chuyện, nhưng nhớ lại câu nói vừa rồi của các bạn cùng lớp “bạn ấy có vấn đề đấy ạ” nên tôi quyết định hỏi chuyện bạn lớp trưởng:
- Cô muốn hỏi con về bạn nữ vừa nãy... Bình thường bạn ấy có hay thể hiện như vậy không?
- Thưa cô không ạ! Hồi lớp 6 thì bạn ấy cũng bình thường nhưng lên lớp 7 bạn ấy hay tức giận nhiều hơn.
- Kiểu như thế nào?
- Kiểu như hơi tí bực mình ấy cô.
- Có phải là khó kiểm soát cảm xúc?
- Vâng, đã thế mấy bạn trong lớp lại hay hùa vào trêu bạn hơn.
- Nhiều bạn trêu bạn ấy hay sao?
- Thật ra mỗi bạn N vừa nãy là trêu bạn ấy nhiều nhất, xong bạn ấy còn kéo thêm các bạn khác hùa vào trêu chọc bạn nữ nhiều hơn.
- Cô chủ nhiệm có biết không?
- Cô có biết ạ, cô cũng nói nó nhiều rồi, phạt các kiểu nhưng bạn ấy vẫn thế ạ.
- Em ấy không sợ cô chủ nhiệm à?
- Có sợ ạ, nhưng chỉ trong giờ cô thôi, còn những lúc không có cô bạn ấy vẫn trêu.
- Con thử nói với bạn nam ấy chưa? Có thể bạn bè nói nhau nó dễ nghe theo hơn.
- Dạ, con cũng nói mãi rồi nhưng bạn ấy không nghe ạ!
Trong đầu tôi hiện tại xuất hiện hai vấn đề khúc mắc: Bạn nữ trở nên thay đổi tính nết là do đâu? Và có điều gì đã xảy ra khiến bạn nam luôn chĩa mũi nhọn vào bạn nữ như vậy? Tôi gọi bạn nam vừa bị đánh lên nói chuyện:
- Chuyện vừa nãy là sao vậy con? Sao bạn lại tức giận với con đến thế?
- Dạ! Con chỉ nhắc bạn học thôi, con bảo bạn tại sao không học, cô nhắc cả lớp bỏ sách vở ra ôn mà bạn ấy lại ngồi không.
- Chỉ thế thôi?
- Vâng!
- Nếu chỉ thế thôi thì theo con tại sao bạn lại tức giận con đến thế?
- Con không biết! Nói rồi học sinh nam cúi gằm mặt, không giao tiếp mắt với tôi nữa.
- Bình thường mối quan hệ giữa con với bạn như thế nào? Hai đứa vẫn chơi với nhau bình thường chứ?
- Không ạ! Con ghét bạn ấy!
Hẳn là học sinh nam phải có vấn đề gì đó khúc mắc lắm mới không thể kìm được để phải thốt ra lời như vậy
- Bạn ấy đã làm gì để con ghét bạn ấy thế?
- Dạ! Thực ra, trước đây con với bạn ấy hay chơi với nhau, nhưng tại mẹ bạn ấy nói những câu mất dạy về con, những câu không ra gì về con nên con ghét bạn ấy!
- Nói những câu không ra gì về con? Tôi nhắc lại vẻ thông cảm và mặc dù em dùng từ ngữ không được “giữ ý” với cô, nhưng việc uốn nắn em về mặt từ ngữ ngay bây giờ không phải là phù hợp nên tôi coi như không nghe thấy.
- Vâng, mẹ bạn ấy nói con là cái thằng ẻo lả, nam không ra nam, nữ không ra nữ, con nhà vô giáo dục, nhìn mặt hãm, sau này chắc chẳng ra cái gì...
- Ôi! Nếu là cô chắc chắn cô cũng rất bực mình khi nghe ai đó nói về mình như thế! Thật sự bực mình! Dù có tức giận đến mấy cũng không được phép nói về con như vậy! Chắc mẹ bạn ấy đã hiểu lầm con điều gì chăng ?
- Hồi trước bọn con chơi thân với nhau lắm, vì nhà bọn con gần nhau. Nhưng có một hôm con sang nhà bạn chơi làm hỏng đồ của bạn…sau đó mẹ bạn nói con như vậy!
- Mẹ bạn nói thẳng với con sao ?
- Không ạ! Mẹ bạn nói với các bạn khác, sau đó các bạn nói lại với con.
Tôi thở dài theo tâm trạng của con:
- Chỉ vì việc trẻ con chơi với nhau mà mẹ bạn lại nói về con như vậy, cô không đồng tình chút nào! Có lẽ vì lý do đó mà con rất ghét bạn!
- Vâng! Con muốn trêu bạn cho mẹ bạn tức!
- Bạn có biết con trêu bạn vì mẹ bạn đã khiến con tức giận không?
- Không ạ! Thực ra con cũng không ghét bạn lắm.
Tôi lại thở dài:
- Khổ thân bạn ghê! Có lẽ bạn không biết con đã tức giận bạn vì mẹ bạn đã nói với con những điều tồi tệ như thế!
Im lặng. Tôi thấy bạn nam đang cúi gằm và môi mím chặt.
- Con có nghĩ bạn không thích bị con trêu nhiều như vậy không?
- Vâng!
Lúc này trống ra chơi vang lên, các bạn khác bắt đầu ồn ào cắt đứt câu chuyện của cô trò tôi, nhưng để kết thúc tôi vẫn nói với con:
- Cô mong là từ giờ hai đứa sẽ không trêu nhau nữa nhé!
- Vâng ạ!
Bước ra khỏi lớp, tôi vẫn cảm thấy phân vân vì chưa thể tìm được lý do vì sao bạn nữ kia đã có sự thay đổi về tâm sinh lý theo hướng tiêu cực quá như vậy. Tôi thực lòng muốn biết điều gì đã xảy ra trong cuộc sống của em.
Tôi sẽ không gặp lại em trong năm học này nữa, nhưng tôi rất hy vọng, ít nhất thì mọi chuyện không hay giữa hai bạn sẽ kết thúc. Cũng có thể mọi chuyện không thể kết thúc một cách dễ dàng như vậy.
Để mọi chuyện được suôn sẻ, các em rất cần sự hỗ trợ lâu dài từ người lớn và trên hết các em luôn cần có người lắng nghe và thấu hiểu. Càng được lắng nghe nhiều hơn bạo lực học đường sẽ càng không có cơ hội để xuất hiện nữa.
Cô giáo Phan Thị Minh Thu vào ngành năm 2018. Là giáo viên giảng dạy bộ môn Mỹ thuật nhưng vì đam mê công tác tham vấn tâm lý cho học sinh, cũng như thấy được tầm quan trọng của giáo dục tâm lý học đường, cô đang theo học khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trai-ngot-khi-thay-co-lang-nghe-post675129.html